Từ khi Sekiro: Shadows Die Twice ra mắt cách đây hơn 2 tuần, một cuộc tranh luận đã bùng nổ xoay quanh độ khó của game và khả năng tiếp cận nó. Dĩ nhiên, việc đánh bại những con trùm trong Sekiro có thể khá là "khoai", và nhiều ý kiến cho rằng nên thêm "chế độ dễ" để trải nghiệm game được trọn vẹn hơn.
Với những game thủ yêu thích Sekiro: Shadows Die Twice và các thể loại game "siêu khó" như Nioh, Dark Souls,... "dễ" là một từ gì đó hơi khó nghe và chắc chắn sẽ không phải là điều họ mong muốn. Tuy nhiên, một số người khác thì lại không nghĩ như vậy. Ngoài luận điệu theo kiểu "game là dành cho mọi người nên ai cũng có quyền được hưởng game như nhau", một số người khác còn thẳng mặt đá xéo những người chơi game khó là... tự cho mình thượng đẳng, có quyền lên mặt với người khác. Từ đó, họ đòi "công bằng" bằng cách yêu cầu game phải có thêm "Easy Mode" để ai cũng có thể phá đảo được. Người viết thì cảm thấy quả thực những ai có đủ sự kiên nhẫn và kỹ năng để phá đảo những game siêu khó như vậy đều có quyền đáng tự hào. Bởi thử thách đó không phải ai cũng làm được, người làm được chứng tỏ họ có tài năng và sự luyện tập hay thậm chí là sự chịu đựng ức chế của hàng trăm hàng ngàn lần chết để đạt tới cảm giác xiên chết thằng trùm cuối và xem end game.
Tất nhiên, xét về làng game hẳn bạn cũng biết có nhiều loại game và game thủ cũng có nhiều loại không kém. Có người thích chặt chém, có người thích giải đố lại có người thích casual giải trí nhẹ nhàng. Theo những phân loại đó, game cũng phân chia thành nhiều mảng để đáp ứng những nhu cầu khác nhau. Những người không muốn chơi game khó có thể chơi casual sẽ hợp khẩu vị hơn, những người thích thử thách sẽ chọn các thể loại như chặt chém kiểu Sekiro: Shadows Die Twice để thử thách kiên nhẫn hay giải đố để thử thách trí não. Việc yêu cầu một game thiết kế thêm một chế độ dễ để ai cũng có thể phá đảo thì chẳng khác nào cho game thủ casual xâm lấn thể loại dành cho game thủ hardcore. Việc này có thể ví như đòi tạo điều kiện cho cá lên cạn và… trèo cây đua với khỉ. Kiểu quan niệm “cào bằng” như thế sẽ làm làng game trở nên một màu và giết chết sự phong phú của thị trường game. Game dành cho tất cả mọi người nhưng mỗi loại game lại chỉ dành cho một nhóm người đặc trưng nhất định mà thôi.
Hơn nữa, các ý kiến đòi có chế độ riêng cho người không cày nổi game khó đều cho rằng game khó gây bất công cho những người không đủ trình trải nghiệm. Nhưng thực sự khi nhìn kỹ, nếu để cho những người chơi hời hợt chiến thắng game khó thì nó mới thực sự là bất công. Thử nghĩ xem bạn bỏ bao công sức để nghiên cứu game, tốn bao nhiêu mạng và thời gian để tìm ra phương pháp đánh trùm khả dụng. Sau đó đùng một cái có thằng chơi easy mode qua được con trùm trong 10 phút, vậy có bất công với người đã kiên trì rèn luyện hay không? Nên nhớ "lửa thử vàng, gian nan thử sức", càng khó khăn thì chiến thắng sẽ càng vinh quang hơn. Faker sẽ chẳng thể nổi tiếng nếu ai chơi LMHT cũng biểu diễn được những pha thần thánh như vậy mà chẳng cần phải qua khổ luyện như anh ấy.
Lại phải nói thêm, chẳng phải game thủ yêu thích Sekiro: Shadows Die Twice là vì độ khó của nó sao? Cái cảm giác căng như dây đàn lúc cận kề cái chết là cái chính làm nên trải nghiệm độc đáo của dòng game này, nên nếu thêm chế độ dễ thì còn đâu cái chất chân chính của tựa game này nữa. Dù sao thì, ngay từ trước khi ra mắt, người chơi đã được cảnh báo rằng Sekiro: Shadows Die Twice thậm chí còn "thách thức" hơn những đàn anh đi trước rất nhiều. Muốn thấy được cầu vồng thì phải biết chấp nhận những cơn mưa, muốn tận hưởng cảm giác lên đỉnh vinh quang thì phải trải qua những khó khăn thử thách, không phải sao?