Các tựa game offline trên smartphone từ lâu đã tạo được sức hút lớn đối với tất cả người chơi. Chẳng cần kỹ năng cao siêu, chẳng cần tranh đấu với bất kỳ ai, người chơi có thể chơi game mọi lúc mọi nơi, mọi thời điểm khác nhau. Các tựa game như Temple Run, Angry Bird hay Chém Hoa Quả… luôn là công cụ hiệu quả để chúng ta giết thời gian với những thao tác liên. Ấy vậy mà từ những ứng dụng không thể thiếu trên các chiếc smartphone các tựa game offline kể trên dần biến mất, lượng tải xuống giảm mạnh và không còn được yêu thích như trước. Bạn có còn chơi các tựa game kể trên và thắc mắc về điều này, cùng mình tìm hiểu một số tựa game đình đám đã chết như thế nào nhé?
Temple Run
Temple Run, tựa game platform 3D kinh điển đã từng thống trị lượt tải xuống mọi nền tảng trong khoảng thời gian 5 – 10 năm trước đây. Lấy bối cảnh một khu vực cổ đại, người chơi Temple Run sẽ nhập vai vào một nhà thám hiểm đang cố gắng chạy thoát khỏi một con quái vật trong một di tích cổ xưa. Người chơi phải rẽ trái phải, nghiêng màn hình, nhảy lên, cúi xuống để né các chướng ngại vật trên đường. Con đường là vô tận, hãy chạy càng xa càng tốt, trò chơi sẽ kết thúc khi người chơi bị bắt hoặc rơi xuống vực.
Lối chơi đơn giản là vậy, Temple Run đã từng tạo ra cơn sốt với hơn 1 tỷ lượt tải xuống sau hơn 3 năm ra mắt vào tháng 6/2014. Con số sau đó còn khủng khiếp hơn với 2,3 tỷ lượt tải xuống cho tới thời điểm hiện tại trên nhiều nền tảng khác nhau. Điều đó còn mở đường cho Temple Run 2 và các phần phụ Temple Run khác nhau. Không phải tựa game đầu tiên nhưng sự thành công của Temple Run cũng khiến nhiều tựa game của thể loại Endless Run được ra đời như Subway Surfers, Zombie Tsunami…
Sự thành công của Temple Run cũng phần nào đến từ thời điểm phát hành của tựa game khi Iphone và hệ điều hành IOS ra mắt. Các tựa game trên App Store thời điểm đó đã hiếm, việc đưa ra các bản chơi thử miễn phí khiến Temple Run lại càng được công chúng đón nhận mạnh mẽ.
Ấy vậy mà cho đến thời điểm hiện tại, Temple Run đã không còn giữ được sức hút như trước. Lý do đầu tiên chắc chắn phải kể đến xu thế khi thời kỳ hoàng kim của các tựa game Endless Run đã đi qua. Không còn nhiều người muốn lãng phí thời gian vào các tựa game offline với lối chơi phần nào đó đã cũ so với thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, lý do cốt lõi mà được nhiều trang thông tin chỉ ra việc Temple Run mất đi sức hút để từ sự đi xuống của cả series. Từ những phần chơi hấp dẫn đầu tiên, Temple Run đã không tạo đủ những tính năng mới mẻ để giữ chân người chơi. Dù tựa game có hay như thế nào, nếu chúng ta cứ chơi mãi, chơi mãi rồi cũng sẽ đến lúc chán.
Đặc biệt là Temple Run đại diện cho dòng game không có điểm kết thúc mà chỉ có lần chơi này cao hơn lần chơi trước, sẽ chẳng có một điểm kết thúc, đích đến nào cho người chơi. Các phần Temple Run ra mắt sau đó hay kết hợp với Disney trong các dự án phim hoạt hình càng không hấp dẫn. Imanji đã sai lầm khi quá tập trung vào việc gắn mác Temple Run cho các sản phẩm kém chất lượng và nhường ngôi vương lại cho Subway Surfers với những bản cập nhật thường xuyên
Vì vậy trong một thị trường game đi lên theo từng ngày, Temple Run đã dừng lại tại thời kỳ hoàng kim nhất của mình và dần mất sức hút cho tới thời điểm hiện tại.
Angry Birds
Angry Birds hay những chú chim giận dữ là tựa game được viết nên từ một câu chuyện cổ tích có thật ngoài đời thực. Angry Birds là một tựa game được Rovio Entertainment phát triển vào năm 2009 thời điểm những chiếc smartphone thống lĩnh thị trường. Lý do nói Angry Birds là một câu chuyện cổ tích là bởi vì đây là tựa game thứ 52 của Studio và cũng là dự án game cuối cùng sau 51 tựa game thất bại trước đó của studio này khi đã cạn kiệt tài chính. Rovio quyết định all in vào dự án game cuối cùng của mình trên Iphone.
Từ hình ảnh chú chim không lông không chân và luôn cau có, studio đã sử dụng gameplay của Crush the Castle với lối chơi giải đố phổ thông. Sau đó là xây dựng hình ảnh, cốt truyện và đặc biệt là kẻ thù Lợn Xanh để tựa game thu hút được người chơi.
Dần dần tựa game được hoàn thiện với gameplay bắn những chú chim có tác dụng khác nhau để hạ gục kẻ địch Lợn Xanh và mất ít lượt nhất có thể. Từ đó tạo nên một tựa game dễ chơi, dễ sử dụng, hình ảnh ngộ nghĩnh và giá trị chơi lại cực kỳ cao nhằm đạt đến sự hoàn hảo.
Thời điểm đầu, Angry Birds không quá phổ biến mà chỉ được người chơi nội địa tại Phần Lan biết tới. Cho đến khi được App Store đưa lên trang chủ, Angry Birds đã nhanh chóng chinh phục được người chơi trên toàn thế giới 12 triệu bản bán ra trong năm đầu tiên. Cuối năm 2011, Angry Birds đạt 500 triệu lượt tải về, đạt 1 tỷ lượt tải sau 6 tháng và trở thành một trong những tựa game được tải nhiều nhất mọi thời đại.
Tuy nhiên trái với sự đi xuống của Temple Run khi không thể cải thiện trò chơi, sự thụt lùi của Angry Birds đến từ việc Rovio vắt sữa con đẻ của họ quá mức cho phép. Sau thành công của Angry Birds, họ cho ra mắt nhiều tựa game ăn theo với lối chơi khác biệt hoàn toàn với Angry Birds Go – tựa game đua xe, Angry Birds Epic – game đánh theo lượt, Angry Birds Tranformer, Angry Birds Space, Angry Birds Star War 1,2 hay cả bộ phim về Angry Birds.
Một hệ sinh thái Angry Birds được hình thành nhưng nó không thu hút được quá nhiều sự quan tâm từ người chơi cho đến khi Angry Birds 2 ra mắt. Tựa game nhanh chóng nhận được 20 triệu lượt tải xuống trong tuần đầu ra mắt nhưng Angry Birds 2 lộ rõ sự hút máu khi người chơi không còn có thể chơi game thoải mái như trước. Mà thay vào đó, chúng ta phải chơi dựa vào mạng, hết mạng hết chơi, cần bạn bè tặng, phải mua hoặc xem quảng cáo. Angry Birds 2 cũng có nhiều màn chơi cực khó khiến người chơi tiêu tốn số mạng nhanh chóng.
Thậm chí, Angry Birds 2 còn sở hữu cơ chế phép thuật và người chơi có thể mua phép để qua màn một cách đơn giản. Mất cân bằng là vậy, Angry Birds 2 cũng đem về lượng doanh thu khủng cho Rovio để họ tiếp tục phát triển hệ sinh thái của mình với các tựa game khác hay cả phim Angry Birds phần 2 cũng thu về doanh thu khủng cho hãng nhưng đó không phải là tất cả.
Rovio đã có một quyết định khá đi vào lòng đất khi gỡ các tựa game gốc của Angry Birds là phiên bản Classic, Space và Star War để đưa người chơi tới với Angry Birds 2, nơi đem lại cho họ doanh thu lớn hơn. Người hâm mộ đã giận dữ nay càng giận dữ hơn với xưởng game khi họ nhận cáo buộc thu thập trái phép thông tin người dùng và ở đây là trẻ dưới 13 tuổi.
Từ đó, quyết định biến Rovio trở thành công ty dịch vụ và Angry Birds trở thành một sản phẩm thương mại đã khiến thương hiệu Angry Birds dần mất đi trong lòng người hâm mộ. Tựa game và cả series của Angry Birds cũng đi xuống cho tới thời điểm hiện tại.