Trong suốt hai thập kỷ qua, thể loại game thế giới mở luôn là ngọn lửa truyền cảm hứng không chỉ riêng cho các nhà phát triển mà còn cho cả game thủ. Hãy cùng Mọt điểm qua những tựa game đáng để chúng ta trải nghiệm nhé!
Phụ lục
Mount and Blade II: Bannerlord
Tương tự như những tựa game tiền nhiệm đi trước, Mount & Blade II: Bannerlord gần như không có một cốt truyện cụ thể. Trong thế giới này, người chơi là một chỉ huy vô danh với tham vọng thống lĩnh các lực lượng của riêng mình tại vùng đất Calradia.
Một trong những nét đặc trưng nhất của Bannerlord vẫn là sự tự do và thế giới mở tuyệt đối. Cụ thể hơn, cứ mỗi lần game thủ bắt đầu phần chơi mới, cả thế giới lẫn NPC đều được reset để đảm bảo luôn mang đến những trải nghiệm độc đáo và không trùng lặp.
Người chơi có thể chọn làm lính đánh thuê hoặc chư hầu cho các vương quốc trong game, đương nhiên mỗi một sự lựa chọn đều có những mặt lợi và hại riêng. Ví dụ như nếu làm lính đánh thuê, chúng ta chỉ làm mọi thứ vì tiền và chỉ riêng tiền mà thôi. Nhưng nếu làm chư hầu, chúng ta sẽ bị ràng buộc bởi các mối quan hệ đồng minh lẫn thù địch hay hệ thống điểm uy tín và danh vọng trong game.
Không những thế, hệ thống tính điểm danh tiếng của người chơi với các NPC cũng ảnh hưởng không nhỏ tới số lượng và chất lượng binh lính.
Bản đồ của tựa game này được chia thành nhiều vùng lãnh thổ khác nhau, nghe khá là quen thuộc nếu các bạn đã từng chơi qua series game Total War và game thủ phải tự tìm đồng minh để có thể chống lưng và giúp đỡ cho mình mở rộng thế lực.
Theo Mọt nghĩ, Mount&Blade II: Bannerlord thực sự là lựa chọn lý tưởng cho những ai yêu thích thể loại chiến thuật hành động thế giới mở. Cảm giác khi được tận mắt chứng kiến những trận chiến hoành tráng giữa các đội quân tinh nhuệ có thể nói rằng khá là dễ bị ‘nghiện’ và phải bỏ ra hàng chục thậm chí hàng trăm giờ để cày cuốc.
Sleeping Dogs
Sleeping Dogs không chỉ là một game giải trí đơn thuần mà còn sở hữu rất nhiều vấn đề xã hội khiến game thủ phải suy nghĩ rất nhiều. Nếu ai đã từng chơi qua tựa game này, chắc hẳn cũng khá ấn tượng với một Hong Kong rực rỡ với những ánh đèn neon, tuy xa hoa lộng lẫy nhưng ẩn chứa những mặt tối của xã hội.
Tất nhiên, đối với những game thủ phương Tây, đây chẳng khác gì một bản game Grand Theft Auto cả. Nhưng đối với những người đam mê thế giới mở như Mọt thì Sleeping Dogs có vẻ là một trong những tựa game rất khó để có thể bỏ qua.
Trong Sleeping Dogs, người chơi sẽ đóng vai một cảnh sát chìm trong một cuộc chiến sống còn của hai phe thiện và ác. Trong lúc thực hiện nhiệm vụ của mình, đôi khi chúng ta cũng phải ngỡ ngàng vì nhận ra rằng ranh giới giữa tốt và xấu quá là mỏng manh…
Mọt Tôi thích các câu thoại trong Sleeping Dogs, một số nông cạn, bộc trực nhưng mang đậm tình nghĩa giữa người và người, một số có vẻ khó hiểu nhưng ngẫm nghĩ kỹ lại thấy ẩn chứa cả một đạo lý to lớn về cách sống, cách đối nhân xử thế và cách để trở thành một con người đúng nghĩa.
Đoạn hội thoại khiến tôi ấn tượng nhất chính là vào thời điểm cuối game, khi viên thanh tra Pendrew – kẻ cuồng công lý, vì bảo vệ niềm tin của bản thân có thể bất chấp thủ đoạn, đối mặt cùng nhân vật chính Wei Shen.
Wei Shen: Vì sao ông hạ độc chú Po và bán đứng tôi cho bọn 18K?
Pendrew: Vì lợi ích lớn lao hơn và anh ngày càng giống một tay xã hội đen.
Wei Shen: Ít nhất tôi vẫn là một con người.
Horizon Zero Dawn
Theo Mọt nghĩ, Horizon Zero Dawn là một trong những tựa game thế giới mở đáng tiền nhất mà Mọt từng ‘hiến máu’. Về phần đồ họa thì tính ra vẫn chưa được tối ưu tốt nhất có thể nhưng tựa game này vẫn mang đến cho người chơi nhiều trải nghiệm mới mẻ và thú vị.
Horizon Zero Dawn lấy bối cảnh ở một tương lai khá xa của nhân loại, khi nền văn minh của loài người hoàn toàn bị hủy diệt và họ phải bắt đầu lại ở thời kỳ đồ đá. Nói đồ đá hơi quá, thật ra vẫn có công nghệ nhưng công nghệ khá là ‘cùi bắp’. Trên mặt đất có những cô máy ‘động vật’ nhiều hình dạng và chúng cũng có những hành động và phản ứng như những loài động vật tự nhiên.
Nhìn chung đây là một game thuộc thể loại tương đối ‘kỳ lạ’, vừa là lối chơi sinh tồn thế giới mở, vừa là lối chơi chiến đấu tự do và có vài nét tương đồng với dòng Far Cry hay dòng Assassin’s Creed. Đó cũng là lí do Mọt khuyên các bạn nên thử Horizon Zero Dawn dù chỉ một lần.
Far Cry 4
Ơ hay nhỉ, Mọt vừa mới nhắc về series Far Cry luôn. Cụ thể hơn, chúng ta sẽ tiếp tục đến với Far Cry 4 cùng với dãy núi Himalayas hùng vĩ. Nơi ẩn chứa những bí mật kinh hoàng cùng những con người bí ẩn nhưng không kém phần nguy hiểm.
Có thể nói đây là một trong những tựa game FPS thế giới mở thành công nhất từ trước đến nay. Ubisoft lại một lẫn nữa mang đến cho game thủ rất nhiều trải nghiệm ‘siêu vui’ và cực kỳ điên rồ.
FC4 sở hữu một thế giới mở cực kỳ rộng lớn, cho nên game thủ sẽ được sử dụng rất nhiều loại phương tiện hoặc ‘đồ nghề’ đặc biệt để có thể dễ dàng di chuyển. Khi chúng ta so sánh với những phần trước của series, thì FC4 dường như có một cái gì đó cuốn hút hơn và huyền bí hơn rất nhiều.
Không chỉ dừng lại ở đó, kho vũ khí của phần 4 cũng được cải thiện và nâng cấp rất nhiều. Phương tiện di chuyển cũng khá độc đáo, từ ô tô của người dân cho đến các loại xe cơ giới bọc thép, từ dù lượt cho đến máy bay mini. Nói trắng ra khi đến với FC4 người chơi sẽ không biết chán là gì, khi có rất nhiều nhiệm vụ phụ đa dạng để chúng ta tha hồ thực hiện mà quên luôn cả nhiệm vụ chính và tay trùm Pagan Min gì gì đấy.
Mad Max
Mad Max được xây dựng dựa trên các phiên bản điện ảnh nổi tiếng trước đó. Mad Max đưa chúng ta đến với một thế giới hậu tận thế giả tưởng, nơi trái đất bị hủy hoại bởi chính loài người chúng ta. Nhưng đó lại là một vẻ đẹp riêng của tựa game này.
Đến với MM, chúng ta sẽ cảm nhận được phần nào cảm giác lạc lối trong hoang mạc vô tận… Càng trải nghiệm, Mọt càng chìm đắm trong thế giới này vì nó thực quá. Sau đó Mọt lại tiếp tục tìm tòi những thứ gì còn sót lại của thế giới trước đây và tự hỏi lòng rằng liệu đây có phải là tương lai của loài người hay không? Chúng ta vô vọng rồi sao…?
Thế giới của Mad Max chất chứa nhiều điều khủng khiếp nhưng đem lại cảm giác cực kỳ lôi cuốn một cách lạ lùng. Đây thực sự là một tựa game thế giới mở rất đáng cho chúng ta trải nghiệm và thử thách bản thân. Ngoài ra các bạn còn được ‘cưỡi’ những con xe ‘siêu dị’ được trang bị đến tận răng, từ những lớp giáp kim loại để bảo vệ nhân vật của bạn khỏi hỏa lực của kẻ thù, đến những chông sắt được bao phủ khắp thân xe giúp cho việc tấn công và phòng thủ trở nên dễ dàng và quan trọng hơn hết là chúng ta có thể cảm thấy mình ‘cool ngầu’ hơn.
Fallout 4
Ấn tượng đầu tiên của Mọt khi lần đầu đến với Fallout 4 chính là sự bắt đầu bằng một cuộc sống yên bình thường nhật của nhân vật chính lẫn hàng xóm xung quanh.
Cho đến một ngày, còi báo động toàn quốc hú lên, báo hiệu cho thảm họa chiến tranh hạt nhân sắp xảy ra trên phạm vi toàn cầu và yêu cầu tất cả người dân đều phải di trú đến những Vault (hay còn gọi là Boong-ke) đã được tập đoàn Vault-Tec xây dựng trước đó.
Hơn hai trăm năm sau, độ phóng xạ trên toàn thế giới bắt đầu suy giảm và con người có thể bắt đầu sinh sống lại trên mặt đất. Nhưng mọi chuyện không hề đơn giản như vậy. Trong suốt khoảng thời gian đó, đã có rất nhiều sinh vật bị đột biến vì chất phóng xạ, khiến chúng trở nên khổng lồ và cực kỳ nguy hiểm. Đây cũng là lúc cuộc phiêu lưu của chúng ta chính thức được bắt đầu.
Thật sự mà nói thì Fallout không chỉ xây dựng thành công một thế giới hậu tận tế, mà còn khắc họa được một tương lai giả tưởng, mịt mờ của nhân loại. Điều này đã khiến cho Mọt tự hỏi rằng mình sẽ làm gì sau những sự kiện điên rồ đó? Hay con người sẽ ra sao nếu nền văn minh của chúng ta không thể hoặc khó có thể phục hồi?
Tận thế hay không thì chúng ta vẫn không thể chối bỏ được vẻ đẹp suy tàn của nhân loại hằn in trên những gì còn sót lại của những quán ăn, những tòa nhà chọc trời hay những chiếc xe có tuổi đời lên đến hơn 200 năm, v.. v…
Just Cause 4
Nhắc đến điên rồ, nếu các bạn cực kỳ đam mê với những thể loại như vậy thì Mọt không biết phải nói gì hơn ngoài việc ‘thuốc’ cho các bạn con game Just Cause 4.
Đến với Just Cause series nói chung hay JC4 nói riêng, các bạn sẽ được chứng kiến những thứ mà ngay cả khoa học cũng không thể lý giải được, từ những pha mạo hiểm đậm chất ‘cool ngầu’ như Hollywood đến những pha xử lý vô cùng… lố bịch như trong những bộ phim điện ảnh ‘tấu hài’ của Ấn Độ.
Chưa dừng lại ở đó, phần bốn còn ẩn chứa rất nhiều những điều thú vị khác mà không phải ai cũng biết, như một loại vũ khí có thể biến người thành bò, easter egg nói về công viên khủng long kỷ Jura, hay tòa nhà Take On Me của A-ha.