Ngày 6/8, Tổng Thống Mỹ Donald Trump đã ban hành sắc lệnh hành pháp cấm các công ty Mỹ thực hiện bất cứ giao dịch nào với Tencent – tập đoàn sở hữu mạng xã hội WeChat, và ByteDance – công ty mẹ của TikTok. Theo đó, lệnh cấm sẽ bắt đầu áp dụng trong 45 ngày nữa.
Lệnh cấm được đưa ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Donald đang tăng cường nỗ lực xóa sổ các ứng dụng không đáng tin cậy có nguồn gốc từ Trung Quốc khỏi các mạng kỹ thuật số của Mỹ.
Washington coi ứng dụng chia sẻ video TikTok và ứng dụng nhắn tin WeChat của Trung Quốc là những “mối đe dọa tiềm tàng” đối với an ninh quốc gia. Ngoài ra, một lý do khác không được chính thức tuyên bố là những ứng dụng này đang đe dọa vị thế công nghệ của Mỹ.
Có thể bạn muốn xem: Giám đốc sáng tạo của Riot Games nghỉ việc để phát triển công ty riêng
Ông Trump đã cáo buộc WeChat và TikTok đã tự động thu thập nhiều thông tin từ người dùng. Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ cho phép Bắc Kinh có thể tiếp cận thông tin cá nhân của công dân Mỹ qua ứng dụng.
Trước đó, TikTok từng bị Tổng thống Trump liên tiếp “dồn đến chân tường” với những tuyên bố đe dọa đưa ra lệnh cấm. Tuy nhiên, truyền thông Mỹ cho rằng, việc gây sức ép cho TikTok là một phần trong chiến lược của Tổng thống Donald Trump nhằm thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc và thu hút sự ủng hộ của cử tri trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Mặc dù vậy, một lệnh cấm TikTok hoàn toàn có thể trở thành con dao hai lưỡi bởi tại Mỹ, TikTok đang phát triển nhanh chóng và thu hút khoảng 100 triệu người dùng, đa số là giới trẻ, và có ảnh hưởng lớn tới văn hóa công chúng.
Sau khi lệnh cấm được ban hành, cổ phiếu của Tencent đã sụt giảm hơn 10% khiến “ông lớn” này mất khoảng 45 tỷ USD. Nguyên nhân vì lệnh cấm không chỉ ảnh hưởng đến việc sử dụng WeChat tại Mỹ mà còn ảnh hưởng đến các mối quan hệ kinh doanh của Tencent tại Xứ sở cờ hoa.
Việc cấm một ứng dụng như vậy có thể khiến các cử tri trẻ tuổi quay lưng với ông Trump trong cuộc bầu cử sắp tới. Chính vì lẽ đó, chiến lược của ông Trump thay đổi, chuyển sang dọn đường cho Microsoft, một doanh nghiệp Mỹ, đứng ra mua lại TikTok. Đây được coi là nước cờ cao tay hơn, giúp xoa dịu tất cả các bên khi vừa khiến giới chức Mỹ cảm thấy an tâm, vừa làm những người trẻ tuổi cũng không còn lo lắng.