Kim Dung là một tác giả vô cùng quen thuộc với khán giả Việt Nam, nhắc đến tiểu thuyết kiếm hiệp, không ai không nhớ tới Kim Dung. Bằng vào tài văn chương của mình, Kim Dung đã xây dựng nên hẳn một thế giới riêng - thế giới võ hiệp Kim Dung. Nơi ấy có những bậc anh hùng trượng nghĩa võ công cái thế, có tình bằng hữu, có trách nhiệm với quốc gia đất nước. Sẽ không ngoa khi nói rằng, nếu như không đọc tiểu thuyết của Kim Dung thì thanh xuân dường như thiếu vắng gì đó.
Và nhà văn có sức ảnh hưởng đến cả thế hệ ấy đã ra đi mãi mãi, chỉ để lại một kho tàng văn học lớn và sự tiếc thương vô hạn của người hâm mộ. Nhìn lại những tác phẩm của ông, người ta không chỉ nhìn thấy những câu chuyện về các bậc anh hùng, mà còn lẩn khuất đâu đó câu chuyện về cuộc đời ông. Thân thế Kim Dung, tên thật là Tra Lương Dung, sinh ngày 10 tháng 3 năm 1924 tại thành phố Hải Ninh tỉnh Triết Giang. Khi nói về nhà họ Tra ở Hải Ninh, người ta thường hình dung như sau “Một nhà bảy tiến sĩ, chú cháu đều Hàn Lâm”, có thể nói đây là một gia tộc khoa bảng danh giá. Thời trẻ ông đã từng nhiều lần bị đuổi học do không đồng ý với tư tưởng chính trị và lối dạy dỗ sai lầm của giáo viên trong trường. Có thể thấy Tra Lương Dung là một ‘thiếu hiệp’ đầy chính nghĩa, không chấp nhận được cái sai. Hình tượng nhân vật Dương Qúa ngông cuồng trong Thần Điêu Đại Hiệp chính là một phần bóng hình của Tra Lương Dung.
Từ Tra Lương Dung đến Kim Dung Có thể nói Kim Dung đến với tiểu thuyết khá tình cờ, có lẽ là do số trời định trước. Năm 1952, Tra Lương Dung vào làm trong một tờ báo ở Hong Kong. Vào năm 1953, chưởng môn Thái Cực Quyền và đại sư Bạch Hạc quyền tổ chức tỉ thí, nhân đó để tăng độ nóng, tổng biên tập của tờ báo này liền mở riêng một chuyên mục tiểu thuyết kiếm hiệp dài kì, đồng thời giao cho Trần Văn Thống (bút danh Lương Vũ Sinh) chắp bút. Đến năm 1955, khi bộ tiểu thuyết do Lương Vũ Sinh viết kết thúc, chưa có gì đảm bảo cho sự ra đời của một tác phẩm mới, tổng biên tập đã quyết định giao lại chuyên mục này cho Tra Lương Dung. Và từ đó, “Thư Kiếm Ân Cừu Lục” cùng bút danh Kim Dung ra đời. Tiểu thuyết phản ánh cuộc đời Có lẽ một cái riêng của Kim Dung đó là, ông đã lồng ghép xen kẽ vào trong tiểu thuyết đâu đó những câu chuyện, những mắt xích quan trọng trong cuộc đời mình.
- Quyết bảo vệ chính nghĩa, suýt bị ám sát
Trong bối cảnh tình hình xã hội phức tạp vào những năm 60 của thế kỉ trước, Kim Dung vẫn luôn kiên trì giơ cao ngọn cờ chính nghĩa, chính vì thế ông bị phe Cánh Tả coi như cái gai trong mắt, thậm chí còn nằm trong danh sách 3 người hàng đầu cần ám sát của chúng. Cảm nhận được nguy hiểm, ông buộc lòng phải tránh sáng nước Anh một thời gian.
Chính trong hoàn cảnh này, ở đất Anh cách xa vạn dặm, Kim Dung đã chắp bút viết nên tác phẩm nổi tiếng “Tiếu Ngạo Giang Hồ”. Phép ẩn dụ về sự tranh đấu quyền lực khiến cho Tiếu Ngạo Giang Hồ trở thành một tác phẩm ngụ ngôn chính trị có một không hai. Tình bạn với Khúc Tả sứ của Nhật Nguyệt Thần giáo lại chính là nguyên nhân khiến người trong võ lâm ngăn cản lễ rửa tay gác kiếm của Lưu Chính Phong. Cuối cùng ông phải tự đoạn kinh mạch mà chết, chỉ vì cái tư tưởng “chính tà đối lập” tự cho là đúng của Ngũ Nhạc Kiếm Phái. Hay như Nhậm Ngã Hành, vì quyền lực mà trở nên thối nát, Đông Phương Bất Bại vì muốn soán quyền mà vong mạng.
- Nỗi đau tang cha
Có thể nói Kim Dung là một người kiêu ngạo, trong văn học, trong nghề báo ông vô cùng mạnh mẽ, nhưng cũng có những khi vô cùng yếu đuối. Năm 1951, Kim Dung rời Đại Lục đến Hong Kong, nhưng cũng vào năm đó, cha ruột của ông qua đời ở quê nhà Hải Ninh. Lúc tin tức được truyền đến Hong Kong, Kim Dung đã khóc liền ba ngày ba đêm. Thời niên thiếu mất mẹ, bây giờ lại tang cha, ông đau thương tới hơn nửa năm mới nguôi ngoai. Ông và cha mình xa cách hai nơi, cha ông hàm oan mà chết, thậm chí còn không thể gặp mặt cha mình lần cuối. Năm 1993, Kim Dung từng viết một tiểu thuyết có tên “Nguyệt Vân”, tiểu thuyết này tựa như một tự truyện của chính ông. Trong tác phẩm có một đoạn như sau:
Nghi Quan là nhũ danh mà ông nội đặt cho Kim Dung.
Mà trước đó, tình cảm này của ông từng được thể hiện qua các tiểu thuyết võ hiệp. Trong “Ỷ Thiên Đồ Long Ký”, Tạ Tốn không có chốn đặt chân trên giang hồ, vì ông Trương Vô Kỵ đã vượt biển đưa ông từ đảo Băng Hỏa về đến Trung Nguyên; vì ông Trương Vô Kỵ bỏ dở đám cưới với Chu Chỉ Nhược; vì ông Trương Vô Kỵ đến Thiếu Lâm Tự quyết đấu với ba vị thần tăng, rửa sạch mọi oan khuất cho nghĩa phụ. Kim Dung vừa kính yêu vừa áy náy với người cha của mình, nhưng ông chỉ có thể ký gửi tình cảm ấy vào trong tác phẩm mà thôi. Tình cảm ấy cũng được thể hiện qua những tác phẩm khác của ông: Quách Tĩnh không có cha. Dương Qúa không có cha. Lệnh Hồ Xung không có cha. Kiều Phong không có cha. Hư Trúc không có cha… Thạch Phá Thiên không biết thân thế của mình, bị gọi là ‘Cẩu Tạp Chủng’. Không ít người cười bảo tiểu thuyết của Kim Dung là series “Cha ơi đi đâu mất rồi”, nhưng không biết đằng sau ẩn chứa bao thương đau! Trong ‘Lộc Đỉnh Ký’, sau khi Trần Cận Nam chết đi, kẻ xưa nay vẫn luôn cợt nhả vô tư như Vi Tiểu Bảo cũng phải gào khóc. Từ khi sinh ra Vi Tiểu Bảo đã không có cha nên liền coi sư phụ Trần Cận Nam như chính cha ruột của mình. Mà lúc này, “Vi Tiểu Bảo mới nhận ra: Bản thân mình là một đứa trẻ không cha.”
- Đau đớn mất con
Nhưng không ai thập toàn thập mỹ, hạnh phúc suốt đời cả, ông trời cho ông sự huy hoàng vinh quang nhưng đồng thời cũng cướp đi những người thân bên cạnh ông. Nỗi đau mất cha thời trẻ đã giáng một cú đả kích năng nề cho Kim Dung, nhưng ai ngờ về sau ông lại bị trọng thương thêm một lần nữa, mà có lẽ lần này càng đau khổ hơn. Thời trẻ, từng có một thầy tướng số phán rằng trong mệnh của Kim Dung chỉ có một con trai. Sau đó Kim Dung kết hôn, sinh ra hai con trai Tra Truyền Hiệp, Tra Truyền Thích và hai con gái Tra Truyền Thi,Tra Truyền Nột. Hơn nữa còn viên mãn hơn khi con trai trưởng Tra Truyền Hiệp của Kim Dung được coi là thần đồng văn học, thừa kế được tài năng của cha. Kim Dung tưởng rằng, thầy tướng số đã bói sai. Nhưng đến năm 1976, khi đang đi du học ở Mỹ, Tra Truyền Hiệp đã từng nhiều lần gọi điện về cho cha. Tuy nhiên lúc ấy Kim Dung thật sự quá bận rộn nên không nói chuyện với con trai được. Không lâu sau liền truyền đến tin tức Tra Truyền Hiệp tự sát ở Mỹ, khi ấy anh mới được 19 tuổi. Tin dữ truyền đến như sét đánh ngang tai, khiến cho Kim Dung bi thương tuyệt vọng. Trong phần hậu ký của Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Kim Dung đã từng viết:
- Người vợ thứ hai và hình tượng Triệu Mẫn
Kim Dung đã từng trải qua ba đời vợ. Có lẽ khắc cốt ghi tâm nhất là người vợ đã cùng ông vượt qua mọi cay đắng, cùng chi ngọt sẻ bùi - Chu Mân, bà cũng là người vợ thứ hai của ông. Không những xinh đẹp Chu Mân còn thông minh giỏi giang, có trình độ văn hóa cao. Lúc sáng lập nên Minh Báo, Kim Dung dành hết thời gian công sức cho công việc, mà Chu Mân ngoài phải chăm sóc cho con cái ngày nào cũng phải đưa cơm đến cho ông. Sau này bà còn đảm nhiệm vai trò chủ biên của Minh Báo, nghe đồn cái tên “Minh Báo” này cũng là bà đặt. Có lẽ Chu Mân chính là nguyên gốc của nhân vật Triệu Mẫn. Vì trong “Ỷ Thiên Đồ Long Ký” cũ, Triệu Mẫn vốn tên là Triệu Minh. Minh Báo – Triệu Minh – Minh Giáo chính là quan hệ giữa Kim Dung và Chu Mân, giữa Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn. Tên tiếng Anh của Chu Mân là Rose, mà dưới ngòi bút của Kim Dung, Triệu Mẫn là nhân vật nữ chính duy nhất được miêu tả với vẻ đẹp rực rỡ như hoa hồng. Chu Mân là một người phụ nữ mạnh mẽ, sau khi biết Kim Dung đã chót phải lòng một người phụ nữ khác, bà đã dứt khoát ly hôn với ông và từ đó cho đến cuối đời dù phải sống trong cảnh cô đơn khó nhọc bà cũng quyết không gặp lại ông nữa. Phải chăng hình tượng nhân vật Triệu Mẫn với tính cách cương liệt chính là bản sao của bà?
Có thể nói Kim Dung đã giành cả cuộc đời mình để viết, để sáng tạo. Ông không viết ra câu chuyện vô hồn sáo rỗng mà còn gửi gắm nhiều tình cảm của mình vào trong đó. Kim Dung đã sống một cuộc đời có ý nghĩa, để lại nhiều giá trị cho nền văn học, cho những ai hâm mộ tiểu thuyết võ hiệp của ông. Chính vì thế nên khi thân tàn về tro bụi, có gì phải hối tiếc đâu. Tựa như những gì ông viết trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký: Sống có gì vui, chết có gì buồn. Hỷ lạc bi sầu, về với cát bụi.