Đế Chế, DotA và CS: Tựa game nào sẽ theo ta đi cùng năm tháng?

Game thủ Đế Chế lo ngại tuổi tác sẽ khiến họ không còn yêu game thế nhưng tại sao tuổi tác lại là vấn đề với đam mê?

Vấn đề của tuổi tác

Với game thủ nói chung hay những người có đam mê với Đế Chế, DotA và Counter Strike nói riêng, một trong những vấn đề khiến cho trình độ sụt giảm không gì khác ngoài… tuổi tác. Không phải ngẫu nhiên mà nghề game thủ chuyên nghiệp là nghề của tuổi trẻ, bởi khả năng phản ứng của chúng ta chậm dần đi theo thời gian. Khi bạn nghe một ai đó ở tuổi 20 phàn nàn rằng mình đã “già” và không còn có thể đọ sức được với lũ trẻ, đó là sự thật – nhiều nghiên cứu cho thấy rằng thời gian phản ứng của não bộ bắt đầu giảm ở tuổi 24. Quá trình xuống dốc này diễn ra rất thời gian chậm, nhưng ổn định.

Kết quả này có được từ việc quan sát và đo lường thời gian phản ứng của khoảng 3.300 người ở độ tuổi từ 16 đến 44 khi họ chơi StarCraft 2 và Đế Chế. Sau khi xem xét và phân tích tốc độ các game thủ này đưa ra quyết định trong game trước các tình huống bất ngờ, các nhà nghiên cứu tìm ra được kết quả bên trên.

Tuổi già có ngăn cản chúng ta chơi game?

Dĩ nhiên là không, ai cũng biết. Thời gian phản ứng chậm đi sau tuổi 24 không có nghĩa là game thủ không còn có thể chơi game tốt khi đã lớn tuổi, mà nó chỉ ảnh hưởng đến tốc độ phản xạ của chúng ta trước những tình huống bất ngờ.

Chúng ta có đầy những game thủ lớn tuổi, chẳng hạn “bà ngoại chơi Skyrim” rất nổi tiếng sẽ trở thành một NPC trong tựa game The Elder Scrolls kế tiếp. Đội tuyển Counter Strike chuyên nghiệp Silver Snipers của Thụy Điển là nơi mà game thủ trẻ nhất tham gia vào đội ở tuổi 62. Kể từ khi thành lập vào năm 2017, các tuyển thủ của Silver Snipers đã liên tục luyện tập và sau đó tham gia vào những giải đấu cả online lẫn offline, khiến lũ trẻ phải ngạc nhiên vì tuổi tác lẫn trình độ của mình.

Các thành viên của Silver Snipers thậm chí còn truyền đam mê này cho người nhà của mình, chẳng hạn bà Monica, thành viên trẻ nhất trong đội đã kéo cả chồng mình là ông Arne vào cuộc chơi. eSports trở thành một công cụ giúp những game thủ có tuổi này tìm được những mối quan hệ mới. Khi tham gia vào các giải đấu chuyên nghiệp, các thành viên Silver Snipers được chơi cùng những người trẻ tuổi, nói chuyện thật vui về đủ mọi chủ đề, từ âm nhạc, phim ảnh và tất nhiên là cả game. “Tôi học được rất nhiều điều từ những người tham dự, và cũng có thể chia sẻ những điều nho nhỏ thú vị với họ”, ông Arne cho biết.

Một đội tuyển eSports chuyên nghiệp khác thi đấu Counter Strike chuyên nghiệp để chứng minh tuổi tác chẳng qua chỉ là những con số là Grey Gunners. Hai đội tuyển Silver Snipers và Grey Gunners đã gặp nhau trong các trận đấu chuyên nghiệp, và trong mắt các thành viên Silver Snipers thì đội tuyển này chỉ là “lũ trẻ” vì họ còn… chưa đến 60.

Cả hai đội tuyển đều đã có những thành tích ấn tượng tại các giải eSports, dù chưa chiến thắng một giải đấu lớn nào. Tuy nhiên tiền bạc và huy chương không phải là giải thưởng mà họ cần – sức khỏe mới là phần thưởng lớn nhất. Tuyển thủ 78 tuổi Oivind Toverud nói rằng kể từ khi chơi Counter-Strike, ông không còn cảm thấy mệt mỏi đến mức cần thuốc từ bác sĩ. Bà Monica cho biết mình cảm thấy bộ não hoạt động tốt hơn, cứ như 20 hay 30 năm trước.  Các thành viên khác trong đội cũng cho biết kể từ khi tập luyện Counter Strike thường xuyên, sức khỏe thể chất và sự minh mẫn của họ được cải thiện một cách hết sức rõ rệt.

Như vậy, bạn đã biết rằng tuổi tác không phải là chướng ngại khi chơi game, và thậm chí còn không phải là vấn đề nếu bạn thực sự nghiêm túc muốn cải thiện cả sức khỏe và trình độ của mình. Dĩ nhiên sự bất lợi về thời gian phản xạ vẫn còn đó, nhưng nghiên cứu khoa học đã được chúng tôi nhắc tới trước đây cũng cho thấy rằng những game thủ lớn tuổi hoàn toàn có thể bù đắp cho sự thiếu hụt tốc độ bằng chiến lược và hiệu suất có được từ kinh nghiệm của mình.

Khi tuổi tác không còn là vấn đề…

Với game thủ Việt, Đế Chế, DotA và Counter-Strike có lẽ là những tựa game thân thuộc nhất. Cả ba tựa game này đều đã tồn tại rất lâu đời và có được một cộng đồng đông đảo, gắn bó từ thuở còn là “trẻ trâu” ở phòng game đến khi trưởng thành, ra đời kiếm được tiền và sở hữu những góc chơi game khủng. Chúng là những tựa game thuộc các thể loại khác nhau (RTS, MOBA, FPS) nhưng có điểm chung là đòi hỏi thời gian phản xạ càng nhanh càng tốt, vì nhân vật bạn điều khiển có thể toi mạng chỉ sau một cái nháy mắt, nhưng như chúng tôi đã nhắc đến ở trên, tuổi tác không phải là vấn đề quá lớn khi chơi những tựa game này.

Có thể bạn sẽ nghĩ rằng nhận định này hoàn toàn sai khi chơi những tựa game như Counter Strike hay Dota, nơi thời gian phản xạ gần như tương đương với thắng bại. Không hẳn thế – quả thật ai ngắm và bắn nhanh hơn, chuẩn xác hơn trong Counter Strike có cơ hội còn sống cao hơn, nhưng bạn cũng cần phải có tư duy chiến thuật. Nếu chỉ mù quáng chọn một hướng đi và rầm rập lao tới đến khi gặp mục tiêu hoặc bị bắn hạ, đó chưa phải là cách chơi đúng. Kinh nghiệm sẽ giúp bạn biết được nên đi đâu, làm gì, phối hợp với đồng đội thế nào ngay cả khi chơi một mình, và những điều này luôn đến cùng tuổi tác.

Bên cạnh đó, Counter Strike thật ra cũng thân thiện hơn với game thủ cao niên, đặc biệt là những người ở độ tuổi xưa nay hiếm. Nó đơn giản hơn rất nhiều so với những tựa game khác trên thị trường – bạn không cần phải nhớ những chỉ số hay hiệu ứng phức tạp như trong Overwatch, không cần học vài trăm kỹ năng như Liên Minh Huyền Thoại hay DotA, mà chỉ cần biết đưa tâm ngắm vào đúng mục tiêu rồi bóp cò. Bất kỳ ai cũng có thể hiểu cách chơi của Counter Strike ngay lập tức, sau đó tham gia vào thực chiến khi đã quen với các nút bấm trong game.

Sau khi đọc những dòng trên, có lẽ bạn nghĩ rằng DotA không phù hợp với chúng ta khi về già? Đúng, mà cũng không đúng. Quả thật trò chơi này đòi hỏi rất nhiều thời gian để làm quen và có thể khiến những game thủ trẻ tuổi, đầu óc nhanh nhạy cũng phải “dội”, nhưng game thủ cao tuổi luôn có thừa thời gian và kiên nhẫn nếu họ thực sự yêu thích một trò chơi. Theo thống kê tại giải đấu Dota 2 The International 8, điểm số cá nhân trong trận đấu (Individual Match Performance – IMP) của các tuyển thủ luôn ở đỉnh cao tại các độ tuổi từ 18 đến 23, tức chỉ có 5 năm ngắn ngủi, còn khi đến tuổi 24, điểm số này bắt đầu sụt giảm mạnh mẽ. Dù vậy, một điểm chung của các đội tuyển chuyên nghiệp là các tuyển thủ đóng vai trò đội trưởng dẫn dắt cả đội thường là những game thủ “già” nhất, và thi đấu ở vị trí 5 ít đòi hỏi tài nguyên hơn.

Như vậy, tuổi tác không phải là vấn đề nếu bạn yêu thích Dota 2, dù trò chơi này được xem là một trong những tựa game đòi hỏi nhiều kỹ năng nhất làng eSports hiện tại. Bên cạnh đó, sự đa dạng của các hero trong DotA cũng đem lại nhiều lựa chọn cho chúng ta. Trong khi người trẻ có thể biểu diễn bay bướm với Earth Spirit, Chen, Meepo thì game thủ lớn tuổi có thể thử Axe, Undying, Abaddon, Lion,… Trong tương lai, nếu Valve có bất ngờ biết đếm đến 3 và tung ra Dota 3, Dota 4 hay xa hơn nữa, điều này sẽ vẫn đúng – một tựa game MOBA luôn có rất nhiều nhân vật ở nhiều tầm kỹ năng khác nhau, giúp game thủ có được lựa chọn phù hợp với mình.

Tựa game thực sự phù hợp nhất về mọi khía cạnh với game thủ đã qua thời hoàng kim có lẽ là Đế Chế. Những game thủ đam mê nó đang có vài năm hết sức tuyệt vời, khi nhiều phiên bản khác nhau liên tục được phát hành. AoE 2 Definitive Edition được tung ra vào năm 2019, rồi đến AOE và AOE 3 được nâng cấp lên Definitive Edition. Các phiên bản nâng cấp này cũng chỉ mới là sự khởi đầu bởi chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ có một Age of Empires 4 hoàn toàn mới!

Cũng như các tựa game chiến thuật khác, Đế Chế – dù là AOE cổ xưa hay AOE 4 sắp sửa ra đời – đều đòi hỏi người chơi phải biết micro các đơn vị quân, các đội quân của mình để giảm thiểu tổn thất, trong khi tiêu diệt các mục tiêu quan trọng trong hàng ngũ đối thủ, Điều này đòi hỏi khá nhiều khả năng phản xạ và chênh lệch về tuổi tác thực sự là một chướng ngại thực sự khó vượt qua – theo số liệu tổng hợp từ phần mềm AimLab, thời gian phản xạ của game thủ ở độ tuổi 41-50 chậm hơn khoảng 25% so với thời hoàng kim 18-25 tuổi.

Tuy nhiên cũng như các game chiến thuật khác, tư duy và kinh nghiệm là điều quan trọng hơn rất nhiều khi chơi Đế Chế. Ở tuổi trên 30, bạn không thể tung ra 300 APM như người trẻ, nhưng bạn có thể biết được cách làm cho 150 APM của mình hiệu quả tương đương thông qua những kinh nghiệm mình góp nhặt được sau hàng chục năm chinh chiến trong Đế Chế. Bạn biết cách tối ưu vị trí của từng căn nhà để chặn đường tiến công của đối thủ, cách đặt chợ để đường giao thương vừa an toàn lại vừa đem lại hiệu suất cao, cách xây dựng một đội quân vừa khắc chế kẻ địch vừa phù hợp với tình trạng kinh tế của mình,…

Ngoài chuyện thắng thua

Dĩ nhiên những ưu thế về kinh nghiệm có thể trở nên vô nghĩa nếu một “người lính già” phải đối đầu một game thủ trẻ thi đấu ở tầm chuyên nghiệp bởi họ có thời gian luyện tập nhiều hơn, nhưng nói tới cùng, lợi ích của game không phải chỉ ở cảm giác chiến thắng mà nó đem lại. Dù là DotA, Đế Chế hay Counter-Strike, game thủ luôn phải suy nghĩ về từng tình huống, thích nghi với những vấn đề mới, và phản ứng nhanh chóng. Bạn phải luôn dự đoán về hoạt động của đối thủ, lưu tâm đến ưu thế hoặc thế yếu của đồng đội, thực hiện những chiến thuật nhịp nhàng  để san bằng khoảng cách hoặc kéo giãn sự cách biệt giữa đôi bên.

Những game thủ thực thụ biết cách thưởng thức quá trình chứ không phải chỉ chú tâm đến kết quả. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta gọi việc chơi game là những cuộc vui, bởi niềm vui đến trong suốt thời gian bạn thưởng thức trò chơi, từ những cảm xúc hoặc hưng phấn, hoặc hồi hộp, hoặc vui sướng mà chúng đem lại, chứ không phải chỉ đến khi mọi thứ đã ngã ngũ và người thắng được gọi tên. Dù thắng hay thua, tất cả những hoạt động trí óc này đều đem lại cho bạn cơ hội rèn luyện sức khỏe tinh thần – một điều trước đây ít được chú ý nhưng ngày càng trở nên quan trọng trong xã hội hiện đại.

Đó là còn chưa kể đến những mối quan hệ mới mà game thủ không ngừng xây dựng trong các tựa game của mình. Khi có cùng một sở thích, độ tuổi không còn là một vấn đề ngăn cản tình bạn được tạo ra, hệt như những người bạn tuổi teen mà các xạ thủ Silver Snipers đạt được sau các giải đấu eSports họ tham gia. Những câu chuyện về tình bạn cách biệt xa về độ tuổi không phải là hiếm trong làng game, nơi các cộng đồng luôn gắn kết với nhau vì có cùng một niềm đam mê lành mạnh, một lối sống trẻ trung bất kể độ tuổi của mình.

Cuối cùng đừng để tuổi tác cũng như công nghệ làm phiền đến thú vui trải nghiệm game của bạn. Dù là DotA, Đế Chế hay Counter Strike thì GPLAY cũng có thể cân tất bởi đây là một nền tảng giúp người ta kết nối với nhau để chơi game offline siêu mượt. Tìm hiểu thêm thông tin về GPLAY tại:

Trang chủ:

Fanpage: https://www.facebook.com/gametvplus

Fanpage Kênh Tin Game Esports - khu vườn địa đàng với hàng ngàn tin tức Esports và 7749 loại meme/video.. vui tính hơn cả crush của bạn. LIKE NGAY ĐỂ CẢM NHẬN!
Bạn có sẵng sàng "tám" xuyên biên giới tại Gia đình Kênh Tin Game, nơi có những thiên tài như Elon Musk, bí ẩn như Dr.Strange và lịch lãm như Constantine?
Và cuối cùng bạn đã đăng ký kênh Youtube của Kênh Tin Game chưa? Đăng ký đi vì nó miễn phí.