TIN LIÊN QUAN
Tác giả chính của nghiên cứu, Kelton Minor – Tiến sĩ Khoa học Dữ liệu Hành vi và Xã hội tại Đại học Copenhagen cho biết hiện tượng này sẽ ảnh hưởng nhiều hơn với những người lớn tuổi.
“Theo uớc tính, tỉ lệ mất ngủ ở người cao tuổi cao hơn gấp đôi so với giới trẻ hoặc người ở tuổi trung niên. Lượng người thu nhập thấp bị ảnh hưởng gấp ba lần so với nhóm thu nhập cao và phụ nữ thì bị ảnh hưởng nhiều hơn so với nam”, ông Minor nói.
Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng cho thấy những người trong độ tuổi từ 60 – 70 là đối tượng nhạy cảm nhất với sự thay đổi nhiệt độ. Kết quả được đưa ra từ một thí nghiệm toàn cầu, bao gồm 47.600 người đến từ 68 quốc gia tham gia. Tất cả người tham gia đã đeo một vòng tay để ghi lại thói quen ngủ trong thời gian từ tháng 9/2015 – tháng 10/2017.
Trong vòng hai năm, nhóm thu thập được 7,4 triệu bản ghi. Sau đó, họ so sánh số liệu với dữ liệu thời tiết tại địa phương nơi người tham gia sinh sống để xác nhận độ tương quan giữa nhiệt độ và chất lượng giấc ngủ.
“Trong những ngày thời tiết ấm lên đột ngột, thời gian ngủ trung bình sẽ giảm xuống”, Tiến sĩ Minor tiết lộ.
Cụ thể, từ mức 30 độ C trở lên, cứ tăng 1 độ C thì người tham gia nghiên cứu sẽ ngủ ít đi 14 phút. Nhiệt độ càng lớn, con người càng ngủ ít đi. Có những người còn ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi ngày, họ cũng có xu hướng thức muộn và dậy sớm hơn. Mặc dù vậy, nhóm nghiên cứu phát hiện cơ thể con người không thể tự điều chỉnh để thích nghi với thời gian ngủ ngắn đi hay ngủ bù trong ngày tiếp theo.
“Sẽ chẳng có phương án nào khác có thể thay thế được giấc ngủ. Con người cần ngủ như cần oxy, thức ăn hay nước uống. Chúng ta có thể đối phó tạm thời (với nắng nóng) bằng điều hòa, nhưng với những nơi thu nhập thấp, mọi thứ vẫn rất khó khăn”, Kelton Minor chia sẻ.