Nếu là một fan hâm mộ game kinh dị, có lẽ gần đây bạn từng nghe về một tựa game có tên Gevaudan - tân binh dưới tay nhà phát triển độc lập Nicolas Bernard. Gevaudan cho người chơi nhập vai vào một nhân vật vô danh thấy mình xuất hiện trong khu rừng cùng tên, nơi mà sinh vật được gọi là "The Beast" đang hoành hành. Di chuyển tự do trong khu rừng, game thủ phải tự mình lần tìm manh mối xung quanh những cây cột đèn bố trí suốt dọc đường đi, từ đó giúp mình sống sót trước sự đeo bám của bóng hình nửa người nửa sói. Nhưng ít ai biết Gevaudan không phải là một địa danh hoang đường và câu chuyện về "Quái thú vùng Gevaudan" cũng không phải là một sản phẩm sinh ra từ trí tưởng tượng. Hai chi tiết ấy đều là có thật và được lưu lại trong vô số tài liệu lịch sử mấy trăm năm qua.
Từ năm 1764 cho đến năm 1767, tại khu vực lịch sử của Gevaudan thuộc miền Nam nước Pháp đã ghi nhận hơn 100 vụ sát hại dã man bao gồm cả thanh niên, trẻ em và phụ nữ. Nguyên nhân gây ra cái chết chính là "The Beast" - con quái thú sinh sống ở khu rừng Gevaudan. Sự tồn tại của sinh vật đã được xác định bởi vô số tài liệu và chưa từng có một khoa học gia nào bác bỏ điều ấy. Bằng chứng cho thấy các vụ tấn công diễn ra trong bán kính từ 80 cho đến 90 km, với những nạn nhân thường bị chấn thương ở phần đầu và cổ họng bị xé toạc. Một nghiên cứu vào năm 1987 cho hay The Beast gây ra tổng cộng 210 vụ tấn công với 113 người chết, 49 người bị thương và 98 người với thân thể bị ăn mất một phần. Nhưng một nghiên cứu khác lại cho rằng chỉ có từ 60 cho đến 100 người chết, trong khi người bị thương chỉ hơn 30. Với những người may mắn sống sót thì "The Beast" được đặc tả dưới hình dáng của một sinh vật gần giống sói nhưng lớn một cách bất thường, mang tai nhỏ và thẳng, ngực rộng, miệng và răng lớn, trong khi có một bộ lông màu đỏ.
Trong một nghiên cứu phát hành vào năm 2002, ông John D. C. Linnell cho rằng số liệu về những cuộc tấn công của sói thông thường và số liệu của "The Beast" được ghi nhận từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20 có sự khác biệt rất lớn. Cụ thể, số liệu về The Beast hướng mạnh vào nhóm người trưởng thành. Số người trưởng thành bị tấn công bởi The Beast nhiều hơn gấp 6 lần so với vụ tấn công của sói, trong khi số trẻ em dưới 10 tuổi lại ít hơn 3 lần. Sự khác biệt này nói lên điều gì? Liệu The Beast có trí thông minh thấp hơn so với một con sói khi nó chọn con mồi to khỏe hơn? Hay tập tính của quái thú này còn mang một lý giải nào khác? Trên thực tế, mục tiêu tuy là người trưởng thành có thể hình lớn và khả năng phòng vệ tốt nhưng đồng thời nó cũng mang lợi ích nhiều hơn về mặt dinh dưỡng nếu The Beast có thể hạ gục họ. Tự nhiên cũng đã chứng minh kích cỡ con mồi thường tăng theo kích cỡ của sinh vật đi săn. Dựa trên những suy luận đó John D. C. Linnell chứng minh thông tin cung cấp từ thế kỷ 18 là hoàn toàn chính xác... The Beast lớn hơn một con sói thông thường rất nhiều.
Vụ tấn công đầu tiên của The Beast được ghi nhận khi một người phụ nữ trẻ thấy con quái vật lao về phía mình trong lúc đang chăm đàn bò. Tuy nhiên đàn bò quay ngược trở lại và tấn công con quái thú, giúp cô gái trẻ bảo toàn mạng sống. Nhưng sau đó không lâu, The Beast cướp đi sinh mạng đầu tiên tại Gevaudan khi xác bé gái 14 tuổi mang tên Janne Boulet được tìm thấy gần ngôi làng Les Hubacs nằm gần thị trấn Langogne. Trong những tháng tiếp theo, các vụ tấn công ngày càng xuất hiện nhiều hơn, khiến cư dân luôn phải sống trong sợ hãi. Con quái thú luôn nhắm vào những người đi một mình và đang chăm đàn bò ở ven bìa rừng Gevaudan. Ngoài ra nó chỉ tấn công vào phần đầu và cổ của nạn nhân. Đến tháng 12 năm 1764, tin đồn về việc không chỉ một mà tới hai con quái thú đang sống tại Gevaudan bắt đầu xuất hiện. Một số nhân chứng còn nói rằng mình đã chứng kiến The Beast xuất hiện với một sinh vật mang hình dáng tương tự, rất có thể là con của nó.
Nhưng cho đến năm 1765, dường như con quái thú này bắt đầu chuyển sang tấn công cả nhóm người. Ở đó, Jacques Portefaix và 7 người bạn của mình sớm trở thành mục tiêu của The Beast. Sau vài lần quần thảo, Jacques và bạn đã thành công trong việc đẩy lùi con quái bằng cách hợp sức với nhau. Vụ việc này sớm thu hút sự chú ý của Vua Louis XV, người trao thưởng số tiền rất lớn cho bất cứ thợ săn nào có thể giết con quái thú này. Ba tuần sau đó, Vua Louis XV cử 2 thợ săn chuyên nghiệp đến Gevaudan để săn tìm The Beast. Với một đàn chó 8 con bloodhound được huấn luyện chỉ để săn tìm chó sói, hai thợ săn này đã hoạt động liên tục tại Gevaudan trong 4 tháng liền. Tuy nhiên kết quả là những cuộc tấn công vẫn diễn ra và không có dấu hiệu suy giảm. Vua Louis XV sau đó thay thế 2 thợ săn này bằng cận thần Francois Antoine. Trong thời gian sau đó ông thành công trong việc hạ gục tới 3 con sói xám lớn với kích thước 30 cm chiều cao, 1.7m chiều dài và 60kg cân nặng. Ngay lập tức chính quyền xác định đây là nguyên nhân cho những vụ tấn công suốt những năm qua và con sói được nhồi rơm đem về thủ phủ trong khi Antoine được tung hô như là anh hùng.
Nhưng đến cuối năm 1765, những cuộc tấn công lại một lần nữa xuất hiện, khiến 2 người đàn ông bị thương. Sau đó hơn 10 vụ tấn công dẫn đến tử vong cũng lần lượt kéo theo, khiến dân chúng Gevaudan tiếp tục sống trong sợ hãi. Tuy nhiên trong một cuộc đi săn được tổ chức bởi giới quý tộc trong vùng, một người nông dân có tên Jean Chastel đã thành công trong việc bắn hạ The Beast... chính thức kết thúc năm tháng hoành hành của con quái vật này. Nhiều cuốn tiểu thuyết sau này phóng tác hình ảnh đó khi cho rằng Jean Chastel sử dụng một viên đạn bạc được ban phước.. và khi mổ bụng The Beast bên trong chứa đầy bộ phận cơ thể người. Nhưng hàng trăm năm sau đó người ta vẫn đưa ra nhiều giả thuyết về sự tồn tại của con quái thú này. Một số thì cho rằng nó đơn thuần chỉ là những vụ tấn công của chó sói nhưng được sâu chuỗi một cách tùy tiện để thêu dệt nên câu chuyện ma quỷ. Số khác thì cho rằng đây không phải là sói mà thực tế là một con sư tử vẫn đang trong quá trình trưởng thành. Khu vực Gevaudan thời đó vẫn còn nghèo đói và nạn nhân chỉ là dân thường nên việc không biết đến hình dạng của sư tử - một sinh vật vốn xuất xứ từ Châu Phi, là điều có thể. Chỉ giới quý tộc - những người đã tới Châu Phi vốn cũng là một thuộc địa của Pháp ngày đó, mới biết sư tử là gì. Rất có thể một quý tộc trong vùng đã đem giống loài này từ Châu Phi về nuôi và vô tình để xổng nó vào trong hoang giã. Tuy nhiên giả thuyết chỉ là giả thuyết và đến bây giờ vẫn chưa có một lời xác nhận chính thức nào về bản chất của The Beast..