Nhìn lại những tựa game có màn ra mắt tệ hại mà chúng ta từng biết – P.1

Phàm đã làm game ai chẳng muốn được khách hàng đón nhận, đó không chỉ đơn thuần là danh tiếng mà là bài toán thu hồi chi phí sản xuất lẫn tạo ra lợi nhuận.

Được đón nhận cũng là khát khao chung của mọi NSX game thế nhưng như bất kỳ bộ phim hay cuốn sách nào khác, game cũng có một phong độ hết sức thất thường. Gal Gadot rất đẹp, Chris Pine diễn cũng hay nhưng sự phối hợp hai anh chị lại tạo ra một WW1984 khá nhàm chán bất chấp phần đầu tiên từng được khen ngợi nhiệt liệt (tất nhiên Gal Gadot vẫn đẹp trong mọi khung hình).

Nhìn lại những tựa game có màn ra mắt tệ hại mà chúng ta từng biết – P.1

Thế nên mới có chuyện trước khi trò chơi ra mắt, mọi nhận định cũng đều mang tính tương đối và như các fan bóng đá thường hay nói, quả bóng là tròn và hết 90 phút mới biết ai ăn ai thua. Đôi khi một trò chơi điện tử ra mắt không đúng như kế hoạch đã được dự tính tứ trước. Có những trò chơi đơn thuần bị ghét bỏ vì quá nhiều bug và glitch nhưng cũng có game lại bị đưa vào sổ đen vì hỗ trợ dịch vụ trực tuyến quá tệ hại.

Một trường hợp khác chính là bị phàn nàn bởi vì NSX đã hứa quá nhiều nhưng cũng thất hứa thật nhiều khiến người hâm mộ bị hụt hẵng sau thời gian phải chờ đợi quá lâu. Trong năm 2020 chúng ta có một trò chơi mắc phải nhiều vấn đề kể trên, dẫn đến việc nó bị chế giễu rất nhiều trên MXH hay thậm chí cả Sony lẫn lẫn Microsoft phải nhanh chóng hoàn tiền lại cho những ai không hài lòng về chất lượng sản phẩm.

Cyberpunk 2077 cập nhật bản vá lỗi hotfix 1.06 giúp lưu game bình thường
Cyberpunk 2077 cập nhật bản vá lỗi hotfix 1.06 giúp lưu game bình thường
Cyberpunk 2077 cập nhật bản vá Hotfix 1.06, khắc phục sự cố nghiêm trọng khi giới hạn dung lượng file lưu dữ liệu tuy nhiên nếu đã ‘dính’ phải glitch này thì hoàn toàn không thể nào cứu chữa được.

Bữa giờ cũng nói khá nhiều rồi nên cái tên đó không cần nhắc lại chắc ai cũng biết, chỉ là ngoài tựa của CD Projekt Red, bạn còn biết những cái tên nào có màn ra mắt tệ hại trong những năm gần đây không? Hãy cùng xem bảng thống kê bên dưới!

Anthem

Cũng như Cyberpunk 2077 và CD Projekt Red, BioWare đã nhận được những kỳ vọng rất lớn về sản phẩm của họ. Ban đầu tên gốc của trò chơi là Beyond, tức “bên ngoài”  – một cái tên đầy ý nghĩa bởi gameplay của nó đưa game thủ ra ngoài bốn bức tường của Fort Tarsis và khuyến khích họ khám phá thế giới xung quanh, giành giật không gian sinh tồn cho nhân loại.

Nhìn lại những tựa game có màn ra mắt tệ hại mà chúng ta từng biết – P.1

Tuy nhiên chỉ vài ngày trước khi được BioWare chính thức công bố vào tháng 6/2017, BioWare nhận được lệnh từ EA yêu cầu phải đổi tên vì đăng ký thương hiệu tên gọi phổ biến như Beyond quá tốn kém. Từ điềm không lành ngay lúc khởi đầu, về sau vận rủi và những sự phiền toái cứ không ngừng bám lấy nhóm thực hiện sản phẩm.

Trong suốt khoảng thời gian 6 năm kể từ khi trò chơi được tiết lộ vào năm 2012 với tên mã Project Dylan, BioWare chứng kiến rất nhiều biến cố khác nhau khiến quá trình phát triển Anthem trở thành một mớ bòng bong rối rắm và hỗn loạn. Thay vì những tinh túy được đúc kết từ các siêu phẩm trước đó như Jade Empire, Dragon Age hay Mass Effect thứ game thủ nhận được một game looter shooter hết sức nhàm chán.

“Looter shooter” có thể nghe xa lạ với các bạn, nhưng thật ra nó đã quá quen thuộc với chúng ta trong nhiều năm trở lại đây. Bạn bắn quái để nhặt súng ống, giáp trụ, tiền bạc… và dùng chúng để bắn những con quái mạnh hơn, nhặt những vật phẩm mới tốt hơn. Cứ thế lặp đi lặp lại. Thể loại này được Gearbox khơi mào với Borderlands 1 ra mắt năm 2009, sau đó được phát triển thành game online với những Warframe, Destiny và The Division.

BioWare không phát triển Anthem theo kiểu bế quan tỏa cảng hay đóng cửa để tự sướng vui một mình. Họ làm ra trò chơi này để cạnh tranh với những tựa game khác cùng thể loại đang tồn tại trên thị trường. Bản thân BioWare cũng biết điều này và từng nhiều lần nói rằng muốn tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ. Rõ ràng BioWare đã ‘nói được nhưng không làm được’ và nếu game thủ thích một trò chơi ra mắt từ 2013 như Warframe hơn thì đội phát triển của BioWare lẫn giới lãnh đạo của EA xứng đáng bị đem đi xử bắn.

Assassin’s Creed Unity

Nói dung dòng gmae sát luôn nhận được sự ưu ái khá lớn từ giới phê bình. Chúng ta có những cái tên nổi bật như Assassin’s Creed 2, Brotherhood và Black Flag được khen ngợi nhiều nhất trong toàn bộ series. Tất nhiên vẫn có những cái tên ít danh giá hơn nhưng vẫn được chấm điểm khá nương tay nhờ vào điểm cộng là cốt truyện, đồ họa hay sự chi tiết khi tái hiện hoàn hảo các địa danh trong lịch sử.

Nhìn lại những tựa game có màn ra mắt tệ hại mà chúng ta từng biết – P.1

Thật không may khi Assassin’s Creed Unity là đứa con lạc loài trong số các anh chị em nổi bật của đại gia đình. Về lối chơi và các thứ khác, game không đến nỗi tệ nhưng trong thời gian đầu khi mới vừa ra mắt, tình trạng xử lý đồ họa kém cỏi cùng hàng loạt bug khủng khiếp về hình ảnh khiến người ta cảm giác đây là một game kinh dị nhiều hơn là phiêu lưu hành động.

Để đính chính cho rõ, Unity không phải là một thất bại, nó thất bại vì tên đầy đủ là Assassin’s Creed: Unity. Đây là một tựa game đạt đủ tiêu chuẩn của một tựa game hay, chỉ là nó không đạt đủ tiêu chuẩn của dòng Assassin’s Creed mà thôi. Chỉ nhận được có 70 điểm đánh giá trên trang Metacritic, một mức điểm quá thấp cho một tựa game về hội Sát thủ nổi tiếng bậc nhất của thế giới game này. Với sự thành công của Assassin’s Creed Black Flag trước đó càng làm cho áp lực của Unity phải nhận là rất lớn.

Game bị đánh giá là câu chuyện không đủ chiều sâu, cơ chế ám sát chưa ổn lắm và thiếu đi tuyến nhân vật. Kèm theo đó là vài lỗi xảy ra trong quá trình chơi đã khiến một NSX nổi tiếng là mặt dày như Ubisoft cũng phải đứng ra xin lỗi về chất lượng sản phẩm tồi tệ để làm dịu đi sự phẫn nộ của người hâm mộ lúc bấy giờ? Dĩ nhiên Unity cũng luôn bị xếp ở phía sau trong bảng xếp hạng các tựa game Assassin’s Creed hay nhất

Sau nhiều năm trò chơi đã được hoàn thiện hơn về hình ảnh sau nhiều bản patch được tung ra tuy nhiên các video clip về đồ họa kinh dị thuở ban đầu của trò chơi vẫn tồn tại nhan nhản trên mạng để người xem mà thấy rùng mình.

Cyberpunk 2077

Cái tên bị phàn nàn nhiều nhất trong những ngày gần đây không gì khác ngoài Cyberpunk 2077. Sự tự tin (hay lươn lẹo) quá mức của NSX khiến trò chơi đang bị chế giễu dài hạn trên khắp các MXH bất chấp việc nó được đánh giá cao về cốt truyện và không tệ về lối chơi. Đầu tiên Cyberpunk 2077 nhận được phản hồi tích cực từ các bài đánh giá sớm, đó là cho tới khi người ta nhận ra có gì đó sai sai khi CD Projekt Red bắt thiên hạ phải đánh giá dựa trên bản dành cho PC.

Nhìn lại những tựa game có màn ra mắt tệ hại mà chúng ta từng biết – P.1

Nghi ngờ càng tăng cao khi các đoạn clip bị rò rỉ cho thấy chất lượng hình ảnh của game trên console (đặc biệt là các hệ máy đời trước như PS4 và Xbox One) còn lâu mới được như họ ra rả trong các bài book quảng cáo trước đó. Đến ngày ra mắt chính thức, cơn phẫn nộ của những game thủ không quá dư dả để đầu tư card màn hình xịn hay mua console nextgen đã gần như nhấn chìm NSX khi thứ họ nhận được tràn ngập trong bug, glitch bên cạnh đồ họa xấu thấy ớn và AI ngu ngục.

Cyberpunk 2077 đã vận hành quá kém cỏi trên các hệ máy PS4 và Xbox One đến nỗi CD Projekt Red phải đưa ra nhiều lời xin lỗi và đề nghị hoàn lại tiền. Thậm chí Sony đã gỡ trò chơi ra khỏi PlayStation Store, trong khi Microsoft nhanh tay thêm điều khoản miễn trách nhiệm vào trang chủ của trò chơi trên Xbox Live Marketplace. Đây là những động thái gần như chưa từng có, gây tổn hại không chỉ đến danh tiếng của trò chơi mà còn cả danh tiếng mà CD Projekt Red gầy dựng bấy lâu.

Trước khi Cyberpunk 2077 ra mắt, CD Projekt Red thường được định danh công ty thân thiện với người tiêu dùng hay NSX có tâm thông qua dòng game The Witcher nhưng giờ đây danh tiếng đó đã bị tổn hại nghiêm trọng. Để cứu vãn lại hình tượng, NSX cẫn đang cố gắng cho ra mắt các bản hot fix để chỉnh sửa những lỗi hết sức trời ơi đất hỡi như mất save nếu dung lượng quá 8Mb (?!!). Đó là quá trình lâu dài và phức tạp nhưng có lẽ CD Projekt Red sẽ làm được nếu họ thật sự có tâm.

Fallout 76

Trường hợp của Bethesda giống với CD Projekt Red khi nhận được sự tin tưởng và kỳ vọng của người hâm mộ sau những sản phẩm tuyệt vời. Trước đó Bethesda đã gầy dựng được uy tín lớn mạnh khi cung cấp rất nhiều trải nghiệm giải trí chất lượng cao và hầu hết các tựa game của hãng đều nhận được sự tán thưởng rộng rãi của giới phê bình. Câu chuyện tốt đẹp đó bắt đầu ngừng lại và trở nên tồi tệ từ cái ngày Fallout 76 chính thức phát hành.

Nhìn lại những tựa game có màn ra mắt tệ hại mà chúng ta từng biết – P.1

Game thủ sẽ được hứa hẹn về vinh quang, về sự huy hoàng của những người tái thiết nước Mỹ. Bạn biết điều này có nghĩa là gì – lang thang khắp Appalachia, thu thập đủ mọi thứ rác rưởi để xây dựng “mái ấm,” gom góp thuốc men, giáp trụ và súng ống để sống sót trong một môi trường đầy phóng xạ, quái vật và lũ robot sát nhân.

Cảm giác cứ như một webgame, nơi mà người chơi được nhận ra là người hùng cứu thế, được lão gia (hay tiên nữ) giao cho thần khí để lên đường đánh đuổi tà ma. Nhưng cũng như trong một webgame Trung Quốc, bạn bước ra khỏi “tân thủ thôn” và nhìn thấy khoảng… một chục người khác cũng là “người hùng cứu thế,” cũng có món thần khí được sản xuất hàng loạt trong tay, và họ kêu gào, cười nói, mắng mỏ nhau chẳng khác gì một cái chợ.

Các nhiệm vụ trong Fallout 76 luôn là những cuộc săn ma, trong một thành phố ma thỉnh thoảng được điểm xuyết bằng lũ robot vô hồn. Chuỗi nhiệm vụ tìm kiếm Overseer của Vault 76 đâm xuyên toàn bộ cốt truyện của trò chơi có lẽ là một điểm sáng hiếm hoi, nhưng nó bị bao phủ bằng những nhiệm vụ kiểu nấu nước, nhặt chai, tìm Holotape vặt vãnh.

Nói một cách công bằng, Appalachia của Fallout 76 có quang cảnh tuyệt đẹp, từ những khu rừng lá đỏ mùa thu, các ngôi nhà đầy hoa cỏ, những ngọn núi xanh rì xen lẫn giữa các thành phố điêu tàn, và nhiều vị trí mà Mọt nghĩ rằng hết sức lý tưởng để xây dựng. Tiếc thay, Fallout 76 không phải là một tựa game xứng đáng với thế giới tươi đẹp này, ít nhất là trong thời điểm vừa ra mắt.

Những tiềm năng mà trò chơi có được bị che phủ bởi vô số vấn đề còn tồn đọng với Fallout 76, với Bethesda. May mắn là Bethesda đã cố gắng cải thiện trò chơi, chẳng hạn bản patch được tung ra để unlock số khung hình trên PC mà không “hack speed.” Sau một thời gian dài cố gắng trò chơi đã trở nên khá khẩm hơn và xứng đáng với mức giá 60 USD, nhưng vào thời điểm mới vừa ra mắt ngườ ta sẽ hoài niệm với Fallout 4 hoặc New Vegas nhiều hơn.