Cộng đồng chủ quán net xôn xao với quy định “quán game chỉ được chơi game cấp phép”

Dù quy định về những “tựa game được cấp phép vận hành” đã xuất hiện từ lâu, nhưng khi được đưa vào lưu hành một cách chính thức tại các quán net thì những điều lệ này vẫn gây xôn xao trong cộng đồng kinh doanh game net…

Cụ thể, trong thời gian gần đây, danh sách những tựa game được cấp phép lưu hành theo Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) đã được thông cáo tại một số quán net. Điều này giúp cho việc quản lý của các cơ quan chức năng cũng như việc kinh doanh dịch vụ game online của các quán game diễn ra minh bạch hơn.

Tuy nhiên, trên khía cạnh thực tế thì việc thông cáo danh sách game được cấp phép cũng khiến không ít hộ kinh doanh quán net tỏ ra hoang mang. Về mặt pháp lý, hầu hết những tựa game online thịnh hành tại Việt Nam hiện nay đều đáp ứng đủ yêu cầu về cấp phép vận hành.

Bảng thông báo về danh sách các tựa game được phê duyệt về nội dung, kịch bản tại một quán net
Bảng thông báo về danh sách các tựa game được phê duyệt về nội dung, kịch bản tại một quán net

Thế nhưng, theo như phân tích của một số hộ kinh doanh quán net, thì mỗi năm tại Việt Nam lại có thêm hàng chục tựa game mới được ra mắt, cũng như hàng loạt sản phẩm game đóng cửa, điều này đồng nghĩa với việc danh sách game được phê duyệt nội dung kịch bản G1 cũng cần được cập nhật liên tục.

Thêm nữa thì các quán net tại Việt Nam hiện nay cũng rất khó có thể kiểm soát được hoạt động của khách hàng (chẳng hạn như việc chơi game lậu, game chưa được cấp phép…), trong khi việc “Chủ động từ chối, tạm ngừng hoặc ngừng kết nối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử chưa được cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản” theo như quy định của Bộ Tư pháp là gần như bất khả thi.

Bleach Online - Một trong những tựa game được phê duyệt nội dung, kịch bản trong năm 2017
Bleach Online – Một trong những tựa game được phê duyệt nội dung, kịch bản trong năm 2017

Điều 8 – Chương I – Thông tư Số 24/2014/TT-BTTTT – Quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, trích dẫn:

Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê máy chủ, cho thuê chỗ đặt máy chủ; doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet

1. Chủ động từ chối, tạm ngừng hoặc ngừng kết nối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử chưa được cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản hoặc chưa thông báo cung cấp dịch vụ theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.

2. Thực hiện yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tạm ngừng hoặc ngừng kết nối với các doanh nghiệp chưa có giấy phép, giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch trò chơi điện tử; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử chưa được cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản hoặc chưa thông báo cung cấp dịch vụ theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.

Chi tiết về Thông tư này độc giả có thể tham khảo tại đây.

Theo như những nội dung văn bản nói trên, việc để xảy ra tình trạng khách hàng sử dụng các sản phẩm game chưa được cấp phép cũng là một hành vi có thể coi là vi phạm nghĩa vụ của “doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet”.

Chính vì vậy, điều khiến cho cộng đồng kinh doanh quán net hoang mang ở đây, hoàn toàn không phải là việc “lách luật” hay kinh doanh bất hợp pháp, mà là việc họ khó có thể kiểm soát được những trường hợp có khả năng vi phạm quy định của ngành cung cấp dịch vụ Internet.

Các quán net liệu có bị ảnh hưởng khi khách hàng chơi những sản phẩm game nằm ngoài danh sách nói trên? Ảnh minh họa.
Các quán net liệu có bị ảnh hưởng khi khách hàng chơi những sản phẩm game nằm ngoài danh sách nói trên? Ảnh minh họa.

Ngoài ra, danh sách nói trên cũng chưa đề cập đến các quy định đối với các sản phẩm game nước ngoài, các sản phẩm game không được phát hành chính thức tại Việt Nam, chẳng hạn như AoE, CS:GO, hay Dota 2… đều là những tựa game chắc chắn không nằm trong danh sách G1 nhưng lại rất thịnh hành, thì liệu người chơi hoặc hộ kinh doanh Internet có được tính là hợp pháp khi cho phép vận hành các sản phẩm này (dự trữ bộ cài game)?

Nhìn chung, Quy định về việc phát hành trò chơi điện tử của BTTTT (Bộ Thông Tin – Truyền Thông) có thể nói là khá chi tiết và rõ ràng ở mọi điều khoản, vấn đề đặt ra chỉ là việc khi áp dụng việc thông cáo danh sách game G1 trong thực tế thì đối với các hộ kinh doanh Internet lại gặp khá nhiều khúc mắc cần được giải đáp. Đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm khá “nhạy cảm” đối với ngành dịch vụ Internet này.