Quán net là một từ ngữ đã chẳng còn xa lạ với giới trẻ khi nó trở thành một phần quá đỗi quen thuộc của việc chơi game. Nó cũng là nơi xuất phát cho những màn đập nhau tùm lum và vui vẻ ngất trời của anh em bạn bè, hay nơi chứng kiến những câu chuyện dở khóc dở cười mỗi khi tay nào kém may mắn bị phụ huynh sờ gáy.. Nhưng các bạn trẻ ngày nay đã quá quen với những quá net cao cấp với phòng ốc hàng xịn, mà không biết có một ngày xưa nơi chữ "quán net" vẫn còn là thứ gì đó xa xỉ vô cùng. Như để "ôm nghèo kể khổ" và nhớ về một ngày xưa đó, bạn đọc hãy cùng KenhTinGame điểm ra những thay đổi từ quán net sưa cho đến tận ngày nay..
Cái tên Quả thật, sự thay đổi mạnh mẽ nhất vẫn là ở cái tên. Ngày xưa với những thế hệ 8X và đầu 9X, quán net là một cái tên gì đó vẫn còn quá xa lạ. Khi mà những quán game mới chỉ có mạng LAN thì game thủ thường dùng tên theo số lượng máy làm danh đặt. "Hôm nay ra quán 20 máy, ngày mai ra quán 40, hôm nay 20 hết máy, chạy sang 40 xem thế nào..." dường như là những câu nói văng vẳng về một thời đã xa. Mãi sau này khi Internet phát triển và được "mắc" rộng rãi thì lúc đó cái tên "quán net" mới sinh ra mặc dù vai trò chính của nó vẫn chằng hề thay đổi chút nào.. Vâng, đó là để chơi game.
Giá tiền Có một phần vị lạm phát hay do sự thay đổi của hạ tầng mà giá net ngày nay thay đổi ít nhiều so với xa xưa. Ngày xưa khi mà những Counter-Strike (hay bị gọi nhầm là Half-Life) hay Age of Empires II - Đế Chế mới bắt đầu xưng hùng thì chỉ cần 1 đến 2000 đồng là bạn có thể ngồi từ 30 đến 1 tiếng đồng hồ. Nay thì con số ấy đã gấp đôi và có thể hơn, với quan net bình dân cũng mất khoảng 4 đến 5000 đồng/giờ, trong khi những trung tâm cao cấp cũng phải vọt lên gấp đôi gấp ba số đó.. Nhưng nếu may mắn khi có những đợt khuyến mại thả ga, cái giá 2000 đồng/giờ của cách đây cả chục năm về trước đôi khi vẫn thấy xuất hiện lại.
Đầu game Vào thời ấy điểm mặt nhớ tên chắc chắn là phải có CS, Đế Chế, StarCraft, rồi sau này mới là WarCraft III hay Dota. Đôi khi cài bên cạnh những game phổ biến này còn là một vài cái tên offline như Max Payne, Battle Realms hay IGI. Nhưng nếu may mắn kiếm được một quán cấu hình ngon, bạn vẫn có thể lần ra các game off vào hàng nặng đô hơn được phát hành sau này một vài năm như GTA 3 hay GTA: Vice City. Tuy nhiên với hạ tầng Internet phát triển và việc du nhập game online mà điển hình là MU, đầu game của những quán net sau này đã thay đổi hoàn toàn. Vẫn còn nhớ cái thời mà MU bắt đầu hiện diện ở Việt Nam, việc lùng sục các "quán chat" có MU Hàn Quốc cũng trở thành một mục tiêu mới của đám học sinh hay cúp học đi chơi. Sau đó khi game online trở nên phát triển mạnh mẽ với hàng loạt phiên bản MU khác nhau tràn lan, thì người ta thấy xuất hiện và quen dần hơn với những cái tên như Võ Lâm Truyền Kỳ hay Gunbound được xếp vào hàng huyền thoại.
Cơ sở hạ tầng Tất nhiên rồi, sự phát triển của công nghệ cũng dẫn tới những quán net có cấu hình tốt hơn với hạ tầng phát triển hơn chứ không còn ọp ẹp và tối mù mù như trước. Không chỉ có cấu hình cao, những yếu tổ tưởng như phụ như bàn phím, chuột, tai nghe, ghế ngồi cũng được trang bị với mẫu mã nổi tiếng. Song song với đó phòng ốc cũng được đầu tư với nhiều khu vực khác nhau, đáp ứng nhu cầu chơi game từ casual, online cho đến offline yêu cầu cấu hình khủng..
Thanh toán tiền net Ngày xưa khi mà chưa có những phương pháp đo đếm với thanh toán thì những người chủ tiệm chỉ biết cậy nhờ vào sổ sách, trí nhớ và một tá mảnh giấy dán nho nhỏ phía mép màn hình. Chẳng may có tay nào ăn gian hay láu cá ghi lại hoặc đánh tráo thôi là y rằng sẽ có những pha bi hài xảy ra. Tuy nhiên nay đã khác với công cụ và phần mềm khác nhau mà sự quản lý giờ chơi hay thanh toán cũng trở nên chính xác hơn bao giờ hết.
Đó là một vài điều mà người viết có thể lục tìm trong trí nhớ kém cỏi của mình về những quán game/quán net xa xưa. Hy vọng có thể giúp chúng ta ôn lại kỷ niệm của một trong những hình ảnh mang ảnh hưởng nhất đối với cộng đồng game thủ Việt. Còn bạn, bạn còn nhớ những gì về ngày tháng xa lắc xa lơ đó, hãy chia sẻ với nhau qua bình luận bên dưới..