Vứt bỏ phần chơi cốt truyện: Công cuộc "hút máu" đầy sai lầm

Tự tin bỏ đi phần chơi đơn và chỉ tập trung vào hạng mục chơi mạng có thể giúp nhà phát triển tăng khả năng thu tiền nhưng nó cũng khiến giá trị thực sự của video game mất sạch ý nghĩa.

Cho tới nay, game không chỉ mang mục đích giải trí, nó đã trở thành một biểu tượng văn hóa, một loại hình nghệ thuật. Mặc dù tính giải trí vẫn là yếu tố cốt lõi của một tựa game nhưng với tài năng của các nhà biên kịch, đạo diễn, video game có thể truyền tải những thông điệp hết sức nhân văn, có thể thay đổi nhận thức của người chơi về các vấn đề mang tính tôn giáo, chính trị hay giáo dục. Và để làm được điều đó, một tựa game cần có mục chơi đơn.

Khi ý nghĩa không chỉ truyền tải thông qua những câu thoại

Nói riêng về thị trường game ở Việt Nam, ngôn ngữ chính là rào cản lớn nhất cho game thủ khi tiếp cận với một tựa game nước ngoài. Chính vì vậy rất nhiều người đã than thở rằng game rất chán vì họ không hiểu được toàn bộ câu chuyện, lời thoại của các nhân vật. Điều này đã làm giảm đáng kể giá trị của sản phẩm đó trong mắt một bộ phận game thủ.

Tôi đồng ý ngoại ngữ là rào cản, nhưng khi chơi bạn hãy nhìn cách mà các nhân vật tương tác với nhau. Tôi xin nói tới một ví dụ điển hình là The Last of Us, một trong những siêu phẩm được cả thế giới ca ngợi vào năm 2013. Toàn bộ thời lượng game chủ yếu nói về cuộc hành trình, sinh tồn của hai nhân vật Joel và Ellie. Trong suốt toàn bộ game, Joel đã lo lắng và chăm sóc Ellie y hệt như với đứa con gái nhỏ tuổi đã mất của mình. Điều đó thông qua ánh mắt, cử chỉ, những cái ôm của Joel khi cô bé Ellie lần đầu tiên phải hạ sát một kẻ xấu. Hay tâm lý của các nhân vật cũng hoàn toàn được khắc họa bởi những giọt nước mắt đau khổ, căm thù chứ chỉ ở những câu giao tiếp.

Ý nghĩa sâu sắc của một tựa game không hoàn toàn nằm ở những lời thoại, vì thực tế ngay cả người nước ngoài đôi lúc cũng không hoàn toàn hiểu các nhân vật đang nói gì với nhau, nó còn là những biểu cảm thể hiện trên gương mặt các nhân vật. Khi vui, khi buồn, khi một người ngã xuống hi sinh hay khi chúng ta phải buộc vào vai một con người tàn độc, mọi cảm xúc đều có thể chạm tới trái tim của người chơi để họ cùng đồng cảm với chính các nhân vật trong game. Những đoạn cắt cảnh đã tạo nên được cảm xúc cho người chơi, giúp họ có một khoảng thời gian nghỉ tay hợp lý nhưng vẫn giúp cho tựa game không bị rời rạc, giúp cho chúng ta hiểu thêm về các nhân vật hơn.

Loại bỏ phần chơi cốt truyện – Lãng phí chính bản sắc của tựa game đó

Dù chưa ra mắt những đã có rất nhiều tin đồn xung quanh việc Call of Duty năm 2018 sẽ loại bỏ hoàn toàn mục chơi đơn – thứ vốn đã tạo nên thương hiệu cho dòng game bắn sung này. Thay vào đó, game sẽ tập trung vào phần chơi Battle Royal như PUBG (PlayerUnknown's Battlegrounds). Cộng đồng game thủ đang rất hoang mang về tin đồn này.

Ra mắt từ năm 2003, Call of Duty đã trở thành một trong những biểu tượng của dòng game bắn súng. Điều hấp dẫn nhất của series này nằm chính ở phần chơi đơn. Game cho người chơi những cảm xúc vô cùng chân thật về người lính, những đoạn cắt cảnh mãn nhãn như một bộ phim bom tấn. Điều đáng nói ở đây là dù ra mắt mỗi năm một phiên bản, có những phiên bản được cải tiến rất ít, hay bị đánh giá thụt lùi, nhưng mỗi phần game khi ra mắt đều nằm trong top bán chạy của các bảng xếp hạng.

Rất nhiều game thủ đã nói rằng nếu không vì mục chơi đơn được làm quá xuất sắc, công phu thì họ đã bỏ chơi tựa game này từ lâu rồi. Trên thực tế, vào mỗi thời điểm CoD ra mắt, người hâm mộ gần như chỉ quan tâm xem phần game này sẽ đem lại câu chuyện gì, có nối tiếp với các phần game trước không. Vậy nếu bỏ đi mục chơi Campaign, chẳng phải những nhà làm game đã vứt bỏ đi chính yếu tố tạo nên thương hiệu, yếu tố hút khách kiếm tiền của mình hay sao?

Có rất nhiều tựa game mà mục đơn đã trở thành thương hiệu ngoài Call of Duty,  dù có phải thêm thắt hay mất thời gian cải tiến mục chơi online ra sao thì họ cũng không bao giờ quên rằng chơi đơn là bản sắc của mình, là nơi mình có thể tha hồ sáng tạo ra những câu chuyện tuyệt vời nhất, cảm động nhất. Và họ luôn luôn phải nghĩ cách là sao để người chơi phải luôn nhớ tới câu chuyện của mình.

Chơi đơn vẫn thừa sức hái ra tiền

Ngành công nghiệp đang ngày một phát triển mạnh mẽ, vượt bậc. Con người ở các quốc gia giờ đây có thể kết nối, trò chuyện với nhau rất dễ dàng. Điều này quả thực tuyệt vời. Chính vì lẽ đó, các nhà làm game đã xây dựng một thế giới game online, cho phép người chơi trên khắp thế giới tương tác, từ đó họ có thể kinh doanh các vật phẩm hay vũ khí, đạo cụ có giá trị cao trong game. Nhớ đó mà số tiền các nhà làm game kiếm được cũng sẽ cao hơn. Phải chăng họ cho rằng mục chơi đơn chỉ là nơi viết nên một câu chuyện đầy mộng mơ chứ không thể vẽ ra được tiền?

Một tựa game được đóng giá trung bình 60 USD (khoảng 1,3 triệu VNĐ), đó không phải là một cái giá rẻ. Chính vì vậy khi muốn móc hầu bao của game thủ, các nhà làm game phải đem lại cho họ được giá trị xứng đáng với số tiền đó.

Người chơi khi bước chân vào thế giới game tức là họ đã quá mệt mỏi với thế giới bên ngoài, nơi con người sử dụng rất nhiều mánh khóe để thu lại lợi nhuận hay giẫm đạp lên nhau mà sống. Những người chơi game họ muốn được hòa mình vào thế giới nơi họ được làm siêu anh hùng, được trở thành các vị thần hay tham gia những chuyến phiêu lưu đầy chông gai. Nơi họ học được rằng phải có nghị lực để vượt qua tất cả, rằng cuộc sống đầy rẫy khó khăn nhưng vẫn phải tiếp tục cố gắng, không được phép bỏ cuộc. Hay nói cách khác là họ muốn chơi game để thư giãn cái đầu đang chứa đầy những tiêu cực của mình.

Mục chơi online hiện nay quả thực cũng rất vui, các nhà làm game đã biến tấu đi rất nhiều để làm giảm tính năng buôn bán, kiếm tiền trong game. Nhưng tương tác người với người rất dễ xảy ra mâu thuẫn, đặc biệt là những người không cùng sắc tộc, văn hóa, cách suy nghĩ. Từ đó những cảm xúc tiêu cực trong người chơi vốn đã lớn ở thế giới thực sẽ lại xấu đi khi bước chân vào thế giới ảo. Và đó là khoảnh khắc một tựa game đã đánh mất đi giá trị cốt lõi ban đầu, GIẢI TRÍ.

Có những tựa game chỉ tập trung vào phần chơi đơn, đem lại cho người chơi những giá trị thực trong thế giới ảo. Hay có những sản phẩm tập trung vào cả 2 hướng là chơi đơn và chơi mạng để game thủ có thể lựa chọn tùy vào tâm trạng khi chơi. Và những siêu phẩm được đầu tư chơi đơn nghiêm túc thì không cần tới chơi mạng để hái ra tiền. Lịch sử hay các top đầu bảng xếp hạng doanh số vẫn sẽ luôn gọi tên những tựa game đó mà thôi.

Vậy loại bỏ chơi là một sự cải tiến hay bước đi sai lầm?

Về cá nhân tôi thì đó là một sự cải tiến trong ví tiền người làm game và cải lùi trong giá trị của game. Ngành công nghiệp game hiện tại đang rất phát triển khi nó trở thành một biểu tượng, trở thành một môn thể thao điện tử chính thống, có thể đem lại đươc rất nhiều giá trị sâu lắng cho con người như cách mà âm nhạc và phim ảnh đã làm.

Mục chơi mạng sẽ là mảng kiếm tiền nhưng mục chơi đơn mới là mảng lưu trữ lại trong tâm trí người chơi lâu nhất, nơi giá trị game luôn luôn hiện hữu và tồn tại.