Hé lộ lý do tuyển thủ Esports vẫn trung thành với thiết bị có dây

Trong khi thiết bị không dây đã trở thành xu hướng công nghệ, tất cả tuyển thủ Esports vẫn đang gắn liền với hình ảnh ôm các thiết bị lỉnh kỉnh với dây dợ dài thòng trước và sau mỗi trận đấu.

Những tiến bộ của khoa học công nghệ vẫn đang ngày càng được hoàn thiện với xu thế “không dây hoá” nhằm giúp cuộc sống dần trở nên dễ dàng hơn, tiện lợi hơn và đang trở thành xu thế tất yếu. Trong cuộc cách mạng không dây, điện thoại di động đang dần dần thay thế các điện thoại bàn, điện thoại công cộng; mạng wifi dần thay thế mạng dây truyền thống với tốc độ mạng hơn và sự ổn định tăng lên đáng kể. Tiếp đó là Bluetooth đang ngày càng được phát triển mạnh và được ứng dụng nhiều hơn.

Thế nhưng, Esports – ngành công nghiệp mới nổi và cũng là tượng trưng cho sự phát triển, thịnh hành của công nghệ lại luôn có những hình ảnh được xem là kỳ lạ: những tuyển thủ luôn cặm cụi cuốn dây bàn phím, dây chuột sau mỗi trận đấu.

Điều này không chỉ mất thời gian, gây phiền hà cho các tuyển thủ mà còn rất cồng kềnh và gây thiếu thẩm mỹ trên bàn thi đấu bởi dây dợ loằng ngoằng, rối rắm trông rất lộn xộn, không kể đến việc giá thành của những bàn phím có dây rẻ hơn nhiều so với các thiết bị không dây.

SofM trung thành với bộ gaming gear có dây “cổ đại” với tuổi đời hơn 15 năm

Có thể bạn muốn xem: Game thủ “độ” Game Boy thành phiên bản Valentine tặng bạn gái

Thế nhưng, lý do đằng sau sự lựa chọn đó lại là vấn đề về bảo toàn hiệu năng, bởi các thiết bị không dây đều có độ trễ nhất định, tuỳ thuộc vào từng sản phẩm. Trong các trận đấu chuyên nghiệp, chỉ một tích tắc cũng làm nên kết quả thắng thua, chính vì vậy độ trễ của thao tác là một điều không được phép xảy ra. Thêm vào đó, các tuyển thủ chuyên nghiệp đều có thao tác tay cực kỳ nhanh, và hầu như thiết bị không dây khó có thể đáp ứng được ngay lập tức các thao tác trong một cường độ xử lý cực kỳ cao như vậy.

Thao tác tay đáng kinh ngạc của Faker – LMHT

Mặc dù những năm gần đây, các nhà sản xuất gaming lớn liên tục cải tiến và cho ra đời các thiết bị không dây có độ trễ thấp (latency), độ phản hồi cao (responsive), độ nhạy cao (DPI) nhưng những nỗ lực đó vẫn chưa đủ ổn định và đảm bảo để trở thành lựa chọn đáng tin cậy cho game thủ chuyên nghiệp.

Một bất cập khác của thiết bị không dây là thời lượng sử dụng. Khác với thiết bị có dây lấy nguồn điện trực tiếp và liên tục từ nguồn cấp, thiết bị không dây thường được sạc sẵn hoặc duy trì bằng pin, và điều này thật khó để đảm bảo thời lượng sử dụng sẽ được ổn định hay kéo dài cho đến khi trận đấu kết thúc.

Một trận Dota 2 với sự góp mặt của Techies “phù thuỷ thời gian”

Đối với những tựa game có thời lượng trận đấu kéo dài và khó để đoán được thời gian như Dota 2 (với sự góp mặt của Techies hay Tinker), nhiều tiếng đồng hồ là một điều chắc chắn xảy ra. Và trên thực tế, không hề có một điều khoản nào cho phép tuyển thủ dừng trận đấu để… thay pin hay cắm sạc gaming gear, chính vì thế thiết bị không dây sẽ khó có chỗ chen chân trong các trận đấu chuyên nghiệp.

Chính vì thế, sử dụng thiết bị có dây để đảm bảo về thời lượng sử dụng cũng như độ trễ được hạn chế đến mức gần như không có vẫn là một lựa chọn tối ưu nhất dành cho các tuyển thủ dù ở bất cứ tựa game nào. Và dù có hơi mất thời gian để lắp ráp và tháo gỡ trước và sau mỗi trận đấu, việc đảm bảo phong độ và thao tác để tiến đến thành công vẫn được ưu tiên hơn là chạy theo công nghệ với những bất cập điển hình trong nghề.