Với đại đa số chúng ta, game chỉ là một trò chơi, hoặc cao lắm là một niềm đam mê. Số ít người thành công biến niềm đam mê thành nghề nghiệp và trở thành tuyển thủ eSports, thi đấu vì màu cờ sắc áo và những giải thưởng khổng lồ. Nhưng trên Trái đất này, có một quốc gia nơi mà tựa game RuneScape là nguồn sống của rất, rất nhiều người dân tại đó, và họ sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ miếng cơm mà mình kiếm được từ trò chơi.
Một đất nước điêu tàn
Đó chính là Venezuela, quốc gia Nam Mỹ nằm bên bờ Đại Tây Dương rộng lớn. Với nguồn dầu mỏ dồi dào, Venezuela từng là một đất nước giàu có, nhưng cả một thập niên khủng hoảng đã biến đất nước này thành một trong những nơi nghèo đói nhất hành tinh. Vào thời điểm này, 90% dân số Venezuela sống trong tình trạng nghèo đói, không có thức ăn và thiếu thốn những điều kiện sống cơ bản. Hàng triệu người đã phải rời khỏi quê hương để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn: theo số liệu của Cao ủy về người tị nạn Liên Hiệp Quốc, đến cuối năm 2018 đã có 3 triệu người Venezuela rời đất nước mình để tìm kiếm cơ hội sống sót ở nước ngoài.
Nhưng những con số đó có thể chưa minh họa được tình trạng của quốc gia này, nên Mọt sẽ đưa ra một con số khác: giờ đây, một người Venezuela được đào tạo Đại học nhận được mức lương khoảng… 4 USD mỗi tháng, trong khi một lít sữa ngoài siêu thị có giá khoảng 1,85 USD. Bởi mức lạm phát lên đến 2 triệu phần trăm, đồng Bolivar của họ mất giá đến mức người ta đem tiền ra để đan giỏ hoặc làm giấy vẽ tranh bán cho khách du lịch chứ không phải để tiêu dùng, và có thời điểm một cục xà phòng có giá khoảng 3,5 triệu bolivar.
Đường ra của dân chúng
Dù hồi đầu năm 2019, tổng thống Venezuela đã nâng mức lương tối thiểu lên 300%, tức 18.000 bolivar mỗi tháng (hay 6,7 USD), con số này vẫn chẳng thấm vào đâu so với mức giá hàng tiêu dùng trong nước mà Mọt vừa nhắc đến bên trên. Trong khi rất nhiều người tìm cách đi ra nước ngoài, những người ở lại phải tìm cách để sinh tồn hoặc để cầm cự chờ cơ hội trốn thoát. Và rất nhiều người trong số họ đã tìm thấy phương thức sinh tồn qua tựa game RuneScape.
Được phát hành vào năm 2001 bởi nhà phát triển Jagex, trò chơi này là một trong những MMORPG sống dai nhất hành tinh. Việc RuneScape được người Venezuela lựa chọn làm nguồn sống là kết quả của nhiều yếu tố khác nhau, từ việc không đòi hỏi cấu hình máy cao đến lượng dữ liệu tiêu hao ít, lượng người chơi đông đảo và “văn hóa” mua tiền ảo hết sức thịnh hành trong cộng đồng game thủ của trò chơi này.
Trong số những người bỏ công việc ngoài đời để cày cuốc trong thế giới ảo của RuneScape có ông Martinez, một kế toán vốn nhận mức lương 4 USD mỗi tháng ở ngoài đời. May mắn là Martinez được một hàng xóm tốt bụng chia sẻ thông tin về RuneScape, và ông bước chân vào thế giới ảo của trò chơi. Nhờ cày vàng trong RuneScape, game thủ này đã kiếm được khoảng 450 USD để rời tổ quốc, rồi cày thêm 1.000 USD nữa để đưa mẹ và người yêu của mình ra khỏi Venezuela.
Nhờ sự lớn mạnh của hệ thống các trang web buôn bán tiền ảo RuneScape, những người như Martinez mới có cơ hội thay đổi cuộc đời mình. “RuneScape là một cách hết sức phổ biến để kiếm tiền trong thời buổi này. Gần như tất cả mọi người đều biết về trò chơi. Tôi không thể nói về tình trạng của người khác, nhưng với tôi thì nếu không có RuneScape, gia đình tôi sẽ chết đói,” ông Martinez nói.
Vào thời điểm Mọt thực hiện bài viết này, 1 triệu vàng trong RuneScape được bán với giá khoảng 0,48 USD. Điều này nghĩa là để rời khỏi Venezuela, những game thủ bất đắc dĩ từ quốc gia này chỉ cần cày khoảng 940 triệu vàng. Martinez chia sẻ rằng ông biết rất nhiều người đã rời khỏi quốc gia nhờ vào RuneScape và biết những người vẫn đang cố gắng làm vậy. “Tôi dám nói rằng gần như tất cả những người trẻ có cơ hội thoát ra ngoài đều đã làm vậy – có thể nhờ RuneScape hoặc những phương thức khác,” viên cựu kế toán chia sẻ.
Thực ra cày vàng không phải là cách duy nhất để game thủ Venezuela có thể kiếm tiền trong RuneScape, mà là cách rủi ro nhất. Hồi khoảng tháng 3/2019, lưới điện của Venezuela sụp đổ vì không chịu nổi gánh nặng và khiến cả quốc gia liên tục cúp điện, buộc hàng triệu người sống trong cảnh thiếu điện, thiếu nước trong cả tuần liền. Tình trạng này vẫn còn tiếp tục cho đến hiện tại dù đã được khắc phục phần nào, không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống bên ngoài mà còn giáng đòn chí mạng vào công cuộc mưu sinh của những game thủ Venezuela trong RuneScape.
Với Martinez, tình trạng cúp điện liên miên buộc anh phải bỏ qua phần việc cày vàng để chuyển sang luyện cấp thuê lấy tiền, bởi nếu cúp điện khi nhân vật đang chiến đấu, rất có thể nhân vật của anh sẽ chết và mất sạch toàn bộ đồ trong túi trừ trang bị trên người. “Khi đợt cúp điện đầu tiên xảy ra, tôi và những người cùng làm gần như mất hết việc kinh doanh. Giờ đây việc mất kết nối cũng diễn ra khá thường xuyên nhưng không còn lâu như hồi mới bắt đầu. Nó vẫn có thể kéo dài vài ngày tùy vào việc bạn sống ở phần nào của Venezuela”.
Perez, một game thủ 23 tuổi lại có một cách kiếm tiền khác. Hồi năm 2017, anh là một sinh viên đại học sống trong một gia đình chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự suy thoái của kinh tế Venezuela. Bố mẹ anh chỉ kiếm được khoản tiền “bằng hai ổ bánh mì mỗi tháng” nên Perez quyết định lên Google tìm phương thức kiếm tiền online. “Điều đầu tiên tôi thực hiện là đăng ký vào (subreddit) r/slavelabour. Trong một tháng sau khi đăng ký, tôi làm vài việc và kiếm được 100 USD đầu tiên. Nó giúp đỡ rất nhiều vì lúc đó bố mẹ tôi mỗi người chỉ làm ra được khoảng 10 USD/tháng. Nhưng sau tháng đầu tiên may mắn đó, mọi thứ không còn tốt đẹp”.
Lý do mà Perez nói vậy là vì khi kinh tế Venezuela không ngừng suy sụp, ngày càng nhiều người dân nước này lên mạng để làm công. Chỉ đến khi khám phá ra một game thủ RuneScape đang tìm người chơi hộ, Perez mới tìm được nguồn thu nhập ổn định cho mình. Công việc này đòi hỏi Perez phải online ít nhất 6 giờ mỗi ngày, kiếm được khoảng 75 cent một giờ, 150 USD mỗi tháng – gấp 7 lần tiền lương của bố mẹ anh cộng lại. Perez vẫn đang thực hiện việc cày thuê này nhưng giờ đây mỗi tháng anh kiếm được 200-300 USD nhờ làm việc 8 giờ mỗi ngày, 7 ngày trong tuần.
Điều trớ trêu là bởi có quá đông người Venezuela cày tiền và vật phẩm trong RuneScape, việc đất nước này thường xuyên mất điện gây ra một thảm họa kinh tế trong RuneScape. Giá cả của những vật phẩm vốn rất dồi dào bỗng dưng tăng vọt, giảm xuống chút ít khi Venezuela có điện trở lại rồi tiếp tục tăng lên. “Mất điện vẫn là chuyện hàng ngày và lần nào cũng làm tôi bực mình,” Perez nói.
Giống với Perez, Alejandro cũng là một sinh viên nhưng anh lên Reddit để xin lời khuyên, và được những người chơi khác giao việc. Giờ đây anh dành ra khoảng 10 tiếng một ngày để cày level trong RuneScape rồi đem bán tài khoản. Mỗi tháng game thủ này nhận được khoảng 150 USD, và là một khoản tiền đủ sống. “Nếu không có RuneScape, tôi sẽ không có cách nào để kiếm được số tiền này. Trò chơi rất phổ biến với người Venezuela vì nó đem lại số tiền kha khá mỗi tháng”.
Phương án kiếm tiền thứ tư sau cày vàng, chơi hộ, bán tài khoản là… bảo kê. Vào thời điểm mà Mọt tui thực hiện bài viết này, một liên minh khổng lồ của khoảng 2.000 game thủ Venezuela có tên “Mafia” đang bảo vệ một khu vực farm màu mỡ gọi là Revenant Cave, giết bất kỳ ai không thuộc nhóm cày vàng xuất hiện tại đó. Theo một số thông tin, mỗi người trong số này được trả 300k vàng mỗi giờ, tức khoảng 0,15 USD. Việc tất cả chiến binh trong đoàn quân này đều đội nón tím hoặc hồng nhạt cũng dẫn đến một hiện tượng thú vị là giá của những chiếc nón này tăng vọt trong khoảng một tháng trở lại đây, chẳng hạn nón hồng tăng từ khoảng 430 vàng lên đến 630 vàng, còn nón tím từ 1150 vàng lên 1550 vàng.
Mâu thuẫn trong cộng đồng RuneScape
Như Mọt vừa nhắc đến bên trên, vào thời điểm hiện tại khu vực Revenant Cave trong RuneScape đã bị liên minh người Venezuela chiếm lĩnh, họ PK tất cả người ngoài để độc quyền bãi farm này. Dĩ nhiên là những game thủ RuneScape bình thường rất bực bội và mong muốn làm một điều gì đó để phá vỡ sự độc quyền này. Tuy nhiên ở đây, không có bất kỳ một cơ hội chiến thắng nào cho những game thủ đó – với họ, việc chơi RuneScape chỉ là niềm vui và nếu thua cuộc hay chán nản, họ có thể thoát game làm chuyện khác bất kỳ lúc nào, nhưng với Mafia nói riêng và những game thủ Venezuela nói chung, giữ lấy Revenant Cave là chuyện miếng cơm manh áo, chuyện sống còn chứ không phải chỉ là một trò chơi.
“Revenant Cave là thứ duy nhất khiến tôi không cảm thông được cho họ,” một game thủ viết trên subreddit của trò chơi vì cứ bị PK mỗi khi đến gần đó. Một người khác yêu cầu nhà phát triển Jagex phải làm gì đó với những game thủ Venezuela này, và nói rằng “tôi không quan tâm đến tình trạng sống của họ. Họ chơi game chỉ để kiếm tiền và ảnh hưởng đến kinh tế (của game). Họ chẳng đóng góp gì cho game và không tương tác gì với cộng đồng”.
Điều này cũng dẫn tới những mâu thuẫn trong cộng đồng game thủ RuneScape. Hồi năm 2017, có một game thủ nọ bỏ công viết một bài hướng dẫn dài chỉ cách làm thế nào để nhận diện game thủ Venezuela và tiêu diệt họ tại các bãi farm, rồi đăng nó lên subreddit của trò chơi. Bài post này nay đã bị xóa bỏ nhưng nó cũng thu hút được hơn 700 bình luận, rất nhiều trong số đó mang đầy thù ghét, gọi dân cày Venezuela bằng những từ như “con điếm” hay “chó,” chế nhạo họ và khiến quản lý của subreddit RuneScape phải thốt lên rằng “tôi rất thất vọng vì cộng đồng này. Không phải vì bài post này, mà vì những bình luận sặc mùi phân biệt chủng tộc mà những người không biết việc phải sống trong tình trạng nền kinh tế sụp đổ tồi tệ ra sao”.
Số khác thông cảm cho việc những người Venezuela phải làm để sinh tồn, nhưng cũng bày tỏ rằng mình không thích điều đó. Một YouTuber nổi tiếng trong cộng đồng RuneScape là Will Anema cho rằng do có quá nhiều người cày vàng, nền kinh tế của game sẽ bị ảnh hưởng xấu và làm suy giảm tuổi thọ của trò chơi. Theo anh, khi chơi RuneScape (cũng như bất kỳ MMORPG nào khác), game thủ có được niềm vui khi đạt đến mục tiêu, và việc cày cuốc có hệ thống của người dân Venezuela tạo ra rất nhiều nguyên vật liệu cũng như rất nhiều vàng, khiến giá item rẻ đi trong khi lượng vàng có trong kinh tế lại tăng lên. Có người ủng hộ cũng có người phản đối quan điểm này, và mỗi bên đều có lý của họ.
Và cũng có những người cố gắng giúp đỡ những game thủ Venezuela bằng mọi cách. Đó có thể là những lời khuyên về cách luyện cấp nhanh hơn, tặng một vài vật phẩm đáng giá hoặc đơn giản là một vài câu động viên được gửi qua tin nhắn riêng tư. Một số ít có điều kiện làm nhiều hơn thế: Perez nói rằng vào tháng 4/2020, một game thủ xa lạ đã gửi 1.000 USD vào tài khoản của anh để giúp đỡ mua thực phẩm cho cả nhóm. Kể từ lúc đó, game thủ này đã đều đặn gửi tiền mỗi tháng để hỗ trợ Perez và nhóm của anh. Một game thủ RuneScape khác sở hữu kênh YouTube có 117.000 người đăng ký đăng tải một video khuyến khích các fan của mình đóng góp cho Venezuela thông qua tổ chức International Rescue Committee.
Và Jagex nói gì?
Về cơ bản, việc các game thủ Venezuela chơi hộ, cày vàng và bán item là những điều trái với quy định của Jagex. Hồi năm 2019, người phát ngôn của Jagex đã nói rằng “cày vàng và giao dịch tiền mặt là trái với các quy định nghiêm khắc mà tất cả các game thủ RuneScape phải tuân thủ. Những hoạt động này tiếp tay cho chợ đen dính líu đến các hoạt động gian lận có tổ chức, việc buôn bán đồ ảo bất hợp pháp, các hoạt động lừa đảo và gây nguy hại cho nền kinh tế của những tựa game được hàng triệu người yêu thích trên toàn cầu.”
“Chúng tôi đã và sẽ luôn nhất quán trong việc chống lại người cày vàng và giao dịch ngoài đời thực. Chúng tôi không nhắm vào các game thủ Venezuela vì cày vàng, mà chỉ dành công sức vào việc phát hiện và xóa bỏ những người cày vàng theo đúng điều khoản dịch vụ của mình, bất kể họ ở nơi nào trên thế giới”.
Tuy nhiên, các biện pháp này chắc chắn là vô hiệu, bởi từ lâu nay việc cày đồ ảo đã tồn tại song hành cùng MMORPG, và không một tựa game nào có thể thoát khỏi trừ khi nó không cho phép giao dịch đồ ảo. Bên cạnh đó, việc cày cuốc này là miếng cơm manh áo của không ít người Venezuela, và dù nhà phát triển Jagex có mạnh tay đến đâu thì họ vẫn sẽ quay lại chừng nào trò chơi vẫn còn có thể nuôi sống họ.
“Tôi không lựa chọn cuộc sống này,” ông Martinez nói. “Tôi phải rời bỏ công việc kế toán và cày vàng nếu không thì gia đình tôi chỉ có thể ăn đất. Nhiều người Venezuela khác cũng trong tình trạng tương tự. Dù tôi biết mình đang làm tổn thương tựa game mà mình đang dần yêu thích, tôi không thể để nó vượt trên sự khỏe mạnh của gia đình tôi”.