Epic tiếp tục phá luật bằng sức mạnh và tiền của từ Fortnite - Cộng Đồng

Bằng cách sử dụng tiền từ Fortnite như một món vũ khí, Epic quyết tâm bẻ cong mọi luật lệ trước giờ để bắt người khác phải chơi theo luật của mình.

Vào đêm ngày thứ 5 13/8/2020 theo giờ Việt Nam, Epic đã bất ngờ “chơi nổi”: họ tung ra một bản cập nhật Fortnite cho phép game thủ mua V-buck (đơn vị tiền ảo của Fortnite) với giá giảm 20% so với mức giá bình thường trên App Store hay Play Store. Dù giảm giá 20%, tính năng này đem lại cho Epic những khoản lợi nhuận lớn hơn hẳn bởi nó giúp họ “qua mặt” khoản chi 30% cho Apple và Google. Không cần phải nói, chỉ trong vòng vài giờ sau khi bản cập nhật này chính thức “lên sóng”, cả Apple lẫn Google đều ra tay tống cổ Fortnite ra khỏi cửa hàng của mình.

Epic tiếp tục phá luật bằng sức mạnh và tiền của từ FortniteEpic tiếp tục phá luật bằng sức mạnh và tiền của từ Fortnite

Epic giảm giá 20% cho game thủ nhờ không phải nộp 30% cho Google và Apple. Khôn thế chứ lại!

Google nói rằng “hệ sinh thái mở của Android cho phép nhà phát triển phân phối các ứng dụng qua nhiều cửa hàng. Với những nhà phát triển game chọn sử dụng Play Store, chúng tôi có các chính sách nhất quán, công bằng với tất cả các nhà phát triển và giữ cửa hàng này an toàn cho người dùng. Dù Fortnite vẫn tồn tại trên Android, chúng tôi không thể để nó có mặt trên Play Store vì nó vi phạm các chính sách của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi chào đón cơ hội được bàn bạc với Epic và mang Fortnite trở lại.”

Tương tự Google, Apple cho biết rằng họ xóa Fortnite khỏi cửa hàng vì chính Epic đã vi phạm những điều khoản mà họ đồng ý ký kết với Apple trước đây, nhưng không loại trừ khả năng cho Fortnite trở lại. “Epic đã chọn bước đi vi phạm các định hướng mà App Store áp dụng cho tất cả các nhà phát triển để giữ cửa hàng an toàn cho người dùng, nên Fortnite bị xóa khỏi cửa hàng. Chúng tôi sẽ tìm mọi cách để làm việc với Epic và giải quyết các vi phạm này để họ có thể đem Fortnite trở lại App Store”.

" alt=""

Tuy nhiên, Epic đã chuẩn bị sẵn sàng. Họ không thèm đàm phán với Apple hay Google mà lập tức đâm đơn kiện cả hai công ty lên tòa án Mỹ để chống độc quyền, với những đòi hỏi khác nhau. Chưa hết, Fortnite cũng lập tức có video mới ở đầu game với nội dung chế nhạo Apple là “táo có sâu” và khuyến khích game thủ của mình “tham gia vào cuộc chiến để ngăn 2020 trở thành 1984”,  ý nói tới mẩu quảng cáo nổi tiếng của Apple mô tả một thế giới đầy áp bức trong quyển tiểu thuyết có tên 1984 của nhà văn George Orwell.

Epic vs Google: Vừa ăn cướp vừa la làng

Với việc khởi kiện Apple và Google, Epic đã bắt tay vào việc gây thù kết oán với những đối thủ mới sau khi dành ra vài năm châm chọc Valve. Tuy nhiên đây chắc chắn không phải là một hành vi bộc phát, mà là có dự mưu – Epic không thể làm ra một video CG hoành tráng cho Fortnite trong vài giờ và đội ngũ luật sư của họ cũng không thể đánh máy ra những tấm đơn kiện dài 65 trang A4 trong khoảng thời gian đó.

Epic tiếp tục phá luật bằng sức mạnh và tiền của từ FortniteEpic tiếp tục phá luật bằng sức mạnh và tiền của từ Fortnite

Nhưng điều làm Mọt tui cảm thấy buồn cười ở đây là Epic đang vừa ăn cướp vừa la làng trong trường hợp của Google. Fortnite vốn không tồn tại trên Play Store trong một thời gian dài và phải “ở tạm” trên các cửa hàng ứng dụng khác, nhưng vẫn có thể chạy trên Android – tức là không có chuyện “Google độc quyền, Epic là nạn nhân” như Epic đang hô hào. Tất cả những gì bạn cần để cài đặt ứng dụng ngoài Play Store là bật một tùy chọn đơn giản trong phần Cài Đặt của Android. Thật ra, bạn chẳng cần phải đi tìm tùy chọn này, bởi Android sẽ hiển thị nó ngay lập tức khi bạn định cài đặt một app nằm ngoài Play Store.

Như vậy, rõ ràng Google chẳng hề độc quyền hay bắt ép ai phải sử dụng nền tảng Play Store. Thật ra, chính Epic mới là kẻ xấu trong trường hợp này bởi họ đã vi phạm hợp đồng ký với Google vào tháng 4/2020, tức là chưa đầy 4 tháng trước đây. Có lẽ Epic đã bắt tay vào việc lên kế hoạch cho pha “một chọi hai” hiện tại kể từ lúc đó, bất kể việc họ đã chấp nhận chơi theo luật của Google trong hợp đồng.

Epic tiếp tục phá luật bằng sức mạnh và tiền của từ FortniteEpic tiếp tục phá luật bằng sức mạnh và tiền của từ Fortnite

Việc lặp lại các nội dung trong đơn kiện Google mà Epic nộp lên tòa án là bất khả thi, nên Mọt sẽ chỉ nhắc lại những gì Epic muốn đạt được từ vụ kiện này. Họ nói rằng bởi Google liên tục nhắc nhở game thủ mỗi khi họ cài đặt hay mua sắm trong những ứng dụng không có trên Play Store, nên “gây hại cho các nhà phát triển ứng dụng và người dùng khi đặt mình vào vị thế một người trung gian cho mọi giao dịch trong ứng dụng”. Trong vai trò là một người dùng, Mọt cảm thấy đây không phải là vấn đề – Mọt thà tin tưởng và trao thông tin tài khoản của mình cho Google với hệ thống bảo mật của họ chứ không muốn thực hiện giao dịch với một cửa hàng nhỏ mà chẳng ai biết là ai.

Gabe Newell và Tim Sweeney đóng góp gì cho làng game, và ai giàu hơn?
Tim Sweeney và Gabe Newell đều có những đóng góp rất lớn cho làng game, và sẽ rất thú vị nếu chúng ta so sánh giữa họ về việc ai sẽ hơn ai.

Epic vs Apple: 49 gặp 50

Khi xem xét trường hợp của Apple, quả thật khó mà bênh được Apple là không độc quyền bởi người dùng iOS chỉ có đúng một lựa chọn duy nhất là AppStore (nếu không bẻ khóa điện thoại). Apple cũng có những chính sách khá lằng nhằng rối rắm và vướng vào nhiều vấn đề pháp lý khác nhau cả với chính phủ Mỹ lẫn các công ty công nghệ khác. Gần đây nhất, Tim Cook vừa phải ra trả lời chất vấn trước Quốc hội Mỹ vì nghi vấn độc quyền và chống cạnh tranh, lại còn bị Microsoft “đâm thọc” vì cấm tiệt dịch vụ xCloud với lý do không thể kiểm duyệt game. Tuy nhiên xưa nay, Apple vẫn bảo trì vị thế nói một không hai của mình và không ai có thể thách thức điều đó.

Epic tiếp tục phá luật bằng sức mạnh và tiền của từ FortniteEpic tiếp tục phá luật bằng sức mạnh và tiền của từ Fortnite

Pokemon Go đã phá luật của Apple từ lâu, nhưng không bị hãng “sờ gáy.”

Bên cạnh đó, dù Apple nói rằng các điều khoản hợp đồng là như nhau cho tất cả các nhà phát triển ứng dụng, câu nói này đã được chứng minh là dối trá không chỉ một lần. Một ví dụ mà Mọt nhớ được là dù Apple yêu cầu các tựa game chạy trên iOS có bán loot box phải công bố tỉ lệ xuất hiện của các vật phẩm trong loot box, Pokemon Go đã phớt lờ yêu cầu này từ lâu mà chẳng bị gì, và phải đến ngày 13/8 vừa qua, nhà phát triển Niantic mới tiết lộ thông tin tỉ lệ rơi đồ sau khi bị game thủ vạch mặt. Tương tự, Apple cũng bị tố là phân biệt đối xử khi người ta phát hiện ra họ cố gắng thuyết phục Amazon đưa dịch vụ Prime Video lên App Store bằng lời hứa sẽ có “ưu đãi đặc biệt” thay vì lấy đi 30%.

Cũng vì sự khác biệt giữa Google và Apple mà Mọt nói đến bên trên, đòi hỏi của Epic dành cho Apple cũng khác. Epic nói rằng “sự độc quyền của App Store chỉ bảo vệ lợi nhuận của Apple chứ không phải sự an toàn của thiết bị”“Apple tìm cách khống chế thị trường, ngăn cản đối thủ cạnh tranh và trì hoãn sự sáng tạo”. Và thế là trong đơn kiện dài 65 trang của mình, Epic đưa ra đòi hỏi được quyền thành lập một cửa hàng riêng bán ứng dụng cho iOS để làm đối thủ cạnh tranh trực tiếp với AppStore, tương tự như việc họ lập Epic Games Store để cạnh tranh với Steam. Nếu họ thành công, các nhà phát triển sẽ có một kênh phân phối mới, còn Epic có nguồn tiền mới gần như móc trực tiếp từ túi của Apple.

Epic tiếp tục phá luật bằng sức mạnh và tiền của từ FortniteEpic tiếp tục phá luật bằng sức mạnh và tiền của từ Fortnite

Epic muốn giàu hơn, bất kể chuyện danh tiếng.

Tuy nhiên, trong vai trò là một người có sử dụng Epic Games Store, Mọt tui cảm thấy… lo ngại nếu tham vọng về một cửa hàng bán ứng dụng iOS của Epic trở thành hiện thực. Sau hơn một năm rưỡi vận hành, Epic Games Store vẫn là một đống hỗn loạn và năng lực của đội ngũ hỗ trợ khách hàng tại Epic hết sức đáng quan ngại. Bản thân Mọt tui đã gặp rắc rối với cửa hàng này không chỉ một lần, từ chuyện mất save trên cloud đến chuyện mua game. Cụ thể, khi mua gói Season Pass của Borderlands 3 và không thể cài đặt các  DLC đã ra mắt, Mọt tui đã phải chờ 13 ngày kể từ lúc gửi mail nhờ support đến khi nhận được câu trả lời cuối cùng là hãy thử cài lại game.

“Epic là người tốt, là nạn nhân”

Đó là thông điệp mà Epic đang cố gắng truyền tải qua các hoạt động truyền thông của mình và điều nực cười là họ nhận được sự ủng hộ của một số người. Hãy nghĩ mà xem, công ty của Tim Sweeney đã ký hợp đồng giấy trắng mực đen với Google và Apple, sau đó vi phạm các hợp đồng đó, rồi lại đâm đơn khởi kiện với luận điểm mình là người tốt. Bên cạnh đó, việc nhét đoạn phim CG nhại lại mẩu quảng cáo 1984 của Apple vào Fortnite là một trò bẩn thỉu. Nếu Epic muốn chơi bẩn và khởi kiện Google, Apple để kiếm thêm tiền, hãy cứ tự nhiên nhưng đừng cố gắng lôi game thủ Fortnite với rất nhiều trẻ em vào cuộc và tìm kiếm sự ủng hộ bằng cách dát vàng lên mặt mình.

Epic tiếp tục phá luật bằng sức mạnh và tiền của từ FortniteEpic tiếp tục phá luật bằng sức mạnh và tiền của từ Fortnite

Kiếm tiền thì cứ tự nhiên, nhưng đừng lôi game thủ vào cuộc.

Bên cạnh đó, nếu Epic thực sự là kẻ đi tiên phong bảo vệ quyền lợi của các nhà phát triển và giúp họ không phải chia 30% doanh thu của mình cho nền tảng phát hành, sao Epic còn chưa kiện Microsoft, Sony, Nintendo? Đây là những công ty đang nắm toàn quyền sinh sát với game trên nền tảng console của họ và cũng cắt 30% khỏi tay các nhà phát triển/phát hành game như Apple lẫn Google. Mọt sẽ nói cho bạn biết lý do tại sao: Sony đang bơm tiền vào Epic, Nintendo vừa ký hợp đồng dùng engine Unreal 4, còn Microsoft thì vì lẽ gì đó đang được Tim Sweeney yêu thương – ông ta nói rằng “Epic heart Microsoft” (Epic say nắng Microsoft) trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 5/2019 và rất sốt sắng cập nhật engine Unreal 4 để nó chạy được trên chiếc kính Hololens giá 3.500 USD của gã khổng lồ này.

Còn lâu mới tới hồi kết

Nói chung, những gì Epic muốn đều chỉ là tiền chứ không hề tốt đẹp như những điều họ hô hào. Bằng sức nặng của Fortnite và lượng tiền của đang gom góp được từ các đợt gọi đầu tư, Epic đang cố gắng phá vỡ mọi quy luật bất lợi cho mình bằng mọi giá, kể cả chơi xấu. Mọt tui không ủng hộ Epic, nhưng nhận thấy rằng nếu bằng cách nào đó Epic có thể thắng kiện, đây sẽ là một điều có lợi cho tất cả mọi người. Nó cũng sẽ trở thành tiền lệ để Epic có thể sử dụng tiếp tục “nã pháo” vào Microsoft, Sony và Nintendo – những công ty sản xuất ra các hệ máy chơi game mà Fortnite đang hoạt động, trong tương lai không xa. Mọt tui sẽ ngồi nhìn các vụ kiện này với đầy đủ bắp rang, nước ngọt và đem các thông tin mới nhất đến với các bạn.