Sau khi buộc phải hoãn lịch phát hành hàng loạt các tựa game mới xuống cuối năm sau do sự ra mắt đáng thất vọng của Ghost Recon Breakpoint và The Division 2, Ubisoft cũng đang rất đau đầu trong việc giải quyết vấn nạn hack/cheat. Mới đây, nhà phát hành đã đâm đơn kiện MizuSoft - một tổ chức đã thu về cả ngàn đô la mỗi tháng bằng việc phát triển và bán tool hack cho game thủ Rainbow Six Siege.
Xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn gần đây của đài BBC, hacker 17 tuổi người Hà Lan có tên J.V.L., được biết chính là một trong những người phát triển tool hack và đồng sở hữu MizuSoft, đã không ngần ngại nói rằng nếu Ubisoft biết chuyện này, họ chắc chắn sẽ gặp phải nhiều rắc rối. Mặc dù anh ta che mặt và đổi tên thành “Lucas” trong cuộc phỏng vấn, Ubisoft bằng cách nào đó vẫn tìm ra danh tính anh ta và quyết định khởi kiện để đòi bồi thường thiệt hại. Tool hack có tên “Budget Edition Rainbow Six: Siege Cheat” cung cấp cho người chơi một loạt các tùy chọn đặc biệt như tăng cường sát thương, mở rộng tầm nhìn, tiết lộ vị trí kẻ thù,... để có lợi thế áp đảo trong trận đấu. Mức phí mà MizuSoft đưa ra cho những chương trình này không hề rẻ: 13 đô mỗi ngày, 33 đôi mỗi tuần hoặc 77 đô mỗi tháng. Tuy nhiên, bất chấp mức giá vô lý đó, có hàng ngàn người chơi R6S đã tải xuống và sử dụng phần mềm gian lận này, mang về cho MizuSoft cả trăm ngàn đô la lợi nhuận.
Trong đơn kiện được đệ trình vào ngày 23/10 tại California, Ubisoft cáo buộc MizuSoft đang “buôn bán các phần mềm trái pháp luật, ảnh hưởng đến các mối quan hệ hợp đồng và cạnh tranh không lành mạnh” đồng thời khẳng định “bị cáo hoàn toàn nhận thức được những gì họ đang làm là trái pháp luật khi sẵn sàng khoe khoang với truyền thông phần mềm gian lận của họ đã tiếp tay cho người chơi hủy hoại R6S như thế nào.” Không chỉ Rainbow Six: Siege, J.V.L. và MizuSoft còn có ý định phát triển tool hack cho nhiều tựa game khác nữa: “Miễn các game thủ có nhu cầu và nhà sản xuất trò chơi không biết được điều này, công việc kinh doanh của chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục phát triển.”
Ngoài J.V.L., vô số cái tên khác cũng được đề cập trong vụ kiện, những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào việc phát triển và bán tool hack, mặc dù hầu hết trong số đó chỉ là biệt danh hoặc nickname Discord. Ubisoft đang nỗ lực hết mình để giải quyết vấn nạn hack/cheat và đòi tiền bồi thường cho những thiệt hại mà họ phải nhận. Và đúng như lời dự đoán của J.V.L., một khi bị Ubisoft túm gáy, MizuSoft sẽ gặp phải nhiều rắc rối. Hiện tại, website chính thức của công ty này đã bị gỡ bỏ toàn bộ nội dung và chỉ hiển thị dòng thông báo: “MizuSoft sẽ ngừng hoạt động kể từ ngày 24/10/2019.”