Trong kì trước chúng ta đã tóm tắt những thông tin được đồn đoán xung quanh tựa game Polybius. Trong bài viết này, chúng ta sẽ hướng tới những thông tin có cơ sở hơn để tìm hiểu về sự tồn tại của cỗ máy chơi game chết chóc này!
Đến nay vẫn không có bất kỳ ghi chép chính thức, hình ảnh, file ROM hay bắt kì thứ gì còn sót lại để chứng tỏ sự tồn tại của Polybius. Rất nhiều người, đa phần là chủ tiệm game arcade cho biết là mình còn giữ một bản Polybius. Thế nhưng sau khi được làm rõ đa phần trong số đó đều bị lật tẩy là hàng giả, được xây dựng ăn theo những lời đồn. Đến nay thỉnh thoảng người ta vẫn nghe tin về những cỗ máy ăn theo Polybius xuất hiện ở nhiều nơi, cố gắng tái hiện những gì mà thiên hạ từng đồn đoán. Đương nhiên có thể nói rằng chúng đều không phải Polybius chính hiệu. Như vậy, ở thời điểm hiện tại vẫn không có bằng chứng vật lý hiện hữu nào chứng minh rằng có máy arcade hay tựa game Polybius từng tồn tại.
Hãy quay trở lại quá khứ của những năm 80, thời điểm mà dân tình cho rằng máy arcade và game Polybius xuất hiện. Thử nghĩ xem nếu như có một tựa game với tác hại kinh khủng tới vậy, tại sao truyền thông và báo chí không vào cuộc. Từ trước tới nay video game luôn là mục tiêu công kích được cánh truyền thông ưa thích với nhiều nguyên do như cáo buộc ảnh hưởng bạo lực, đồi trụy, gây tiêu cực đến tâm sinh lí giới trẻ và hàng tá những thứ trời ơi đất hỡi khác. Dù không có bằng chứng thuyết phục rằng game trực tiếp gây ra những điều đó nhưng với cánh báo chí có vẻ điều đó không quan trọng cho lắm. Trong khi đó theo mô tả của các thông tin truyền miệng thì Polybius đã trực tiếp gây ra những hậu quả nặng nề cho người chơi, vậy mà có vẻ chả có nhà báo, nhà hoạt động xã hội hay người làm chính trị nào thèm quan tâm đến thứ nguy hại tới vậy.
Những rối rắm xung quanh câu chuyện về Polybius khiến cho một nữ nhà báo tên Cat DeSpira có hứng thú với nó. Cô vốn sống tại Portland và hồi nhỏ từng dành nhiều thời gian cho những cỗ máy arcade, đặc biệt là vào thời điểm Polybius được cho là xuất hiện. Theo Cat thì Portland là nơi mà nhiều tựa game arcade mới được đưa ra thử nghiệm thị trường. Vậy nên chẳng có gì lạ khi những máy chơi game không nhãn mác đột nhiên xuất hiện và tạm được gọi là game mới. Đôi lúc chúng cũng có tên nhưng không chắc chắn và có thể bị thay đổi khi trò chơi được phát hành chính thức. Dù dành rất nhiều thời gian với máy arcade tại Portland, Cat chưa từng biết về thứ gì đại loại như Polybius mãi cho tới khi trưởng thành và đọc các truyền thuyết đô thị. Vậy là nữ nhà báo này quyết tâm điều tra về Polybius và nhận thấy câu chuyện về cỗ máy chơi game chết chóc này cũng có đôi phần chính xác.
Theo đó, những đứa trẻ phát bệnh khi chơi game arcade là có thật. Trong khoảng thời gian mà Polybius được cho là xuất hiện, có một cậu bé 12 tuổi tên Brian Mauro từng gặp phải vấn đề về dạ dày trong lúc chơi game. Do muốn lập kỉ lục nên Brian đã liên tục chơi game trong nhiều giờ liền, có điều do uống quá nhiều Coca mà cậu bị đau dạ dày. Lúc đó Brian đang chơi tựa game Asteroids. Sau đó vào cùng ngày, một cậu bé 14 tuổi khác là Michael Lopez cũng bị đau nửa đầu khi đang chơi Tempest. Một năm sau tại Illinois, thanh niên Peter Burkowski 18 tuổi đã lên cơn đau tim và tử vong khi đang chơi Berzerk. Cùng với đó, khoa học cũng chứng minh rằng một số hiệu ứng đồ họa và ánh sáng từ phim hoặc game có thể gây vài tác dụng phụ như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, lên cơn, tai biến… Không phải tự nhiên mà các tựa game ngày nay lúc nào cũng phải đi kèm với cảnh báo dành cho những người nhạy cảm và có vấn đề về sức khỏe. Dù vậy, cuối cùng không có trường hợp nào liên quan tới Polybius mà chỉ đơn thuần giúp tạo nên niềm tin vào sự tồn tại của nó.
Còn về phần các đặc vụ, thanh tra, những người mặc đồ đen (Men in Black) hay xuất hiện tại các tụ điểm arcade thì sao? Theo Todd Luoto, một điều tra viên độc lập về Polybius thì việc xuất hiện của các nhân viên trực thuộc cơ quan chính phủ tại tiệm game arcade là có lý do chính đáng. Trong thời kì game arcade mới bùng nổ, nó không hoàn toàn “thân thiện” với trẻ em và gia đình, rất nhiều tiệm game arcade thực chất là tụ điểm trá hình để chứa chấp các hoạt động phi pháp như đánh bạc và sử dụng chất kích thích, thậm chí là rửa tiền. Thế nên việc các nhân viên FBI thường xuyên lui tới tụ điểm game arcade để điều tra các hoạt động ngầm này là hết sức bình thường.
Đầu tháng 12 năm 1981, thời điểm mà Polybius xuất hiện, FBI đã kết thúc cuộc điều tra kéo dài 1 năm với nhiều chủ sở hữu tụ điểm game arcade tại Portland sau khi phanh phui hành vi lợi dụng máy game cho mục đích đánh bạc của họ. Sang đến năm 1982, sau 7 tháng hoạt động điều tra mật, các đặc vụ liên bang đã bắt giữ 25 đối tượng tại Games Arcade Play ở Seattle, Washington do hành vi kinh doanh bất hợp pháp, mang tính chất tội phạm băng đảng có tổ chức. Rõ ràng lí do những đặc vụ xuất hiện tại các tiệm game arcade đều mang tính chất điều tra hình sự chứ không phải ngầm thu thập thông tin về người chơi hay tuyển mộ nhân sự gì đó như lời đồn. Về phần sử dụng Polybius như cách tuyển mộ các cá nhân có năng lực đặc biệt, lời đồn này gần như bắt chước hoàn toàn nội dung bộ phim The Last Starfighter rất nổi tiếng vào thời điểm đó, trong phim nhân vật chính cũng được tuyển mộ thông qua thành tích chơi game của mình.
Còn về Steven Roach, người nhận mình đứng sau sự ra đời của Polybius, dù nhiều người còn tin vào anh ta nhưng đa phần chứng cứ đều cho thấy điều ngược lại. Trong bài viết của mình, Steven liên tục gõ sai ngữ pháp. Thậm chí công ty mà anh ta tuyên bố rằng mình thành lập cũng bị viết sai. Nhà báo Cat DeSpira trong cuộc điều tra cũng mình cũng đã cố tìm thông tin về người tên Steven Roach này, kết quả nhận được có phần khá rùng rợn. Theo đó ngoài đời thật cũng có một tay Steven Roach khá nổi tiếng chuyên công tác tại các trường cải tạo, giáo dục hành vi lối sống cho trẻ em. Y khá nổi tiếng cùng với vợ mình bởi thường xuyên bị cáo buộc về hành vi quấy rối cả về thể chất và tinh thần của những đứa trẻ tại nơi làm việc. Tuy nhiên không rõ đây có phải là cùng một Steven Roach hay không.
Cuối cùng, thông tin chủ đạo để khẳng định rằng Polybius không tồn tại có liên quan đến đạo luật FOIA (Freedom of Information Act) cho phép yêu cầu các thông tin, tài liệu mật của chính phủ liên bang phải được công bố (thường là sau một khoảng thời gian nhất định). Theo đó, Polybius cũng nằm trong số các vụ nổi tiếng khác được yêu cầu công khai các thông tin về nó. Không hề có kết quả gì về Polybius trong khi rất nhiều vụ tai tiếng khác của chính phủ Mỹ bị công khai với các thông tin cực kì nhạy cảm.
Dù tính thực hư của Polybius phần nào đã rõ ràng nhưng điều đó không làm giảm sức ảnh hưởng mà Polybius để lại. Từng có thời gian các YouTuber ngoài việc tìm hiểu về Polybius còn trực tiếp tìm đến những người được cho là đang giữ máy Polybius và xin thử nghiệm chúng. Đa phần các video này thường mang tính chất chọc ngoáy, mua vui là chính. Đôi lúc chúng lại được dàn dựng theo kiểu video kinh dị, dọa ma khi YouTuber chơi rồi giả bộ như mình bị tác động bởi Polybius, các video kiểu đó thường kết thúc bằng một cảnh nhát ma hù dọa.
Bên cạnh đó, dựa trên những mô tả về Polybius, không ít những tựa game, máy arcade ăn theo cũng được tạo ra để mô phỏng lại trò chơi. Điển hình trong số đó là Polybius 2007 trên PC và Polybius 2014 trên PS4. Polybius thậm chí xuất hiện trong The Simpsons như một easter egg độc đáo. Thật khó có thể phủ nhận sức ảnh hưởng mà Polybius để lại dù nó có tồn tại hay không!