Video game được tạo ra nhằm mục đích giúp con người có những giờ phút giải trí, thư giãn sau một ngày dài mệt mỏi. Đó là những gì tôi hiểu khi mới lần đầu tiên tìm hiểu về trò chơi điện tử. Tuy nhiên, sau này, khi lớn lên, phải độc lập tự lo cho cuộc sống của mình, phải đối mặt với những khó khăn của cuộc sống, tôi mới hiểu: Khi bị stress, chơi game là cách tồi tệ nhất để thư giãn. Bất kể đó là tựa game gì, thuộc thể loại nào, nó cũng không thể giúp bạn giảm stress, thậm chí còn khiến tâm tính của game thủ trở nên tiêu cực hơn nhiều.
Các game Multiplayer mang tính đối kháng cần phải được tránh xa khi stress
Đôi lúc, cuộc sống chẳng hề diễn ra như những gì chúng ta muốn. Có những việc vượt quá ngoài tầm kiểm soát, khiến mọi thứ xung quanh bạn trở nên bung bét và lộn xộn. Đứng giữa mớ bòng bong đó, bạn sẽ thấy cực kỳ ức chế mà chưa thể nghĩ ra được cách giải quyết. Bạn nghĩ rằng việc chơi các game Multiplayer mang tính đối kháng cùng bạn bè mình hay chơi cùng những game thủ khác trên thế giới sẽ đem lại cho bạn sự thư giãn ư? Rất tiếc mọi chuyện có thể sẽ không diễn ra như ý muốn của bạn.
Thực tế cho thấy rằng trên mạng, con người ta càng dễ ức chế hơn. Đằng này lại còn là chơi game, nơi bạn sẽ phải gặp vô số “trẩu tre”, chỉ thích chửi, tạo drama mà không hề có hứng muốn hợp tác chơi cùng đồng đội. Bất kể trò chơi nào cũng đều có những thành phần trigger như vậy. Họ chỉ thích chửi và chửi trong suốt thời lượng của một trận đấu. Tôi có thể khẳng định rằng khi đang sẵn bực bội trong người mà phải gặp những người như vậy, bạn chỉ muốn ném vỡ cái màn hình đi cho bõ tức mà thôi.
Còn khi chơi game cùng bạn bè mình thì sao? Mọi chuyện có tích cực lên không? Điều này còn phụ thuộc vào chính bạn. Có những người khi bực tức, họ chẳng thể kiểm soát được lời nói và hành động của mình với anh em chiến hữu. Do đó, chỉ cần một người trong đội có dấu hiệu bóp team, bạn sẽ chỉ muốn chửi nó lên bờ xuống ruộng. Bạn bực tức rồi chửi bới, bạn bè cũng sẽ ức chế theo và chửi bới lại. Kết quả là toang, tình nghĩa anh em chắc chẳng bền lâu. Tâm trí bạn lại càng trở nên hỗn độn, tiêu cực hơn.
Khi bực bội, bạn sẽ chẳng thể cảm nhận được cái hay của một trò chơi
Bạn chỉ có thể thưởng thức trọn vẹn một tác phẩm nghệ thuật với tâm trạng thoải mái, thư thái. Một trò chơi hay hay dở cũng một phần phụ thuộc vào tâm trạng của game thủ. Khi bạn vui, bạn thấy thoải mái, bạn có chết vài lần trong game cũng chẳng vấn đề gì. Lúc này bạn sẽ thấy có hứng để tìm hiểu cả những thứ vô cùng nhỏ nhặt của trò chơi đó. Tôi gọi đúng nghĩa là bạn đang thưởng thức một tựa game.
Tuy nhiên khi game thủ đang sẵn bực tức trong người, bạn sẽ nhìn thế giới trong trò chơi đó với một con mắt hoàn toàn khác. Tôi có thể ví von nó giống như cảm giác của người dân trong Skyrim khi nhìn thấy gà của mình bị giết vậy. Lúc nào cũng trong trạng thái bực bội. Chính cái bực bội đó sẽ khiến bạn rất khó để qua được các nhiệm vụ, bạn dễ nổi nóng chỉ vì một lỗi nhỏ nhất, sẵn sàng đập phá cả chiếc tay cầm chỉ vì “Tại sao tao bắn thằng kia mà nó lại né được!!!”.
Dần dần bực tức khiến bạn không làm nổi nhiệm vụ, không qua được màn lại càng khiến bạn bực tức hơn. Nó giống như một vòng lặp không hồi kết vậy. Và bạn là người đang mắc trong trạng thái tiêu cực tăng dần mà không thể tìm thấy lối ra.
Trên thực tế, tôi thấy đôi lúc chơi các tựa game offline đem lại một cảm giác đơn độc. Chúng ta chỉ có thể trải nghiệm một mình, tương tác với các NPC được lập trình sẵn chứ không phải giữa người với người. Và chính cảm giác đơn độc đó, cùng với cảm xúc ức chế của cả một ngày dài, sẽ khiến bạn thấy trống rỗng và cô quạnh. Cuối cùng, bạn chỉ thấy trò chơi này thật nhàm chán, cuộc đời mình thật vô vị. Những cảm xúc tiêu cực nhất dần xâm chiếm lấy toàn bộ cơ thể và tâm trí của bạn.
Vậy chẳng nhẽ bực tức là không được chơi game sao?
Chúng ta đều biết rằng chơi game sẽ kích thích não hoạt động mạnh hơn. Do đó, nếu chơi liên tục trong thời gian dài, bạn sẽ thấy khá mệt mỏi. Cho dù đam mê tới đâu nhưng cơ thể và trí não của bạn xuống sức khi chơi game là điều rất dễ xảy ra. Và nếu bạn chơi game trong tình trạng bực bội, ức chế thì chắc chắn tình hình càng tồi tệ hơn.
Khi đầu óc trở nên tồi tệ như vậy, bạn sẽ không thể cảm nhận được hết những gì hay nhất của một trò chơi. Bên cạnh đó, tâm trạng không tốt của bạn cũng gây ảnh hưởng tới các ván game, nếu bạn chơi game Multiplayer hoặc game online. Nó cũng ảnh hưởng luôn tới tình cảm anh em chiến hữu. Nói chung, khi tâm trạng và cơ thể đang ở mức tiêu cực, bất cứ việc gì bạn làm cũng sẽ tồi tệ theo, kể cả chơi game.
Theo tôi, nếu đang trong tâm trạng căng thẳng nhất, bạn hãy làm sao để đầu mình được dịu bớt đi. Đó có thể là tu một chai nước lạnh, đi tắm cho sảng khoái, ngủ một giấc thật sâu hoặc xem các video hài về game như video highlight chẳng hạn,… Khi đã bình tĩnh lại, bạn có thể làm việc hay chơi game tùy thích, và tôi tin lúc đó bất cứ việc nào bạn làm cũng đều đem lại một hiệu quả tích cực hơn.
Video game vốn dĩ là sản phẩm giải trí, nhưng nếu chơi không đúng lúc, nó có thể làm ngòi nổ cho những ức chế, bức bối, căng thẳng và tất cả những gì tiêu cực nhất của bạn bùng phát.