Cùng với sự phát triển nhảy vọt của thể thao điện tử (Esports), ngành công nghiệp game tăng trưởng vượt bậc kéo theo hàng loạt giải đấu quy mô trên toàn thế giới với các tựa game phổ biến như Liên Minh Huyền Thoại, DOTA 2, PUBG, Call of Duty… Vô hình chung vị thế của những game thủ chơi game này cũng đồng thời được nâng cao, thậm chí cũng như môn thể thao vua (bóng đá) người hâm mộ càng đòi hỏi nhiều hơn những pha thi đấu chơi đẹp, cống hiến hết mình vào trận đấu. Tuy nhiên ranh giới giữa phong cách đẹp và xấu trong Esports lại vô cùng mong manh và có thể đảo chiều hoàn toàn từ sự ủng hộ của khán giả. Hãy cùng Mọt Lang Thang điểm qua những phong cách chơi thú vị và phản ứng từ phía cộng đồng game thủ nhé.
Chơi đẹp và xấu khác nhau ra sao?
Đối với game thủ định nghĩa chơi đẹp thường được hiểu là lối chơi lăn xả, liều mạng tấn công đổi lại là những khoảnh khắc highlight một mình cân cả đội địch. Cũng tương tự như bóng đá, người hâm mộ chỉ yêu thích những đội tuyển ghi thật nhiều bàn thắng tuy nhiên trong một số trường hợp điên cuồng tấn công đôi khi không hề đem lại kết quả chiến thuật như ý muốn cho cả đội mà thường để lại hậu quả với những pha phản công nhanh và áp lực tâm lý. Do đó các đội tuyển thường chọn cho mình lối đánh chiến thuật chắc ăn nhờ tư vấn từ chuyên gia phân tích. Tuy nhiên đây cũng là lúc người hâm mộ đội tuyển phản ứng dữ đội nhất khi đội tuyển của họ chuyển từ lối chơi đẹp sang xấu với một chiến thuật bị động tiêu cực hơn.
Dễ thấy nhất là trường hợp các đội tuyển ở LCK (giải đấu LMHT khu vực Hàn Quốc), mặc dù sở hữu kỹ năng khá cao nhưng do chọn cho mình lối đánh chắc ăn tập trung farm và giao tranh tổng cuối trận nên không ít lần các đội tuyển nổi tiếng như T1, DRX… đều bị người hâm mộ chê trách vì lối đánh ru ngủ 20 phút 4 mạng, hoặc cá biệt có trận kéo dài đến hơn 90” (SKT T1 vs Jin Air). Tương tự như LMHT, ở những tựa game sinh tồn nổi tiếng như PUBG, Call of Duty… không ít game thủ đã bị chỉ trích vì lối chơi nhút nhát ôm vòng bo sinh tồn mà không chịu lao vào giao tranh kiếm mạng. Vô hình chung chính sự cổ vũ nhiệt tình và đòi hỏi cống hiến này đã khiến không ít game thủ có quyết định sai lầm thậm chí không đủ tỉnh táo để ra quyết định ở những trận đấu mang tính quyết định.
Tại sao những khó có thể chiều lòng người hâm mộ khi chơi đẹp?
Lối chơi cống hiến đánh hết khả năng và để lại ấn tượng đẹp với người hâm mộ chính là tất cả những gì mà game thủ chuyên nghiệp truy cầu, tuy nhiên khi Esports càng ngày càng phát triển kéo theo hàng loạt các nhà đầu tư từ các tổ chức Esports lớn cũng như nguồn lợi khủng từ các hợp đồng quảng cáo thì các đội tuyển lại càng thận trọng hơn để giành phần thắng. Nhất là khi gặp những đối thủ ngang cơ hoặc mạnh hơn thì chỉ cần một sai sót nhỏ cũng đã quá đủ để họ mất đi lợi thế, thậm chí là cả trận đấu cũng như các hợp đồng lớn để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Do đó không quá khó hiểu tại sao các đội tuyển chuyên nghiệp lại hướng đến lối chơi mang tính phòng thủ nhiều hơn trước khi nghĩ đến việc tấn công. Tuy nhiên theo ý kiến cá nhân của Mọt chính vì việc quá đặt nặng chiến thắng và phòng thủ mà khá nhiều đội đã bỏ quên sức mạnh những tuyển thủ của mình, đơn cử như T1 Esports khi họ sở hữu một đường giữa với kỹ năng cực tốt nhưng thay vì để người chơi tốt nhất của họ tự do gây sát thương thì chiến thuật đề ra lại yêu cầu người đi đường giữa phải đánh hỗ trợ. Vô hình chung chính sự an toàn đó đã góp phần không nhỏ làm mai một bản năng sát thủ của những tuyển thủ danh tiếng.
Góc nhìn game thủ chuyên nghiệp khác người hâm mộ ra sao?
Cũng là phong cách chơi đẹp đó nhưng cách nhìn của game thủ chuyên nghiệp đôi khi khác hoàn toàn so với những người hâm mộ. Qua đó đối với những người trực tiếp thi đấu họ chỉ quan niệm “chiến thắng đẹp” và trên một chiến trường cạnh tranh khốc liệt thì họ cần phát huy tất cả khả năng (cả đẹp và xấu) để chiến thắng.
Game thủ từng chứng kiến những cuộc lội ngược dòng ngoạn mục nhờ những bước di chuyển thông minh để phá nhà chính địch trong LMHT để rồi thốt lên là chơi xấu không dám đối mặt combat với đội đối thủ. Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại việc dụ địch phá nhà chẳng phải cũng là kế “Giương Đông kích Tây” trong binh pháp Tôn Tử hay sao. Và lỡ như đội tuyển yêu thích chơi đẹp như ý người hâm mộ mà chẳng may thua cả trận đấu thì liệu nét đẹp đó có thể bảo vệ cả đội trước sự chỉ trích từ phía người hâm mộ hay không?
Đặc biệt trong khuôn khổ giải đấu GPL cách đây 6 năm, một thành viên huyền thoại của đội tuyển Saigon Joker trong một pha solo kill đường trên đã gần như chắc chắn giết được đối thủ nhưng do thấy đối thủ mất kết nối anh chàng đã thả cho đối thủ của mình chạy về. Cuối game mặc dù Saigon Joker giành chiến thắng nhưng thầy Lee In Cheol vẫn không hề vui và liên tục trách phạt tuyển thủ này với đại ý “nhân từ với kẻ địch là tàn nhẫn với bản thân mình”. Qua đó phần nào game thủ cũng có thể hiểu được sự khắc nghiệt và khao khát thắng ở môi trường thi đấu chuyên nghiệp ảnh hưởng lớn ra sao đến các tuyển thủ.
Lời kết
Thể thao điện tử đang dần dần trở thành một bộ môn thi đấu với quy mô tiệm cận những giải đấu bóng đá lớn. Tuy nhiên trong thi đấu thắng thua luôn vô cùng khó đoán, do đó thay vì trở thành HLV online đóng góp chiến thuật và yêu cầu đội tuyển thi đấu đẹp tại sao người hâm mộ không động viên những tuyển thủ nhiều hơn để họ vững tâm xây dựng lại chiến thuật và thi đấu tốt hơn.