Có một điều mà tôi không thích mỗi khi chơi các game phát hành từ phương Tây, đó là thường xuyên gặp tình trạng các nhân vật có khuôn mặt rất “kì dị” vì làm theo kiểu tả thực. Cái này thì có thể tạm chấp nhận nếu game đó lấy bối cảnh phương Tây, nhưng khi mấy ông “Tây lông” làm trò chơi nào đó về châu Á thì nó khá là khủng khiếp. Hay chính xác là phá nát cả mặt mũi lẫn kí ức tuổi thơ luôn.
Mấy ngày trước tôi có coi một cái trailer về tựa game độc quyền sắp tới trên PlayStation 4 có tên là The Crown of Wu, nhân vật chính trong đó hình như là Tôn Ngộ Không và đây là game hành động góc nhìn thứ 3. Mọi chuyện đều hoàn toàn bình thường cho tới khi bạn nhìn thấy cái mặt của Tôn Ngộ Không, vì nó xấu một cách đê tiện và nói thẳng ra là nhìn giống một con tinh tinh bị động kinh hơn là Mỹ Hầu Vương (Vua Khỉ Đẹp Trai) mà chúng ta vẫn thường nghĩ.
Tất nhiên ở đây tôi không bàn tới các vấn đề khác về lối chơi hay hình ảnh, mà chỉ muốn nói về phần tạo hình nhân vật thôi. Chúng ta thường nghe câu meme “bọn phương Tây thì biết gì về Châu Á mà làm game”, cái này thì hầu như khá là chính xác nếu xét theo khía cạnh tạo hình, vì hầu hết những game do các studio ngoài Châu Á làm thì bất kể có bỏ tiền nhiều tới đâu, phần tạo hình nhân vật vẫn dễ trở thành thảm họa kinh dị.
" alt=""
Tôi có thể lấy dẫn chứng luôn cái game đang nổi nhất hiện nay là Ghost of Tsushima, không phủ nhận là cái game này có hình ảnh đẹp thật nhưng thiết kế nhân vật của nó là thể hiện rõ mắt thẩm mỹ của mấy anh Tây về người châu Á. Nguyên cả game chúng ta không hề thấy bất kì em gái đẹp nào, mà chỉ toàn mấy bà cô già nhìn phát sợ, kiểu như Yuna đúng kiểu phải U50 trở lên hoặc đỉnh cao nhất là Taka. Trong cốt truyện Ghost of Tsushima thì Taka là cậu em trai nhỏ của Yuna nhưng nếu chỉ vào bản mặt, thì bạn có thể nói khứa này đã ngoài 30 tuổi cũng được khi râu ria xồm xoàm nhìn phát khiếp.
Nhưng nếu để giọng lồng tiếng Nhật thì bạn sẽ bắt ngờ vì Taka nói chuyện rất nhỏ nhẹ, hoàn toàn khác hẳn bộ mặt nhìn như Lý Quỳ đó. Nếu so sánh Ghost of Tsushima với mấy game về đề tài samurai khác nhưng do dân Châu Á chính thống làm như Nioh hay Sekiro, thì sự khác biệt ở đây giống như thiên đàng với địa ngục vậy. Các nhà phát hành phương Tây rất khoái kiểu tả thực, cộng thêm khác biệt văn hóa nên bố cục khuôn mặt của nhân vật làm ra thường là rất cục súc.
Trường hợp các anh trai “Tây lông” phá nát hình tượng châu Á trong game lẫn phim là không hề thiếu, điển hình như cái thảm họa điện ảnh Dragonball Evolution hoặc TV series The New Legends of Monkey (Netflix) với các nhân vật chính là khỉ theo đúng nghĩa đen, đầu tóc cùng trang phục luộm thuộm giống như phường thảo khấu vừa từ trên núi xuống. Một điều nữa là chẳng biết có phải vì “nữ quyền” hay không mà rất nhiều nhân vật thường xuyên bị chuyển giới, trong đó Đường Tam Tạng là “em gái” được lựa chọn nhiều nhất.
Chỉ trừ một trường hợp ngoại lệ duy nhất là Trư Bát Giới luôn giữ hình tượng béo phị đúng nghĩa một con heo, nhưng trong tư duy của các người bạn ở xa thì nhân vật chính có dính tới khỉ hoặc thần thì phải trâu chó đúng theo nghĩa đen, bất kể là người châu Á nhìn vào muốn đui cả mắt. Thường thì hình tượng ở đây luôn là lông mày rậm, vai to, ngực đầy lông và chắc chắn phải có thêm hình xăm vào mới đủ bộ. Có lẽ duy nhất Đường Tam Tạng là chính xác khi chuyển giới thành nữ, vì ít nhất là bảo vệ một em gái với “tâm hồn” to đẹp nó cũng có tí thành tựu gọi là, tốt hơn viễn cảnh hầu hạ một thanh niên trọc đầu ăn hại chỉ chăm chăm bóp đồng đội.
Lấy ví dụ như Enslaved: Odyssey to the West do Ninja Theory phát triển cũng vậy, nó thậm chí còn đơn giản hơn khi gọi Tôn Ngộ Không bằng cái tên rất ngắn gọn là “Khỉ” còn Đường Tăng tiếp tục được chuyển giới (nhưng lần này thì tôi ủng hộ vì “tâm hồn” của em nó to lắm). Không phải ngẫu nhiên mà về sau cái DmC: Devil May Cry của bọn họ bị chửi như đúng rồi, vì “Khỉ” trong Enslaved: Odyssey to the West thực sự là thứ đục khoét tuổi thơ về hình tượng kinh điển trong lòng dân châu Á.
“Khỉ” đúng nghĩa là một tên cao to, trắng và có thể hôi vì trông gã khá là bụi bặm với bề ngoài cơ bắp cuồn cuộn, cởi trần trùng trục xăm mình mặc quần dài như mấy anh đô vật Mỹ sắp sửa bước lên sàn đấu. Một điều nữa nữa là anh ấy thích dùng tay không hơn là dùng gậy, nói chung là đúng chuẩn tư duy các bố phương Tây đó là đàn ông phải cơ bắp và lông lá đầy mình trông nó mới nam tính. Xét về khoản lông lá thì anh ấy cũng có vẻ giống khỉ lắm rồi đấy.
Còn một điều hay ho khác là các anh Tây cũng rất thích ngắm cảnh nude hoặc “mát mẻ”, nhưng chẳng hiểu văn hóa khác biệt kiểu gì mà nếu như châu Á chú trọng tới “tâm hồn” thì phương Tây lại thích thú với… mông nhiều hơn. Tôi thề là số lần mình nhìn mông của đám nhân vật trong game do các studio phương Tây làm ra phải nhiều gấp 10 lần bình thường, bất kể giới tính bất kể địa điểm và bất kể thời gian, tôi đã từng kể mình bị một thằng cha thợ rèn trong Assassin’s Creed Odyssey với bờ mông khêu gợi đòi thông rồi chứ nhỉ?
Các góc quay của game châu Á thường sẽ hướng lên phần trên làm chủ đạo, còn phương Tây thì ngược lại rất thích nhòm xuống phần dưới. Thật sự là không còn gì có thể tra tấn hơn, khi hành trình của bạn cứ suốt ngày gắn với… mông của một anh đực rựa lông lá xồm xoàm cơ bắp cuồn cuộn. Bạn không tin ư vậy thì hãy thử chơi Ghost of Tsushima và tận hưởng khu vui chơi giải trí phía sau đầy nõn nà của Jin Sakai với các trường đoạn bước xuống tắm suối nước nóng.
Bằng một cách chống lại loài người nào đó mà bè lũ phương Tây nhất quyết để game thủ phải coi mông nhân vật nam trong game cho bằng được. Bọn họ đã hành hạ thị giác của nhân loại phía Đông bằng việc đổi khuôn mặt và có lẽ cho rằng thế vẫn chưa đủ mà quyết tâm phải chọc cho người xem mù mắt luôn với tiết mục này. Cho nên là không cần biết tựa game đó có hay tới đâu, nhưng cứ bối cảnh châu Á mà giao vào tay cho các anh Tây thì thôi chứ chuẩn bị tư tưởng bị mù mắt đi là vừa.