Ngành công nghiệp trò chơi điện tử quả thực đã có rất nhiều thay đổi chỉ trong vài năm qua. Microsoft đã vô cùng bận rộn trong việc tích lũy và mua lại các studio, trong đó nổi bật nhất là thương vụ Bethesda và Activision Blizzard mới đây. Ngay cả Sony cũng đã làm theo và thu hút các studio như Insomniac, BluePoint Games, cùng thỏa thuận mới đây nhất là Bungie và thương hiệu game đình đám của nó là Destiny.
Với rất nhiều studio bắt đầu bị thu hút và về dưới trướng của các công ty lớn hơn, các game thủ sẽ bắt đầu tự hỏi về việc công ty nào còn lại đang độc lập và tương lai của họ liệu cũng sẽ về dưới trướng của các ông lớn hay không. Cộng đồng mạng thậm chí còn đồn đoán về các thương vụ dựa trên mối liên kết của một số nhà phát triển với các công ty, chẳng hạn như Sony và Konami, studio nắm giữ bản quyền của các IP PlayStation truyền thống như Metal Gear và Silent Hill. Một số “con cá lớn” vẫn còn độc lập là Electronic Arts và Ubisoft, cả hai gần đây đều đã đề cập đến tương lai của họ và thậm chí là ý tưởng về việc bị mua lại.
Về Ubisoft, giám đốc điều hành Yves Guillemot và giám đốc tài chính Frédérick Duguet gần đây đã tổ chức một cuộc họp hội nghị với các nhà đầu tư, báo cáo về doanh số bán hàng, đặt câu hỏi và đưa ra các khung thời gian phát hành cho các trò chơi hiện đang được phát triển như Skull & Bones, Mario + Rabbids: Sparks of Hope, và Avatar: Frontiers of Pandora. Trong đó Guillemot đã được hỏi cụ thể về sự gia tăng các vụ mua lại gần đây trong trong ngành và quan điểm của Ubisoft về vấn đề này sẽ như thế nào.
Đáng ngạc nhiên là Guillemot có vẻ khá cởi mở về điều đó, mặc dù ông đã xác nhận rằng Ubisoft vẫn có kế hoạch trở thành một công ty độc lập phần lớn nhờ vào quy mô tài chính cũng như danh mục các IP lớn của mình. Tuy nhiên, mọi lời đề nghị mua lại Ubisoft sẽ được ban giám đốc xem xét thay vì bị từ chối hoàn toàn. Khi được hỏi tại sao công ty vẫn chưa thấy bất kỳ lời đề nghị mua lại nào, Duguet và Guillemot từ chối bình luận, chỉ nhắc lại rằng quy mô và tài sản có giá trị cao của công ty sẽ được dùng để “tạo ra giá trị rất có ý nghĩa trong tương lai.”
Thật thú vị là Ubisoft giờ đây đã sẵn sàng để có ai đó mua lại, điều mà công ty đã kịch liệt phản đối và chống lại chỉ vài năm trước. Một câu chuyện kéo dài nhiều năm giữa Ubisoft và Vivendi đã diễn ra vào năm 2016, làm dấy lên sự thù địch giữa hai công ty liên quan đến việc mua lại. Ban đầu Vivendi muốn có sự hiện diện lớn hơn trong ngành công nghiệp game, vì vậy họ bắt đầu mua ngày càng nhiều cổ phiếu của Ubisoft. Lo sợ có kẻ thù tiếp quản, Ubisoft bắt đầu mua lại cổ phiếu để ngăn Vivendi trở thành chủ sở hữu đa số và bắt đầu đấu thầu tiếp quản. Cuối cùng Vivendi đã rút lui, bán bớt cổ phần của mình và để Ubisoft hoạt động độc lập.