Vì sao đến giờ người ta vẫn rong ruổi trong thế giới Hy Lạp của AC Odyssey? - PC/Console

Một tựa game single player, tập trung vào cốt truyện như Assassin’s Creed Odyssey có thể là bến đỗ tiềm năng cho những ai không quá ưa thích thể loại Battle Royale, MMO hay bắn súng theo nhóm.

Nói một cách ví von có thể xem Assassin’s Creed Odyssey là phi vụ đầu tư có tỉ lệ sinh lãi thấp nhưng an toàn. Người chơi không cần kỹ năng quá cao siêu bởi game cho tùy chỉnh độ khó bất cứ lúc nào, không cần biết cách phối hợp nhóm vì chỉ lang thang thang một mình trên toàn cõi Hy Lạp, không cần chiến thắng trong những cuộc tranh đấu tàn nhẫn bởi ngoài hướng Warrior vẫn còn hai hướng nghề nghiệp khác là Assassin và Hunter. Nhìn chung chỉ cần đầu tư đầy đủ thời gian vào Assassin’s Creed Odyssey thứ mà chúng ta nhận lại sẽ là những di tích cổ đại được khám phá, các sinh vật huyền thoại mà Alexios và Kassandra có thể vặt lông làm thịt hay chuỗi nhiệm vụ hấp dẫn với phần thưởng là trang bị hoàng kim.

Vì sao đến giờ người ta vẫn rong ruổi trong thế giới Hy Lạp của AC Odyssey?

Nghe có vẻ đơn giản nhưng giống như mọi tựa game khác, làm thế nào để người ta tiếp tục quay trở lại trò chơi sau khi hoàn thành cốt truyện chính, đặc biệt là khi nó không phải game online, chưa bao giờ là câu hỏi đơn giản. Ubisoft thì vốn không đáng tin cậy và hay có thói quen tự tìm đường chết trong nhiều trường hợp nhưng ở chiến lược phát triển Assassin’s Creed Odyssey họ đã thành công khi giữ gìn sức sống cho một game nhập vai thế giới mở. Ban đầu từ vị thế bị chửi rủa hết lời vì nhìn ngang nhìn dọc, nhìn kiểu gì Odyssey cũng giống như bản nâng cấp lớn của Origins vừa phát hành một năm trước đó. Nhưng tất cả đã thay đổi hoàn toàn và đến hiện tại thiên hạ vẫn đang rong ruổi trong thế giới Hy Lạp cổ của A Assassin’s Creed Odyssey.

Bí quyết của NSX là gì? Đó chính là sự rộng lớn. Rộng lớn về nội dung câu chuyện, rộng lớn về nền tảng văn hóa và rộng lớn về thế giới (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Khác với một vài phiên bản trước đó khi giới hạn người chơi trong một khu vực nhỏ hẹp, bản đồ của Assassin’s Creed Odyssey thật sự rộng đến kinh ngạc. Để hoàn thành thế giới to lớn đó, Ubisoft đã phải vận dụng đến hàng trăm nhân viên cùng với sự cộng tác của nhiều studio khác nhau. Thành quả những con người này mang lại chính là một thế giới mà về lý thuyết game thủ có thể nhìn thấy tường tận mọi ngóc ngách họ mong muốn nhưng thực tế nếu không có khoảng 200 giờ chơi thì việc này không cần bàn nữa. Đó chính là lý do vì sao đến tận thời điểm này, vẫn còn nhiều game thủ tiếp tục sục sạo từng ngóc ngách tại các thành bang của Hy Lạp cổ đại trong Assassin’s Creed Odyssey.

Chúng tôi muốn muốn mỗi khi quay trở lại Odyssey game thủ sẽ cảm nhận được những thử thách mới, đó là lý do cả đội quyết định vay mượn cách tiếp cận của những tựa game online.

Jonathan Dumont – Giám đốc sáng tạo

Sau khi chính thức ra mắt vào ngày 6/10/2018, Ubisoft nhanh chóng thay đổi mô hình công việc khi chia nhỏ lực lượng nhân viên của Odyssey ra thành 3 nhóm chủ đạo. Nhóm đầu tiên tập trung thực hiện các nội dung cho chuỗi nhiệm vụ Lost Tales of Greece, nhóm thứ hai chịu trách nhiệm tinh chỉnh lại những yếu tố bất cập in-game như bug, glitch trong khi đó nhóm cuối cùng lo phần thực hiện các DLC, thứ duy nhất giúp Ubisoft kiếm thêm tiền sau khi trò chơi được bán. Ba đội ngũ nhân sự nói trên không chỉ tập trung phát triển nhằm phong phú cho nội dung của trò chơi mà còn phải chạy đua với tiến độ nhằm đảm bảo sự chú ý của game thủ không bị ngắt quãng quá lâu nếu họ “trót” trải nghiệm quá nhanh so với dự tính. Bạn nên biết vào những ngày này Thạch Sanh thì ít mà Lý Thông thì nhiều, chỉ cần bạn hở ra thì các đối thủ sẽ lao vào cướp khách ngay. Vì lẽ đó làm tốt là một chuyện nhưng phải làm thật nhanh nữa mới sống được.

Lại nói về việc làm thế nào để giữ cho một tựa game không bị giảm sức hút quá nhiều sau khi ra mắt là một câu hỏi không khó giải đáp. Cách đơn giản nhất, phổ thông nhất, được nhiều NSX chọn nhất chính là liên tục thêm vào những nội dung mới, tính phí cũng được miễn là nó hay nhưng free thì càng tốt. Tất nhiên thói đời lạ lùng, nhiều kẻ vẫn không tin mặt trời mọc ở hướng Đông, nếu muốn tìm một tấm gương phản diện điển hình trong trường hợp này thì Anthem chắc đối tượng phù hợp nhất. May là Ubisoft không điên cuồng như BioWare, bọn họ không dám chơi liều như vậy và rất chịu khó cập nhật thêm những nội dung mới cho Assassin’s Creed Odyssey. Thật ra thì Ubisoft không cần ai thị phạm cả, hãy cứ đơn giản mà nhìn vào những tấm gương tày liếp của chính hãng game Pháp như For Honor, Rainbow Six hay The Division sẽ thấy ngay việc lười cập nhật nội dung mới cho trò chơi nó nguy hiểm đến mức nào.

Chúng tôi cố gắng giữ vững tiến độ khoảng 3 tuần một lần cho các nội dung cập nhật mới chứ không chờ đến khi game thủ đăng đàn kêu gọi việc đó.

Andrée-Anne Boisvert – Associate Produce

Nếu trải nghiệm Odyssey chúng ta có thể thấy rằng các nội dung cập nhật được sản xuất dựa trên sự kết hợp của hai yếu tố gồm nội dung từ bộ phận sáng tạo thiết kế sẵn và phản hồi từ trải nghiệm thực tế của người chơi. Ban đầu mọi việc có thể tuân thủ theo một “barème” có sẵn từ nhiều tháng trước do Ubisoft hoạch định, đại khái như khi nào thêm boss mới, khi nào mở ra nhánh nhiệm vụ mới… Thế nhưng rất nhanh chóng NSX đã phải chạy theo tiến độ phá đảo game của người chơi và việc này thực tế không có một chuẩn mực cụ thể nào cả. Ví dụ như vài cập nhật lớn gần đây về tính năng New Game +, mở gới hạn cấp độ hay outfit dành cho các trang bị. Nhiều nội dung đã được lên lịch từ trước nhưng một số ý tưởng của người chơi cũng không tệ lắm. Bạn có biết chức năng tự chế tạo thêm mũi tên ban đầu không có trong danh sách ý tưởng của Ubisoft hay không?

Một nhiệm vụ hay có thể cứu lại một tựa game dở? Đừng tin đó hoàn toàn là bịa đặt nhưng chuỗi nhiệm vụ Lost Tales of Greece hoàn toàn là sự bổ trợ tuyệt vời cho những thứ bị người ta vô tình bỏ lại trong quá trình đi phượt khắp Hy Lạp cổ đại. Bên cạnh đó những nội dung mới được cập nhật lịch trình bọn lính đánh thuê chất lượng cao hay những chiếc tàu huyền thoại luôn là yếu tố khiến game thủ không thể ngừng đăng nhập vào Assassin’s Creed Odyssey. Thậm chí tay giám đốc sáng tạo Dumont có lần từng tính chơi lớn khi mang cả thủy quái Kraken vào game nhưng sau khi suy đi tính lại, việc này tỏ ra cực kỳ không khả thi. Hãy trả lời câu hỏi làm thế nào một bản cập nhật định kỳ có thể gánh nổi dung lượng cực khủng khi NSX muốn miêu tả cảnh chiến đấu của một chiếc tàu cùng thủy thủ đoàn trên đó với thủy quái Kraken? Dumont không trả lời được thế nên chúng ta chỉ có đám lính đánh thuê, mấy con tàu huyền thoại và tuyệt nhiên không có thủy quái Kraken.

Vì sao đến giờ người ta vẫn rong ruổi trong thế giới Hy Lạp của AC Odyssey?

Bạn biết Mọt tui thích gì nhất từ cái mớ nội dung mà Ubisoft cung cấp cho Assassin’s Creed Odyssey hay không? Đó là ngoại trừ ba phần DLC thì còn lại đều miễn phí. Tất nhiên với bản tính dâm dục lâu năm khó bỏ của Ubisoft, NSX cũng ráng nhét thêm vào nhiều thứ đòi Helix (một đơn vị quy đổi sau khi bạn chi trả bằng tiền thật game) như mặc định mở rộng bản đồ, thêm tài nguyên, những bộ cánh và vũ khí cực ngầu. Tất nhiên Ubisoft nói chung hay Jonathan Dumont chưa bao giờ thừa nhận họ làm ra cái vụ microtransaction này là để hút máu. Thậm chí Dumont còn mặt không đổi sắc khi tuyên bố vật phẩm mua bằng Helix giúp các game thủ không có nhiều thời gian nhận được trải nghiệm tốt hơn. Có điều với mấy tay làm nông chuyên nghiệp thì vụ Helix này chỉ là trò vặt bởi mọi thứ đều có thể kiếm được trong game, miễn là bạn… rảnh.

Nhìn chung Ubisoft hay Assassin’s Creed Odyssey đều đã làm rất tốt công việc của mình. Đây đồng thời là bài học quý giá cho các NSX khác khi trình bày một lý lẽ hết sức hiển nhiên (nhưng vẫn có nhiều đứa không chịu hiểu) bán game đắt cũng được, hút máu cũng được nhưng phải đảm bảo chất lượng trò chơi nằm ở mức khá trở lên và phải thường xuyên cập nhật nội dung mới cho nó. Tất nhiên khi nào cảm thấy thu đủ tiền rồi thì ngừng cập nhật cũng được giống như câu nói mà Dumont phát biểu trong một cuộc phỏng vấn:

Nếu bạn đã mua Odyssey, chúng tôi hy vọng bạn sẽ trải nghiệm nó càng lâu càng tốt. Tất nhiên, rồi sẽ có ngày bạn chán nó, chúng tôi cũng vậy.