Từ cuộc chiến chống quân Mông Cổ xâm lược trong Ghost of Tsushima, đôi khi nhìn lại game thủ Việt chỉ thầm ước sẽ có một trò chơi tương tự để thể hiện tinh thần chống ngoại xâm và bản sắc thiện lương của người dân Việt Nam. Thực tế cho thấy trước khi Ghost of Tsushima ra mắt đã có khá nhiều dự án thuần Việt với tham vọng đem cái hồn và nét đẹp của dân tộc Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân những dự án này đều không thành công như mong muốn. Hãy cùng Mọt Lang Thang điểm qua những yếu tố thú vị khiến cộng đồng vẫn luôn trông chờ một bom tấn AAA thuần Việt xuất hiện nhé.
Sử Việt đầy rẫy chiến tích kháng ngoại xâm
Cần biết rằng trong giai đoạn lịch sử này đế quốc Mông Cổ đã thâu tóm hoàn toàn Trung Hoa cũng như một phần Châu Âu, sức mạnh quân sự và những công nghệ chiến tranh của họ là hoàn toàn vượt trội hơn hẳn so với người Nhật. Ấy vậy mà chỉ bằng tinh thần dân tộc quật cường, những samurai Nhật Bản không những không đầu hàng mà còn 2 lần chặn đứng hoàn toàn hạm đội của người Mông Cổ trước khi cơn bão lịch sử nhấn chìm toàn bộ quân xâm lược. Về cơ bản lối đánh của những samurai Nhật sở hữu nhiều nét tương đồng với người Việt ta, nhất là khi quân Mông Cổ từng 3 lần xâm lược Đại Việt và cả 3 lần đều phải ôm lấy thất bại to lớn rồi ôm hận lui binh về nước trong tủi nhục.
Đặc biệt không chỉ với 3 lần đánh quân Mông Cổ xâm lược dưới đời nhà Trần, lịch sử Việt Nam còn ghi dấu ấn với vô số chiến tích anh dũng chống ngoại xâm của cha ông suốt 1000 năm qua như 2 lần kháng chiến chống quân Tống xâm lược đời nhà Lê (981-986), đời nhà Trần (1075-1077), khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi quân Minh xâm lược (1418-1427) hay Quang Trung đại phá quân Thanh (1789). Tất cả những giai đoạn lịch sử này đều là tư liệu quan trọng, hứa hẹn sẽ vô cùng hoành tráng nếu được khai thác đúng cách như Ghost of Tsushima.
Văn hóa Việt không thiếu gia vị để làm game
Nếu để ý kỹ game thủ sẽ dễ dàng nhận ra trong Ghost of Tsushima, nhà phát triển đã khôn khéo biến tấu một số điển tích dân gian Nhật Bản như Tengu bảo hộ, oán linh gào khóc, truyền thuyết chiến giáp Gosaku… thành những nhiệm vụ truyền kỳ để mở khóa các bí kỹ kiếm pháp hoặc vật phẩm vô cùng lợi hại trong game. Cũng tương tự như vậy kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam ta không thiếu những giai thoại và những vật phẩm được xếp vào hàng “huyền thoại” như nỏ thần An Dương Vương, gươm thần Lê Lợi, ngựa sắt Thánh Gióng… Hoặc nếu đi theo hướng truyền thuyết dân gian thì Chằn Tinh, voi chín ngà, gà chín cựa… đều đầy tiềm năng hứa hẹn sẽ trở thành những boss khủng giống Nioh, Sekiro…
Ngoài ra kho tàng văn học Việt Nam không đơn giản chỉ là gia vị để chế biến nên những cực phẩm về tinh thần yêu nước như Ghost of Tsushima. Văn hóa dân gian đa dạng còn là nguồn cảm hứng vô tận để làm nên những tựa game kinh dị thuần Việt, một điều mà Trung Hoa, Đài Loan đã từng làm với Paper Doll, Devotion… hay thậm chí là Thái Lan với Home Sweethome. Không nói đâu xa chỉ nội câu hát ca dao Bắc Kim Thang thôi cũng đã đủ để làm game thủ rợn tóc gáy mỗi khi qua cầu rồi, ngoài ra những truyền thuyết đô thị như con ma nhà họ Hứa hay những địa điểm tâm linh như chung cư 27, nghĩa trang Bình Hưng Hòa… đầy hứa hẹn sẽ khiến tim game thủ loạn nhịp nếu được đầu tư bài bản.
Tiềm năng và hạn chế khi làm game sử Việt
Có thể nói kho tàng văn học lịch sử Việt Nam hội tụ đầy đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để làm nên bất kỳ thể loại game nào (từ nhập vai, kinh dị đến FPS). Nói đi cũng phải nói lại, game lịch sử Việt Nam đã từng là đề tài nóng và được mổ xẻ khá nhiều với 7554, Thuận Thiên Kiếm… tạm không bàn đến lối chơi thì cốt truyện của game đã lột tả được phần nào những giai đoạn lịch sử hào hùng và tinh thần chống ngoại xâm anh dũng của cha ông ta. Tuy nhiên chặng đường để truyền tải cảm nhận đến tay game thủ của những tác phẩm này lại vô cùng gian truân, thậm chí đến thời điểm hiện tại gần như thị trường game Việt Nam không còn tựa game đúng nghĩa nêu cao tinh thần dân tộc như cách mà Ghost of Tsushima đem lại.
Có rất nhiều lý do chủ quan dẫn đến việc những tựa game lịch sử Việt Nam mất dần chỗ đứng nhưng một phần quan trọng vẫn là thiếu tư liệu mô tả lịch sử. Dễ thấy nhất là với những tác phẩm lịch sử Trung Hoa, tác giả vô cùng chú trọng và tỉ mỉ mô tả nhân diện những nhân vật lịch sử như Quan Công được mô tả thân cao 9 thước, mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày ngài… nên nhà phát triển dễ dàng thiết kế và đem đến nhiều phiên bản Quan Vân Trường uy võ trong dòng game Dynasty Warriors hay Vương Giả Vinh Diệu. Còn với những tướng lĩnh lịch sử Việt Nam như Trần Quốc Toản, Lý Thường Kiệt… chúng ta chỉ được học xuất thân gia thế còn miêu tả chi tiết cũng như tướng lĩnh thời đó mặc giáp ra sao thì lại có rất ít tư liệu để mô phỏng làm game, phim. Cũng chính vì thiếu tư liệu lịch sử nên nhà phát triển khó lòng hình dung và thiết kế nên tạo hình sao cho phù hợp nhất với những nhân vật lịch sử, qua đó những dự án game lịch sử Việt Nam càng cần thời gian nghiên cứu và phát triển nhiều hơn so với việc đem những võ tướng Trung Hoa hoặc những samurai Nhật Bản đã quá quen thuộc lên game.
Lời kết
Thành công của Ghost of Tsushima không chỉ đem lại lòng tự hào cho người dân Nhật Bản mà qua đó còn khơi dậy tinh thần dân tộc và nhắc nhở game thủ về truyền thống chống ngoại xâm oai hùng. Nhưng đến bao giờ game thủ Việt Nam mới có thể vỗ ngực tự hào và khoe với bạn bè quốc tế rằng “dân tộc tao oai hùng ra sao, mày cứ chơi game này sẽ biết” như người Nhật hiện nay? Có lẽ thị trường game Việt cần nhiều cú vấp ngã như 7554 hoặc Thuận Thiên Kiếm và tấm lòng vị tha sẵn sàng nâng đỡ bảo bọc sản phẩm thuần Việt hơn so với hiện nay.