“Nhà Phát Hành” (NPH) là khái niệm chỉ một công ty, tổ chức độc lập với chức năng phân phối game của nhiều đơn vị sản xuất, lập trình riêng biệt và chiếm vai trò đáng kể trong từng sản phẩm bán ra – họ không trực tiếp tạo ra game, nhưng logo công ty lại luôn xuất hiện đầu tiên trên màn hình chào mừng, trước cả đơn vị tạo ra game đó. Luôn có một mối liên hệ mật thiết giữa Nhà phát hành và các nhà sản xuất game, và những cái tên lớn như EA Games, Ubisoft, Activision… thường là chủ đề nhắc tới giữa game thủ với nhau khi thảo luận về những tựa game ưa thích của mình vậy.
Có rất nhiều lý do để một công ty game cần tới Nhà phát hành cho đứa con cưng của mình – đơn giản nhất là sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, hàng năm có cả trăm game mới ra mắt trên mọi hệ máy console, PC tới mobile, không ai có thể theo dõi xem có sản phẩm nào “đụng hàng” với mình sắp xuất hiện hay “bom tấn” nào chuẩn bị đổ bộ vào thời điểm nào đó trong năm hay không. Một NPH chuyên nghiệp sẽ phải điều tra kĩ thị trường để quyết định thời điểm công bố, ra mắt và ấn định ngày phát hành game thật cẩn thận để đảm bảo thu hút được càng nhiều chú ý càng tốt, có vậy thì lợi nhuận mới đảm bảo đạt chỉ tiêu.
Sau khi nghiên cứu thị trường thì khâu quan trọng tiếp theo của NPH chính là chiến lược quảng bá, lăng xê game – về mặt này, các công ty, tập đoàn lớn luôn có lợi thế vì được ưu tiên tham dự các hội chợ, sự kiện game lớn trong năm, và đương nhiên họ có đầy đủ khả năng tập trung quảng cáo cho game mới chuẩn bị ra mắt trước sự quan tâm của công chúng và game thủ tới tham quan – NPH càng lớn, càng tiếng tăm thì gian hàng càng hoành tráng, càng thu hút nhiều sự chú ý.
Vì là người đóng vai trò quyết định doanh số game đáng kể nên một NPH chuyên nghiệp luôn có nguồn vốn dự trữ sẵn sàng để hỗ trợ cho game đó khi tình hình yêu cầu – ví dụ trong quá trình phát triển mà team dự án gặp trục trặc thì họ sẽ được NPH “bảo trợ” ngay bằng vài tay developer thời vụ sẵn sàng ngồi gỡ lỗi để kịp hoàn thiện game cho ngày phát hành. Hoặc khi game được đánh giá có thể tốt hơn với khả năng chơi mạng, DLC… thì NPH cũng sẽ rót vốn đầu tư ngay cho mục đó để chiều lòng các “thượng đế” ngay khi game ra mắt. Tuy khá tốn kém nhưng phần lợi nhuận thu được chắc chắn sẽ vượt trội so với sản phẩm “mộc” ban đầu rồi.
Tuy hiện nay hầu hết game đã được chuyển sang phát hành kĩ thuật số nhưng vẫn còn không ít game thủ thích hàng “đập hộp”, đĩa xịn với các tặng phẩm kèm theo – NPH lúc này sẽ lo liệu luôn khâu chế tác thành phẩm cuối, có thể là hợp đồng với một công ty bạn nào đó hoặc sử dụng chính cơ sở của NPH này để đúc đĩa, in bìa hộp, chế tác tặng phẩm… và lưu kho ngay để sẵn sàng “ship” cho các fan ruột khi game chính thức xuất hiện.
Với sự phát triển của Internet và tương tác cộng đồng hiện nay, phong trào game indie cũng theo đó lớn mạnh với các dự án được game thủ quyên góp phát triển, game được hình thành và phân phối trực tiếp qua NSX chứ không cần tới NPH – nhưng nói gì thì nói, NPH vẫn là nhân tố chủ đạo giúp đưa các tựa game lớn, chất lượng tốt, tới tay nhiều game thủ hơn. Sự cạnh tranh đã giúp giá cả game hạ đáng kể, nhưng thế không có nghĩa là các NPH chịu thiệt – họ vẫn được tiếng đáng kể và tạo niềm tin cho cộng đồng người chơi, qua đó hứa hẹn nhận thêm được nhiều dự án mới trong tương lai.