Người ta đã thử nhiều bố cục bàn phím khác nhau. Một số được cho là dễ học và cho tốc độ gõ nhanh hơn so với QWERTY. Nhưng không có bố cục nào đủ tốt để thay thế QWERTY cả.
Hãy quay ngược thời gian, trở về khoảng…150 năm về trước. Lúc này, mọi tài liệu đều được viết tay – khả năng cao là được viết bằng một cây bút mà bạn phải châm mực sau mỗi một đến hai từ. Viết tay rõ ràng là không nhanh cho lắm, và không phải ai cũng viết đẹp được.
Và rồi các nhà phát minh đã chế tạo ra được một chiếc máy dùng để đánh chữ. Những máy chữ đầu tiên làm bằng kim loại, to và nặng, hoạt động gần giống một chiếc đàn piano.
Bạn đã bao giờ thấy bên trong một chiếc đàn piano thực thụ chưa? Khi bạn nhấn một phím, các đòn bẩy sẽ hoạt động, làm một chiếc búa nhỏ đập xuống, chạm vào dây đàn tương ứng để tạo ra âm thanh của nốt nhạc.
Những máy chữ đời đầu cũng tương tự vậy. Chúng có các đòn bẩy gắn liền với một ký tự bằng kim loại ở phía cuối. Bạn phải nhấn một phím chữ khá mạnh để đòn bẩy kim loại nảy lên và chạm vào bề mặt tờ giấy. Nhấn phím A, đòn bẩy A sẽ chạm vào giấy và gõ chữ A. Tờ giấy sau đó sẽ dịch một chút sang trái, để phím tiếp theo sẽ chạm vào ngay bên phải của chữ A vừa rồi. Cứ thế, bạn sẽ gõ được một từ, và thậm chí là cả một cuốn sách.
Chiếc máy chữ đầu tiên đó có các phím ký tự được xếp theo thứ tự ABC. Vấn đề ở đây là, nếu bạn nhấn hai phím liên tục quá nhanh, các đòn bẩy sẽ bị mắc kẹt. Tình trạng mắc kẹt này có khả năng xảy ra cao nhất khi hai phím được nhấn nằm ở gần nhau trên bàn phím. Sắp xếp lại các ký tự có thể sẽ giảm được tình trạng này.
Một máy đánh chữ cổ
Christopher Sholes, một nhà phát minh người Mỹ, là người giải quyết thành công nhất vấn đề này. Ông đã thử nhiều cách sắp xếp khác nhau với mục tiêu giảm được việc phải gõ hai phím gần nhau. Cách bố trí tốt nhất ông tìm ra tương tự với bàn phím QWERTY (đọc là: "kwur-tee", hay "quơ-ti") mà chúng ta sử dụng ngày nay (khi nhìn vào hàng ký tự trên cùng của bàn phím, bạn sẽ hiểu vì sao nó lại được gọi là bàn phím QWERTY).
Sholes đã bán phát minh của mình cho công ty Remington của Mỹ. Vào thập niên 1870, công ty này đã phát triển và bán những chiếc máy đánh chữ thương mại đầu tiên, và đạt được những thành công đáng kể. Các máy này sử dụng bàn phím QWERTY.
Trong hơn 100 năm kể từ khi máy đánh chữ Remington xuất hiện, rất nhiều người trên toàn thế giới đã được huấn luyện để trở thành những người gõ phím kiểu chạm (có nghĩa là họ có thể gõ phím mà không cần nhìn nhiều vào bàn phím). Những người này được tuyển dụng vào việc gõ tài liệu và văn bản cho các danh nghiệp và chính phủ. Bởi đã có quá nhiều người thành thạo việc sử dụng bàn phím QWERTY, yêu cầu họ chuyển sang sử dụng những bố cục bàn phím khác là điều khó có thể thực hiện được.
Người ta đã thử nhiều cách bố trí phím khác ngoài QWERTY. Một số được cho là dễ học và cho tốc độ gõ nhanh hơn so với QWERTY. Nhưng không có cách bố trí nào đủ tốt để thay thế QWERTY cả. Dường như tất cả chúng ta đã quá quen thuộc và gắn bó với bố cục QWERTY, kể cả khi vấn đề kẹt phím từ lâu đã được giải quyết rốt ráo.
QWERTY được phát triển cho tiếng Anh. Một số ngôn ngữ khác sẽ sử dụng các biến thể của QWERTY. Ví dụ, người ta sử dụng bố cục AZERTY cho tiếng Pháp, QWERTZ cho tiếng Đức, và QZERTY cho tiếng Ý. Nếu bạn quen ai đó đến từ Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Trung Quốc, hãy xem thử bố cục bàn phím của họ có khác không nhé!
Bàn phím bố cục AZERTY dùng để gõ tiếng Pháp
Hãy luyện tập khả năng gõ phím kiểu chạm
Bạn có để ý thấy hai phím "F" và "J" trên bàn phím có hai vệt trồi lên không? Hãy đặt hai ngón trỏ của bạn lên các phím này (ngón trỏ trái ở phím "F" và phải ở phím "J"), và các ngón tay khác lên các phím cùng hàng. Lúc này, các ngón tay trái của bạn sẽ đặt trên các phím ASDF và các ngón tay phải trên các phím JKL;. Các phím này được gọi là "phím chính".
Thả lỏng các ngón tay trên các phím chính này. Gõ các ký tự khác bằng cách di chuyển một ngón tay lên hoặc xuống, và đôi lúc là chếch lên hoặc chếch xuống một chút. Một khi bạn có thể làm điều đó thật nhanh mà không cần nhìn các ngón tay, bạn đã có thể gõ kiểu chạm rồi.
Cách gõ này sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong quá trình sử dụng máy tính sau này, từ lúc còn đi học cho đến lúc đi làm.
Có khá nhiều phần mềm khá thú vị giúp bạn tập luyện cách gõ kiểu chạm, một số được thiết kế như những trò chơi vậy. Hãy tìm phần mềm mà bạn thích và bắt tay vào tập luyện. Ban đầu, mọi thứ sẽ hơi khó một chút, nhưng hãy kiên trì và bạn sẽ sớm thành công. Hãy rủ một hoặc hai người bạn cùng tập luyện với bạn, thi xem ai gõ nhanh hơn. Bạn sẽ không bao giờ hối tiếc khi thành thạo kỹ năng gõ kiểu chạm đâu!