[Bạn đọc viết] Bom tấn anime ở Việt Nam: CGV dường như đã tạm rời cuộc chơi?

Giai đoạn gần đây, có rất nhiều các movie anime thuộc hàng bom tấn đến từ Nhật Bản đổ bộ thị trường Việt Nam. CGV đã từng là người tiên phong khi chiếu vài bộ phim đình đám, nhưng hiện tại thì mọi chuyện đã thay đổi.

Bài viết được bạn Nam Thành (tnnt_n33T****@gmail.com) gửi đến cho KenhTinGame qua hòm mail                       [email protected] 

Năm 2017 này có thể nói đã đánh dấu 1 năm bùng nổ của thị trường phim anime chiếu rạp. Với việc liên tục cứ khoảng 2 tháng 1 lần chúng ta được thưởng thức những tác phẩm anime ở rạp thì có thể nói các studio đến từ Nhật đã bắt đầu nhận thấy tiềm năng ở Việt Nam đã đạt ở mức sẵn sàng phát hành phim tại đây.

Your Name như 1 bước ngoặt với cộng đồng anime nước nhà
Your Name như 1 bước ngoặt với cộng đồng anime nước nhà

Với 1 đơn vị nắm đến hơn 50% thị phần trong các cụm rạp tại Việt Nam như CGV, chắc hẳn các studio cũng như đơn vị phát hành anime sẽ không thể nào bỏ qua hệ thống chiếu phim này. Ngay cả bản thân CGV cũng vậy, họ cũng sẽ khó lòng mà từ chối các bộ anime vì thế hệ trẻ hiện tại được tiếp cận anime rất dễ dàng và cộng đồng anime tại Việt Nam cũng không thể nói là nhỏ được. Và trên thực tế, CGV cũng đã chiếu kha khá anime trong năm nay như Your Name, A Silent Voice,… nhưng hiện tại, CGV không còn mặn mà với các phim bom tấn anime nữa. Hầu hết các bộ anime hot hiện nay đều do cụm rạp của Lotte Cinema trình chiếu còn CGV hoàn toàn im lặng. Lí do vì sao CGV lại có bước đi như vậy?

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ đưa ra 3 yếu tố có thể là nguyên nhân lớn nhất ảnh hưởng đến các quyết định hiện tại của CGV mà thôi.

1. Cộng đồng anime tại Việt Nam:

Có 1 nghịch lí khá thú vị ở Việt Nam, lượng fan anime không hề ít và nếu biết cách tận dụng thì đây là một mỏ vàng với các rạp chiếu phim của CGV. Vậy tại sao cộng đồng đông tức là khán giả đông, mà CGV lại không thầu. 1 lí do rất đơn giản: đông nhưng không hề tập trung.

Phần lớn các cụm rạp của CGV đều quy tụ ở các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh nhưng fan anime thì lại trải dài ở rất nhiều các tỉnh mà hầu hết các tỉnh này không có hoặc rất ít các rạp chiếu. Nếu bạn chịu khó quan sát các bình luận trên fanpage của Lotte Cinema khi công bố các rạp chiếu anime, rất nhiều câu hỏi thắc mắc rằng các rạp ở khu vực A hay B (khác khu vực Hà Nội và Hồ Chí Minh) có chiếu không? Và cũng chỉ một bộ phận nhỏ các rạp tại khu vực đó được chiếu, điều này gây hụt hẫng cùng sự thất vọng cho các fan anime.

“tại sao tỉnh em cũng có rạp mà không có chiếu?”

Chính vì sự phân bố không đồng đều này mà rất khó để CGV có thể đảm bảo được yếu tố được nhắc đến ở phần 2 dưới đây.

2. Đối với đơn vị chiếu phim (CGV)

Doanh thu là tối quan trọng với bất kì doanh nghiệp nào
Doanh thu là tối quan trọng với bất kì doanh nghiệp nào

Trong cuộc chơi mà bạn không thể có được doanh thu tốt hoặc những gì bạn làm gây lỗ cho cả một hệ thống thì bạn liệu có dám bước tiếp? Đó là câu hỏi mà tất cả các đơn vị chiếu phim anime ở Việt Nam đều sẽ phải tự trả lời. Rất nhiều nguồn tin có liên quan đến hệ thống phim Việt Nam cho biết rằng 99% các phim anime chiếu rạp tại Việt Nam đều cho doanh thu không tốt một chút nào, nếu không muốn nói là lỗ hoàn toàn.

Nếu bạn thường xuyên ra rạp để xem các bộ phim anime thì bạn sẽ rất dễ bắt gặp tình trạng các suất chiếu anime chỉ đông trong khoảng 2 3 hôm đầu, còn từ ngày chiếu thứ 4 trở đi, hầu hết các suất đều rất vắng khách, chỉ lác đác từ 1 và đôi khi nhiều lắm cũng không quá 20 người. Nếu để làm một phép tính đơn giản thì tỉ lệ người xem phim quá nhỏ so với những gì doanh nghiệp chiếu phim kì vọng. Mặt khác, với các rạp chiếu phim thì dù chỉ 1 khách xem trong suất cũng vẫn phải chiếu mặc dù chi phí cho 1 buổi chiếu không hề rẻ. Và đó chính là mâu thuẫn lặp đi lặp lại với bất kì anime chiếu rạp nào tại nước ta.

Giá vé tại CGV cũng là một rào cản ảnh hưởng đến quyết định ra rạp của phần lớn fan anime. Ở thị trường Việt Nam, giá vé của CGV thuộc dạng đắt đỏ nhất trong toàn bộ hệ thống, nhưng đại bộ phận fan anime nước ta lại phần lớn là học sinh cấp 2 và 3 với khả năng tài chính không dư giả. Điều này CGV chắc cũng biết và ngay lập tức họ phải điều chỉnh lại chiến lược cho mình.

bảng giá tại 1 rạp CGV (bấm vào ảnh để xem rõ hơn)
bảng giá tại 1 rạp CGV (bấm vào ảnh để xem rõ hơn)

Đến đây, các bạn cũng đã hiểu phần nào lí do để CGV từ từ nhường cho các đơn vị khác chiếu mặc dù tiềm năng là còn khá lớn. Có lẽ, đến một lúc nào đó doanh thu đạt đủ yêu cầu thì CGV sẽ quay trở lại mảnh đất anime này, nhưng giờ thì không.

3. Đối với đơn vị phát hành phim nước ngoài:

Thực ra đây là một yếu tố nhỏ nhưng đôi lúc lại bị đánh đổi bằng việc Việt Nam có được chiếu phim đó hay không? Mà trong trường hợp này đó chính là Odex Private Limited.

odex [Bạn đọc viết] Bom tấn anime ở Việt Nam: CGV dường như đã tạm rời cuộc chơi? 5

Odex có thể nói là đơn vị gần như thâu tóm hết các bộ phim thuộc hàng hot nhất của anime để phân phối cho thị trường Đông Nam Á. Trái ngược với Encore Films, các phim của Odex mang thiên hướng thuộc thể loại hành động nhiều hơn là tình cảm và điều đó dễ dàng thu hút các fan anime.

Nhưng chính sự độc quyền này cũng là một mặt trái, họ có toàn quyền quyết định với những đơn vị nào ở Việt Nam muốn thầu phim về để chiếu. Và như đã đề cập ở trên, việc CGV Việt Nam không dám thầu một số tiền lớn khi doanh thu không tốt không đủ để làm Odex muốn nhường quyền phát hành cho CGV. Điều này trái ngược hoàn toàn khi Odex ở các nước khác khi các cụm rạp của CGV nước ngoài vẫn trình chiếu bình thường. Có 1 nguồn tin khá thú vị cho biết Lotte nhiều năm gần đây sẵn sàng chịu lỗ để kéo được các fan anime đến với rạp của mình, vì lí do đó họ sẵn sàng cạnh tranh với CGV ở mảng anime.

lotte cinema không ngại việc doanh thu lỗ với anime
Lotte Cinema không ngại việc doanh thu lỗ với anime

Hơn nữa, 1 lí do nữa dù không xác thực nhưng cũng có thể là một điểm khiến CGV không hài lòng với Odex. Đó là các quy định về chiếu phim cũng như phong cách làm việc của Odex, CGV có ý muốn chiếu với chỉ độc nhất phụ đề tiếng Việt nhưng Odex lại bắt chiếu song song với tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ khác. Hoặc việc Odex cùng các đối tác rạp chiếu thường xuyên phải hoãn lại ngày ra mắt chính thức phim cũng là một điểm trừ khi CGV đánh giá thái độ làm việc. Nếu bạn hay theo dõi fanpage của Odex thì bạn sẽ không lạ với việc trì hoãn ngày công chiếu này. 1 ví dụ đơn giản là khi chiếu Sword Art Online: Ordinal Scale ở Việt Nam, Odex cùng Lotte đã phải hoãn lại đến 2 lần và thậm chí đã có thể xảy ra đến lần thứ 3 vì một lí do khá hài hước nhưng tôi xin được giữ kín lí do này.

Vậy là chúng ta đã cùng điểm qua 3 ý chính của bài viết này rồi. Mong rằng một ngày nào đó CGV có thể quay lại mảnh đất anime này bởi đây vẫn là một thị trường đầy tiềm năng khi mà số lượng fan anime hằng năm tại nước ta ngày càng tăng lên và trên hết là CGV có thể đảm bảo được chất lượng đầu ra của phim anime tương xứng với giá vé của mình.