Cả thị trấn bị bỏ hoang sau khi xuất hiện đám cháy trong lòng đất kéo dài hơn 60 năm

Một ngọn lửa ngầm liên tục bùng cháy trong nhiều thập kỷ tại một thị trấn của Mỹ đã buộc hầu hết cư dân phải di chuyển ra ngoài.

TIN LIÊN QUAN

Centralia ở bang Pennsylvania từng là một thị trấn khai thác mỏ sầm uất cho đến khi một sự kiện vào tháng 5 năm 1962 đã thay đổi tương lai của nó mãi mãi.

Một đám cháy bắt đầu từ một bãi rác đã lan đến các đường hầm khai thác mỏ than sâu hàng trăm mét. Ngọn lửa vẫn cháy trong suốt 61 năm qua, cho đến tận ngày hôm nay.

Nhiều nỗ lực dập tắt ngọn lửa dưới lòng đất đã thất bại và các khí độc hại như carbon monoxide tiếp tục thấm ra từ các vết nứt, khiến Centralia không còn là nơi an toàn cho con người sinh sống.

Năm 1981, một cậu bé 15 tuổi tên là Todd Domboski đang chơi ở sân sau thì bị rơi xuống hố sụt. Anh họ của Domboski đã cứu cậu bé khỏi cú ngã, nhưng tai nạn này khiến người dân bắt đầu lo lắng với tình hình ở thị trấn.

Những biển báo bắt đầu được treo xung quanh thị trấn để cảnh báo du khách không nên đến gần một vài khu vực đặc biệt nguy hiểm. Phần lớn người dân cũng bắt đầu chuyển đi nơi khác từ năm 1983.

Năm 1980, chỉ còn hơn 2.700 người sống ở Centralia, đến năm 2020 con số chỉ còn 5 người.

Vào năm 2017, một người dân phàn nàn rằng các du khách đến thị trấn để nhìn ngọn lửa đã phá hoại tài sản của họ vì phần đông đều nghĩ cả thị trấn đã bị bỏ hoang hoàn toàn.

Khói độc bay lên từ đám cháy dưới lòng đất

Một lượng lớn du khách vẫn đến Centralia mỗi năm để tham quan. Tuy nhiên đến tháng 4/2020, cư dân thị trấn đã chặn một con đường dẫn đến Centralia sau khi khí độc từ vụ cháy lan đến nghĩa trang địa phương.

Vào năm 2022, Centralia chính thức bị cắt đứt giao thông và nó trở nên vắng vẻ hơn bao giờ hết.

Các con đường dẫn đến thị trấn đã bị rải đất hoặc phá bỏ để ngăn khách du lịch xâm nhập

Chính quyền bang Pennsylvania cho biết ngọn lửa có thể tiếp tục cháy trong một thế kỷ nữa. Thế nhưng bất chấp các nỗ lực di dời, một vài người dân vẫn quyết định trụ lại thị trấn cho đến cùng.