WSAD đã “đè bẹp” mọi đối thủ để trở thành chuẩn mực game bắn súng ra sao? - PC/Console

Chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi, WSAD đã đi từ "yên lặng vô danh" thành tiêu chuẩn mà mọi game bắn súng và game thủ của nó đều phải tuân theo.

Ngày nay mỗi khi chuẩn bị “chiến” một tựa game bắn súng, phản xạ đầu tiên của tuyệt đại đa số game thủ là đặt ba ngón tay trái vào vị trí của cụm phím WSAD. Cụm phím này tỏ ra khá khoa học và tiện lợi, bởi nó không đòi hỏi người chơi phải bắt chéo tay qua ngực để với đến bốn phím mũi tên, đồng thời rất gần một loạt phím khác – 1, 2, 3, 4, E, R, Q, F, Shift, Ctrl, Space – nhằm phục vụ cho những thao tác phụ trợ như nhặt đồ, kích hoạt, đổi súng… Nhưng có bao giờ bạn thắc mắc rằng WSAD đã đánh bại những đối thủ khác chẳng hạn như EDSF, ZXC và bốn phím mũi tên ra sao?

WSAD đã

Các “khai quốc công thần”

Có hai đáp án cho vấn đề này. Đáp án đầu tiên nằm ở chỗ giới hạn của bàn phím. Những game thủ quan tâm đến gear hẳn sẽ biết về “NKRO,” hay khả năng bấm nhiều phím cùng lúc. Các bàn phím kém chất lượng thường chỉ hỗ trợ 2 hoặc 3-KRO, tức chúng chỉ có thể nhận ra hai phím bấm cùng lúc, trừ các phím điều chỉnh (modifier) Shift, Ctrl và Alt. Vì vậy, game thủ cần có thể ấn càng nhiều phím càng tốt, và bởi đại đa số chúng ta dùng chuột bằng tay phải, bàn tay trái được giao trọng trách ấn phím. Cụm phím Shift, Ctrl, Alt bên trái bàn phím “thân thiện” với tay trái hơn, và vì thế nó được sử dụng thường xuyên hơn trong rất nhiều thiết lập khác nhau.

Những khẩu súng nổi tiếng trong game hơn là ngoài đời thực
Đây là những khẩu súng thực sự tồn tại, nhưng đã được các nhà làm game "buff" mạnh tay hoặc thay đổi tính năng để phục vụ gameplay trong trò chơi của mình.

Nhưng đó chỉ là một nguyên nhân phụ, còn nguyên nhân chính khiến WSAD trở thành lựa chọn thống trị lại trỏ đến một người và một trò chơi: game thủ Dennis “Thresh” Fong và tựa game Quake của John Carmack. Trong giải đấu Quake chuyên nghiệp đầu tiên được tổ chức vào năm 1997, Thresh đã có một trận chung kết nghẹt thở với đối thủ Entrophy trong bản đồ Castle of the Damned. Trong trận đấu này, bàn tay phải của Thresh nằm trên con chuột trong khi tay trái đặt trên bốn phím WSAD, và nó đem lại cho anh chiến thắng cùng quyền được lái chiếc Ferrari 328 của John Carmack về nhà.

Trận đấu chung kết giải Quake 1997 giữa Thresh và Entrophy.

Nhưng vào thời điểm này, WSAD vẫn chưa được nổi vì internet còn rất giới hạn, và giải đấu Quake đó chỉ được biết đến rộng rãi trong phạm vi nước Mỹ. Để WSAD trở thành lựa chọn duy nhất như hiện tại, chúng ta còn cần một loạt sự kiện tiếp sau.

Vô vàn thử nghiệm

Vào năm 1993, Thresh đã bị em trai Lyle của mình… nhét hành trong một trận đấu Doom. Vào thời điểm đó, Thresh chỉ chơi Doom bằng bàn phím – một lựa chọn hợp lý bởi trong Doom, game thủ chỉ việc di chuyển theo bốn hướng cố định (và game FPS thời đại này thường được gọi là Maze Runner), trong khi cậu em của mình chơi bằng chuột trackball và bàn phím. Khi thường xuyên mất mặt trước cậu em trai, Thresh quyết định học chơi bằng chuột, và kể từ đó gần như bất khả chiến bại.

“Ngay sau khi tôi đổi sang dùng chuột, kỹ năng của tôi tăng vọt,“ Thresh nói. “Kể từ đó, gần như tôi không bao giờ thua cuộc.”

WSAD đã

Thresh và “chiến lợi phẩm” Ferrari 328 từ giải đấu Quake 1997.

Trong những ngày đầu của game bắn súng, người ta thiết lập các phím di chuyển đủ kiểu theo ý thích của mình, chỉ cần nó cho phép họ sử dụng cụm phím modifier bên tay trái. Mọt có thể kể ra một loạt lựa chọn mà game thủ ngày nay sẽ choáng khi được biết: ngoài cụm phím EDSF, còn có những người dùng A Shift Z X, số khác dùng ZXC (trái-lùi-phải) và chuột phải để đi tới, trong khi vài game có những lựa chọn riêng, chẳng hạn System Shock (1994) dùng ASDX còn Descent (1995) dùng QEAZ. Thresh thậm chí còn biết một game thủ chơi bằng bốn phím ZXCV.

Bản thân Thresh cũng không ngoại lệ, khi anh thử nghiệm nhiều thiết lập khác nhau bao gồm cả WADX, nhưng cuối cùng gắn bó với WSAD kể từ Doom. “Tôi không nhận mình là người đã phát minh WSAD, tôi chỉ tình cờ gặp phải nó,” Thresh cho biết. “Tôi nghĩ rằng mình chắc chắn đã giúp làm nó nổi tiếng với một cộng đồng game thủ nhất định, những người chơi FPS.”

Sau chiến thắng của Thresh tại giải đấu Quake, câu hỏi mà anh được nghe thường xuyên nhất là “cấu hình (phím) của anh là gì,” đến mức anh phải tạo ra hẳn một trang web riêng để cho game thủ biết đáp án. Bởi Thresh đã là một nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng Doom và Quake từ lâu, rất nhiều người bắt chước cách dùng bàn phím và chuột của anh khi chơi FPS. Những động tác mà Thresh có thể làm được trong game ấn tượng đến mức nhiều người nghĩ rằng đó là bất khả thi ngay cả khi dùng chuột, như bạn có thể thấy trong một chủ đề xuất hiện trên diễn đàn Quake từ tận năm 1997.

WSAD đã

Và một loạt sự trùng lặp

Đến thời điểm 1997, WSAD đã lan tỏa nhưng vẫn chưa đủ mạnh mẽ để trở thành lựa chọn duy nhất của làng game. Nó chỉ trở thành lựa chọn số một khi John Carmack nhận thấy rằng Thresh thường xuyên nghe câu hỏi về cách cài đặt bàn phím của mình, và ông quyết định đưa cách điều khiển của Thresh vào Quake 2 phát hành vào cuối năm 1997 bên cạnh cách điều khiển bằng bốn mũi tên truyền thống. Điều này không chỉ giúp Thresh có thể ngồi xuống bất kỳ một máy tính nào, bật Quake 2 và chơi với cụm phím WSAD quen thuộc, mà nó còn giúp anh rút gọn câu trả lời của mình thành “gõ exec thresh.cfg” mỗi khi có người hỏi cách chơi Quake 2.

Đến năm 1998, Valve tung ra Half-Life, tựa game thứ 2 trong lịch sử nhân loại sử dụng WSAD làm bốn phím điều khiển chính. Rất có thể những game thủ Quake và Doom làm việc cho Half-Life đã quyết định chọn cách điều khiển này, và góp phần biến WSAD thành tiêu chuẩn của game bắn súng hiện đại. Ông Yahn Bernier, một nhân viên của Valve nói rằng “tôi không nhớ rõ tại sao chúng tôi chọn WSAD và khi nào. Có thể chúng tôi chỉ đem nó qua từ Quake 1.”

WSAD đã

Half-Life là một trong những tựa game biến WSAD thành tiêu chuẩn.

Chưa đầy một tháng sau đó, Starsiege Tribes cũng ra mắt với cụm phím WSAD. Rồi Quake 3 (1999) và Daikatana (2000) tiếp tục chọn dùng WSAD, khiến bốn phím bấm này ăn sâu vào tâm trí game thủ toàn thế giới.

Dĩ nhiên là trong khoảng thời gian này, vẫn có những tựa game khác không đi theo WSAD, chẳng hạn System Shock 2 vẫn dùng WADX. Nhưng WSAD đã là xu thế, và sự phổ biến của thể loại FPS khiến nó trở nên quen thuộc với đại đa số game thủ, nên ngay cả các tựa game không phải FPS cũng chọn dùng bốn phím này, chẳng hạn tựa MMORPG World of Warcraft huyền thoại của Blizzard.

WSAD đã

Sếp Valve không bắn súng bằng WSAD.

Dù WSAD đã trở thành lựa chọn số một, rất nhiều người vẫn dùng EDSF bởi họ cảm thấy rằng nó thuận tay hơn, chẳng hạn… sếp Valve. Gabe Newell cho biết mình không dùng bốn phím này bởi nó khiến mình phải dời ngón trỏ khỏi phím định vị F, nên ông luôn chuyển WSAD thành EDSF khi chơi game bắn súng. Trong khi đó, ông Dario Casali – một người thiết kế màn chơi của Half-Life lại dùng ASXC bởi ông cảm thấy tự nhiên hơn khi sử dụng các phím bấm này, mặc dù ông bị khá nhiều người “đá đểu” khi biết về lựa chọn của ông.

WSAD FTW

Bởi tất cả những sự ngẫu nhiên hay cố tình đã xảy ra trong hơn 20 năm qua, ngày nay chúng ta xem WSAD như chuẩn mực của thể loại FPS. Từ game thủ chuyên nghiệp trên sân khấu đến game thủ xoay bàn phím 90 độ ngoài net, từ bắn súng thuần túy như Counter-Strike đến đậm gia vị RPG như Rage 2, 99% sử dụng WSAD, có chăng là một chút biến tấu ở các phím bấm phụ trợ. Có thể bạn không dùng bốn phím này, nhưng bạn chắc chắn biết được rằng mình đang “khác người” nếu sử dụng bất kỳ một lựa chọn nào khác khi hơi game.

WSAD đã