Góc hư cấu: Animal Crossing và câu chuyện hòn đảo Pinocchio của động vật - PC/Console

Hãy tưởng tượng về một cái “trại súc vật” phiên bản Harvest Moon với trẻ em bị bắt làm nô lệ , đó chính xác là thứ đang diễn ra trong Animal Crossing.

Xin chào các bạn, đến hẹn lại lên Kênh Tin Game hôm nay tiếp tục với loạt bài góc hư cấu, chuyên đề cày nát tuổi thơ và xuyên tạc mọi thứ có thể xuyên tạc được. Chúng ta đã nói về những chủ đề bựa lòi như ngoại tình trong Resident Evil, “thương nhau mà sống” trong Outlast hoặc Ash sức khỏe như trâu chó của Pokemon… ngày hôm nay hãy đến với một tựa game lành mạnh hơn đó là Animal Crossing – hay còn gọi bằng với cái tên dễ thương là Harvest Moon phiên bản thú vật nhân cách hóa.

Góc hư cấu: Mario hay hành trình trốn chạy của công chúa khỏi thằng cha sửa ống nước hoang tưởng thích chơi "nấm"
Khác với những gì mà mọi người hay nghĩ Mario đi giải cứu Peach, thì chính xác là mọi thứ hoàn toàn ngược lại khi công chúa đang cố tình tìm cách bỏ chạy.

Phòng trường hợp ai đó chưa biết Animal Crossing, thì đây là seri game được phát triển bởi Nintendo chuyên dành cho các hệ máy console của họ. Lối chơi của Animal Crossing xoay quanh việc mô phỏng trồng trọt, xây dựng nhà cửa và phiêu lưu gần giống như Harvest Moon. Sau khi ra mắt vào năm 2001 tới nay, Animal Crossing siêu thành công với hơn 30 triệu bản trên toàn thế giới, cực kỳ nổi tiếng tại Nhật với doanh số tăng gấp đôi theo từng phiên bản.

Lối chơi của Animal Crossing kể về nhân vật chính thường là những đứa nhóc khoảng mười hoặc mười hai tuổi, đột nhiên được dịch chuyển tới một ngôi làng kì lạ với đầy những con thú biết nói. Cuộc sống thần tiên vãi cả nồi bắt đầu, khi người chơi ở lại đây trong vai trò giúp đỡ bọn thú này xây dựng ngôi làng lên, nói chung là cũng gần gần giống như các game mô phỏng khác.

Tất nhiên trong bài viết này không nhằm nói về lối chơi của Animal Crossing, mà Kênh Tin Game thích bàn về thuyết âm mưu hơn. Đó là cái ngôi làng này thực ra đóng vai trò như một không gian ảo, nơi bọn thú bắt cóc trẻ con đến làm nô lệ, cho tới khi bọn nhóc mất đi lý trí và bắt đầu quên đi bản thân mình là ai, cuối cùng bị giam giữ suốt đời ở đó.

Góc hư cấu: Animal Crossing và câu chuyện hòn đảo Pinocchio của động vật

Animal Crossing thường bắt đầu câu chuyện bằng cảnh nhân vật chính tỉnh lại trên một cái xe buýt, với việc đang được một con thú kì lại gọi là Kapp’n chở tới ngôi làng kì lạ nọ. Nếu bạn không biết thì Kapp’n chính là cách chơi chữ của Kappa, một con quái vật trong thần thoại Nhật Bản, chuyên đi bắt cóc trẻ con về ăn thịt.

Diện mạo của Kapp’n cũng y hệt như Kappa, nó thường nói những câu rất khó hiểu trong đoạn mở đầu, hơn nữa tại sao nhân vật chính lại thức dậy trong tình trạng mê man chứ không phải được mời tới xứ thần tiên như trong các chuyện cổ tích – câu trả lời rất đơn giản đó là thằng nhóc đã bị đánh thuốc mê rồi.

Trong một vài phiên bản của Animal Crossing, người chơi sẽ đến ngôi làng và đột nhiên mang trên mình một khoản nợ khổng lồ, để trả nó bạn sẽ phải làm việc quần quật liên tục. Điểm đặc biệt của Animal Crossing là nó gần như không có mục tiêu, không có điểm kết thúc mà diễn ra liên tục theo thời gian thực bên ngoài, giống như bản thân của chính bạn đang phản chiếu thông qua thằng nhóc trong game vậy.

Góc hư cấu: Animal Crossing và câu chuyện hòn đảo Pinocchio của động vật

Và cái khoản nợ này nó không bao giờ kết thúc, vì cứ mỗi khi bạn chuẩn bị trả thì bằng một cách thần kì nào đó nó lại đầy lên trở lại. Hơn nữa các con thú trong Animal Crossing không hề muốn cho người chơi này rời khỏi ngôi làng (có người canh gác), cộng thêm game không hề có điểm kết nên đây giống như một cái vòng lặp vô tận vậy.

Nhiều giả thuyết đặt ra là thực tế đám thú vật trong Animal Crossing vốn là một tổ chức bắt cóc trẻ con đội lốt, với những hành động đặc trưng như đánh thuốc mê, viết hợp đồng nô lệ và canh giữ hàng hóa… dưới vỏ bọc một thế giới tự do cho trẻ con sống mãi mãi.

Vậy mục đích của đám thú vật này trong Animal Crossing khi bắt cóc trở về để làm gì, nếu để ý kỹ thì trong quá trình chơi bạn sẽ thấy rất nhiều lời thoại thuộc dạng suy tư, trầm mặc giống mấy ông già năm, sáu chục tuổi ngồi than vãn sự đời ấy.

Góc hư cấu: Animal Crossing và câu chuyện hòn đảo Pinocchio của động vật

Mấy câu như kiểu: “Đừng khóc vì giấc mơ không thành, đôi khi nhóc phải biết chọn con đường khác để đi” hay “Hai người bạn dù có thân tới mấy cũng không thể biến họ thành một cặp đôi được cưng à”, hoặc mấy câu tán tỉnh sến súa hơn “Kể cả khi anh không thể thấy em ngoài đời thực, thì em vẫn là vị khách đặc biệt trong giấc mơ của anh”.

Lời thoại trong Animal Crossing đặc biệt kì dị, nó vừa mang tính chất tự sự và trải đời rất nhiều nếu xét theo là một game dành cho trẻ em. Tại sao đám thú vật này suốt ngày trưng lên bộ mặt cười lại có thể phát biểu những lời nghe sởn hết cả gai ốc như vậy, chưa hết chúng còn thường xuyên nhắc lại những mốc thời gian rất xa xăm kiểu từ mười lăm năm trở lên mà chẳng vì lý do gì cả?

Trong Animal Crossing người chơi sẽ đôi lúc nhận được thư từ của cha hoặc mẹ, nhưng lại không hề có cái ảnh hay thứ gì tương tự để chứng minh họ tồn tại. Cái này khả năng cao là do chính đám thú vật tự viết ra để huyễn hoặc đám nhóc, cho chúng một cái lý do hợp lý để ở lại ngôi làng này mà không nghi ngờ gì – vì như có thể thấy trực tiếp trong game thì nhân vật chính là con người duy nhất tồn tại.

Góc hư cấu: Animal Crossing và câu chuyện hòn đảo Pinocchio của động vật

Bạn hẳn từng xem bộ phim hoạt hình kinh điển về cậu bé người gỗ Pinocchio, trong đó đoạn Pinocchio ham vui bỏ lên hòn đảo thần tiên nơi chỉ toàn những trò chơi không bao giờ dứt, với những đứa trẻ sống bất cần đời trong cái đêm dạ vũ bất tận đó, để rồi buổi sáng nhận ra mình đã biến thành những con lừa chuẩn bị đem đi rao bán. Animal Crossing chính là một bản sao trong câu chuyện kinh dị này, vì hãy nghĩ một chút nhân vật chính vốn là một đứa nhóc ở thế giới hiện đại có gia đình chứ, nhưng nó lại chọn sống ở ngôi làng của đám thú vật này tới vĩnh viễn.

Việc “sống” ở Animal Crossing cũng chính là cách mà đứa nhóc đó từ bỏ trách nhiệm với gia đình, với xã hội để vĩnh viễn ở lại tuổi lên 10 và tận hưởng thú vui bất tận mà nó nghĩ sẽ không bao giờ bị ngăn cản. Tại sao tựa game này lại cố tình để thời gian thực trôi qua giống như bên ngoài, vì đó là cách để nó nhắc nhở rằng dù cho có trải qua bao nhiêu năm trôi qua đi, mỗi khi bạn mở máy lên nhìn vào nhân vật của mình, nó vẫn là một đứa nhóc vô trách nhiệm sống qua ngày đoạn tháng ở một ngôi làng xa lạ.

Còn chưa đủ kinh dị hả, vậy thì bạn có biết rằng Animal Crossing có một bộ đếm chính xác số ngày mà người chơi không vào game không, cũng như bọn thú sẽ phản ứng lại tương tự như vậy? Cái lý do quái quỷ gì để Nintendo đưa tính năng này vào, nếu không phải để dọa ma hoặc nhắc nhở cái gì đó?

Góc hư cấu: Animal Crossing và câu chuyện hòn đảo Pinocchio của động vật

Nhưng bất kì làm việc gì cũng đều phải có hậu quả, cũng giống như chú bé người gỗ Pinocchio biến thành lừa thì đám trẻ con bị mang tới ngôi làng này sẽ từ từ mất đi trí nhớ, chúng chỉ biết làm công việc nô lệ ngày này qua tháng khác như những cái máy, không còn kí ức về gia đình hay bạn bè ở thế giới thực nữa.

Mọi thứ cứ diễn ra như vậy cho đến khi chính đám trẻ sẽ biến thành những con thú vật trong làng, điều này giải thích cho tại sao đám thú lại biết nói và có thể thở ra những câu đầy cảm thán như vậy, vì chúng thực tế đều từng là con người cũng như có tuổi đời rất lớn rồi. Kí ức rời rạc về thế giới cũ giữ cho chúng sống như những con rối vô hồn, vĩnh viễn trói chặt linh hồn ở cái làng này.

Điều đó cũng giải thích luôn tại sao lũ thú vật cần một đứa trẻ mới, vì chúng cần một thứ để tiếp tục giữ lại mục đích sống và tồn tại – chính là làm việc liên tục trong ngôi làng. Nếu bạn để ý thì trong Animal Crossing sẽ thấy bọn thú có những câu thoại nói về quãng thời gian “vui vẻ”, nhưng rồi khi con người nhận ra mình đang mắc kẹt trong cái thế giới này, tất cả đều muốn thoát ra và bỏ chúng lại – giống như người trưởng thành từ bỏ món đồ chơi vậy.

Góc hư cấu: Animal Crossing và câu chuyện hòn đảo Pinocchio của động vật

Và không như Pinocchio có người cha của mình tới cứu, đám thú trong Animal Crossing thậm chí còn chẳng nhớ được bản thân là ai hay gia đình cũ của chúng thậm chí có tồn tại hay không, nằm lại vĩnh viễn ở ngôi làng này tới suốt đời, sống một cuộc đời vô nghĩa mòn mỏi không mục đích…

Tới đây thì tiết mục xuyên tạc tuổi thơ của Kênh Tin Game cũng xin kết thúc, hẹn gặp các đồng bào ở các bài viết góc hư cấu khác, nếu ai có ý tưởng gì về các thể loại phá nát tuổi thơ khác hãy để dưới phần bình luận luôn nhé.

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e