Chẳng cần tài năng hay một bộ óc siêu phàm để nhận ra những tình tiết huyễn hoặc trong các câu chuyện truyền thuyết vẫn được đời đời kể lại. Một con người bình thường hoàn toàn có thể nói ra cả ngàn lý do nhằm bác bỏ tính xác thực của chúng, sẵn sàng tách biệt giữa hai ranh giới giả và thật. Những bóng ma, những thế lực huyền bí, những thế giới linh hồn và cuộc sống sau cái chết? Với thời đại khoa học công nghệ phát triển tân tiến như hiện nay, tất cả những điều ấy chỉ là quan niệm đơn thuần, những sản phẩm của trí tưởng tượng không hơn. Nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi các câu chuyện ấy từ đâu mà có? Chúng cứ thế sinh ra trong xã hội loài người? Được kể lại qua bao thế hệ, qua bao con người mà không lấy một điểm bắt đầu hay kết thúc? Ít ai biết, tất cả những câu chuyện ấy, dù có khó tin hay vô lý đến mấy đi chăng nữa, đều bắt đầu từ sự thật. Từ chính sự thật ấy mà người đời với lời nói và suy nghĩ khác nhau, bắt đầu biến đổi nó theo cách riêng của mình.. Mà theo cách nói của những người đi trước là "thêm mắm dặm muối" để trở thành sản phẩm cuối cùng mà chúng ta nghe kể đến tận ngày nay.
Aokigahara dường như là một bằng chứng xác đáng cho mối liên quan giữa câu chuyện truyền thuyết và sự thật. Nơi được mệnh danh là "Khu rừng tự sát" (Suicide Forest) tại Nhật Bản này đã sinh ra biết bao lời đồn đại xung quanh nó. Từ thời phong kiến xa xưa, khu rừng vốn đã liên kết đến những lời đồn về các ác quỷ mang thân hình trắng xóa đu lượn giữa những cành cây, để rồi bị phát giác nơi khóe mắt của các vị khách không mời. Rừng tự sát còn được coi là nơi diễn ra hủ tục Ubasute của người dân Nhật Bản. Ở đó, do nạn đói hoặc dịch bệch, những người già hay ốm yếu sẽ được cõng lên khu rừng và bỏ mặc tại đây cho đến chết. Truyện ngụ ngôn của đạo Phật thể hiện điều này qua hình ảnh người con trai cõng mẹ lên núi. Suốt dọc đường đi người mẹ sẽ với tay bẻ những cành cây và để lại dấu cho người con biết đường quay trở về. Nhưng Aokigahara cũng là minh chứng của một sự thật, một sự thật hãi hùng vẫn tồn tại cho đến tận ngày nay. Khu rừng như cái tên của mình, trở thành địa điểm cho con người từ khắp nơi đến tự sát. Nhiều người cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến việc này là do cuốn tiểu thuyết "Kuroi Jukai" hay "Biển rừng đen" của tác giả Seicho Matsumoto xuất bản vào năm 1960. Trong cuốn tiểu thuyết, hai nhân vật chính yêu nhau và quyết định tìm đến cái chết tại đây..
Sự khét tiếng của Aokigahara dường như cũng "cậy nhờ" vào một cuốn sách khác mang tên Kanzen Jisatsu Manyuaru... tức "Hướng dẫn toàn tập tự sát". Cuốn sách này phát hành lần đầu vào năm 1993, mô tả lại các cách thức tự sát khác nhau của con người và gây ra vô vàn tranh cãi. Nhiều người cho rằng chính vì cuốn sách này mà tỷ lệ tự sát ở Nhật Bản trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết, cho người ta biết cách thức chính xác để có thể "thành công" khi muốn kết liễu đời mình. Có lẽ cũng chính vì điều này mà Kanzen Jisatsu Manyuaru trở thành một đồ vật thường được tìm thấy bên cạnh những xác người ở Aokigahara. Nhưng dù hai cuốn sách ấy có đóng góp thêm danh tiếng cho Aokigahara đến nhường nào đi chăng nữa, thì những vụ tự sát đều bắt đầu trước khi hai cuốn sách phát hành. Yếu tố này hé lộ một nguyên nhân hoàn toàn khác mà người ta vẫn chưa thể lý giải được.
Không những trở thành đề tài cho văn học, Aokigahara cũng xuất hiện ít nhiều ở những khía cạnh khác của làng giải trí. Trong quá khứ, khu rừng từng trở thành điểm đến cho những bộ phim kinh dị như Forest of the Living Dead (2010), Grave Halloween (2013), The Sea of Trees (2015), và gần nhất là hành trình tìm lại người em thất lạc của Sara Price (Natalie Dormer thủ vai) ở "The Forest". Với game tuy Aokigahara ít hiện diện hơn nhưng không vì thế mà bớt đi sự ám ánh đến rợn người của mình. Bản đồ màn chơi Zombie mang tên Shi No Numa (Đầm lầy của cái chết) trong Call of Duty: World at War được lấy cảm hứng từ chính khu rừng khét tiếng này. Tuy nhiên, mọi sự chết chóc và đen tối nhất mà Aokigahara đời thật sở hữu có lẽ được chuyển tải đầy đủ qua tựa game Fatal Frame: Maiden of Black Water.
Trong game, người chơi được song hành cùng Yuri Kozukata - nữ nhân vật với khả năng nhìn thấy những bóng hình hiện hữu xung quanh mình. Xuyên suốt hành trình của Yuri, người chơi có thể nhìn thấy sự ảnh hưởng của Aokigahara ở khắp mọi nơi.. từ câu chuyện về những con người bước vào khu rừng này để chấm dứt cuộc đời mình, cho đến những bóng ma thống khổ và đau đớn vì cái chết. Với Fatal Frame: Maiden of Black Water, khu rừng như một nơi hoàn hảo để chết vì người đời quan niệm rằng nếu tự sát ở nơi khác linh hồn sẽ phải hành khất trên cõi đời này mãi mãi. Về với đời thật, Aokigahara ngày nay dường như mang ý thức gần như trái ngược. Những nhà duy linh của Nhật Bản cho rằng vì có quá nhiều người chết ở đây mà xác thịt của họ đã ngấm vào cây cối và đất đai, sinh ra những hiện tượng siêu nhiên giam giữ bất cứ ai lạc lối vào Aokigahara.. Trở thành một điểm đến cho những người tự sát, khu rừng cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của người dân và nhân viên làm việc tại đây. Nhiều người cho rằng thật khó hiểu tại sao một nơi đầy rẫy những vật dụng và quần áo của người chết, chưa kể những xác người bị thối rữa vì lâu ngày mới được phát hiện, lại có thể trở thành một nơi tuyệt vời để người ta nhắm mắt buông tay.
Aokigahara còn nắm giữ một chi tiết rùng mình khác, nhưng lần này nằm ở khâu xử lý sau khi phát hiện ra các vụ tự sát trong rừng. Những nhân viên làm việc tại đây kể rằng khi phát hiện ra người chết họ sẽ phải khuôn xác từ trên núi xuống để cất giữ vào một ngôi nhà đặc biệt. Khi đêm xuống họ sẽ phải chơi Janken - một biến thể của "kéo búa bao" để chọn ra ai sẽ phải ngủ cạnh cái xác. Có điều này bởi lẽ họ quan niệm rằng nếu bỏ mặc những xác chết một mình, linh hồn của những người tự sát sẽ kêu gào thảm thiết vì cô đơn. Những cái xác vì thế sẽ tỉnh dậy và lang thang xung quanh để kiếm tìm người bầu bạn..