Genshin Impact vừa trở thành một nạn nhân mới nhất của cơn lo sợ bị trộm thông tin cá nhân. Từ lâu nay làng game vẫn thường bị gắn với nỗi sợ cài cắm phần mềm gián điệp với nhiều lý do, nhiều tình huống khác nhau. Tuy vậy, ngoài một số game thủ tỏ ra lo ngại thì một nhóm không nhỏ game thủ khác cho rằng điều này chả quan trọng mấy vì bản thân có gì để mất đâu.
Thực sự thì đây là một ý tưởng lạc quan và thú vị nhưng liệu có thật sự chúng ta chẳng có gì để mất không? Và quan trọng hơn chúng ta không có gì để mất thì liệu có phải là vô dụng với những kẻ trộm thông tin cá nhân không? Hãy cùng Mọt lạm bàn về vấn đề bảo mật nhức nhối này với gọc nhìn của game thủ tại Việt Nam nhé!
Những kiểu trộm thông tin cá nhân qua game
Nếu là game thủ già đời thì chắc chắn bạn không lạ gì cách kinh điển nhất để trộm thông tin cá nhân qua chơi game. Đó là lén chèn phần mềm gián điệp vào các bản game crack. Đây là thủ pháp gần như là phổ thông của cái thời game PC Console bùng nổ khoảng thập niên 1990 – 2010. Nhất là thời torrent lên ngôi khiến việc đi tìm một bản game crack không quá khó nữa nhưng hiểu biết về bảo mật của người tìm thì lại hạn chế.
Thời nay có một cách khác, đó là… tự viết ra game rồi cung cấp miễn phí sau đó lén cài phần mềm gián điệp để thu thập thông tin. Nhưng cách này quá khó nên thiên hạ chuyển sang một cách khác cổ điển hơn là cài nó vào… phần mềm hack/cheat. Nếu trước đây các trainer/cheat/crack game offline được cài virus để phá máy người dùng thì ngày nay các phần mềm gian lận, hack game online mà nhất là những game có yếu tố tranh đua như PUBG, LMHT, Apex Legends, CoD Warzone… lại thịnh hành hơn.
Chính từ đây, trí tưởng tượng của người dùng cũng nảy ra rất nhiều giả định khác nhau liên quan đến bộ cài game mỗi khi nó có trục trặc. Gần đây chúng ta có Valorant với phần mềm Vanguard có độ ưu tiên quá cao trong máy tính người dùng. Sau khi lo ngại bị Vanguard trộm thông tin cá nhân, người ta lại lo ngại đến việc nó bị hack và kẻ xấu sẽ chui qua đó để cài phần mềm gián điệp vào máy.
Mới đây nhất là Genshim Impact với một lỗi được cho là xuất phát từ bộ công cụ Firebase và các bộ ứng dụng phát triển game tương tự làm xuất hiện thông báo đọc dữ liệu từ bộ nhớ đệm. Ngay lập tức cộng đồng game thủ lan truyền nỗi sợ bị theo dõi và lấy cắp dữ liệu trong bộ nhớ đệm. Mãi đến khi nhiều người dùng nghiên cứu sâu đã trấn an rằng biểu hiện này có thể là do bug chứ không phải nhà sản xuất cố ý thì thiên hạ mới bớt lo.
Game thủ Việt: Có quái gì đâu mà sợ bị lấy!
Khi sự việc của Genshin Impact nổi lên, các lời bàn tán cũng râm ran khắp các cộng đồng game. Trong đó Mọt tui cảm thấy thú vị khi có những bình luận rất vô tư rằng “mình có quái gì đâu mà sợ mất!”
Mọt không nói những suy nghĩ đó là sai, chúng thực sự thú vị vì đúng là bọn game thủ ốm đói chúng ta đến tiền mua game còn không có, ai thèm trộm thông tin cá nhân của một thằng nghèo kiết xác làm gì. Ngay cả những nhà quảng cáo mua thông tin cá nhân để quảng cáo sản phẩm thì họ cũng thừa thông minh để biết rằng thằng nghèo thì tiền đâu mua hàng mà quảng với cáo.
Cái lợi của kẻ nghèo xơ xác là trộm cướp có đến cũng chả lấy được gì ngoài cái mạng cùi bắp này. Quả thực là một sự vô tư đầy thú vị!
Nhưng có thật là những kẻ đào thông tin cá nhân sẽ chẳng trục lợi gì từ một kẻ nghèo túng xơ xác như một số game thủ Việt tự nhận?
Lấy thông tin cá nhân không nhất thiết phải dùng trực tiếp
Cái ảo diệu của thông tin chính là sự đa dụng của nó. Nếu bạn nghĩ rằng việc tên tuổi, nơi sinh, quê quán các thứ của bạn hoàn toàn chẳng thể làm hại được bạn vì bản thân nghèo kiết xác thì bạn đã nhầm. Vì nó có thể dùng để bắc cầu và tấn công vào những người thân của bạn. Một cuộc điện thoại lừa đảo sẽ đáng tin hơn nếu kẻ bên kia nói đúng một số thông tin riêng tư.
Chúng ta từng có trường hợp cụ già ở nhà bị lừa vì kẻ gian gọi điện nói đúng tên, địa chỉ, đặc điểm nhận dạng trên người của con cháu rồi bảo rằng họ đang gặp rắc rối/vay nợ cần gửi tiền để giải thoát. Bạn không có gì nhưng kẻ gian có thể dùng thông tin bí mật của bạn để lừa những người xung quanh bằng cách mạo danh hoặc mượn danh theo cách như vậy.
Một số trường hợp báo đăng tải như nhân viên vay nợ dùng thông tin cá nhân của một ai đó ngụy tạo hồ sơ vay rồi lấy tiền trong khi khổ chủ tự dưng mắc nợ đến khi bị đòi mới biết. Chỉ cần một trong các nơi mà bạn khai báo thông tin và gửi ảnh CMND 2 mặt bị lộ là xong. Thậm chí nếu kẻ gian xâm nhập vào máy bạn và tìm ra hình CMND 2 mặt của bạn đang lưu trong đó cũng xong nốt.
Ngoài những tác hại về vật chất, sự đe dọa về tinh thần cũng là một thứ đáng ngại. Bạn có cảm thấy ớn lạnh khi vừa tán gẫu với bạn bè về 1 sản phẩm gì đó rồi 5 phút sau hàng loạt quảng cáo đúng món đó hiện lên trên Google/Facebook của bạn? Đó là do các kênh này thu thập tất cả mọi nội dung xuất phát từ bạn, họ phân tích về tâm lý học và đưa ra một “bản đồ” mô tả về tâm lý của bạn. Nó có thể xác định bạn là người như thế nào, cách ứng xử ra sao với từng tình huống, thích những loại sản phẩm nào nhất và quan trọng nhất là làm sao để đánh trúng tim đen của bạn.
Từ đó chúng ta có những đoạn quảng cáo nhìn là muốn mua ngay, những sản phẩm luôn khiến chúng ta muốn bấm mua và cuối cùng tiền lương tháng lúc nào cũng không đủ trả tiền mua sắm.
Nhưng trên hết bạn không hề nhận ra rằng những hệ thống lớn chúng biết rõ bạn là loại người gì từ lâu rồi. Mỗi người đều có những thói quen, tật xấu riêng mà họ không muốn ai biết. Khổ thay, các kênh phân tích dữ liệu chúng biết cả rồi, chúng là những cặp mắt luôn nhìn thấu con người của bạn, biết rõ bạn như thế nào hơn cả bản thân bạn, giờ có cảm thấy sợ không?
Đó chính là lý do người ta cảm thấy việc bị trộm thông tin cá nhân là rất đáng sợ. Những đe dọa về vật chất không quan trọng bằng việc có ai đó phân tích những dữ liệu ấy và nhìn rõ con người thật mà bạn muốn che giấu. Nó giống như trò bói cung hoàng đạo nhưng chính xác hơn nhờ thu thập rất nhiều dữ liệu để đối chiếu.
Kết
Thực ra không phải game nào tạo ra bất ổn hệ thống cũng là hack hay cài gián điệp, đôi khi nó chỉ là bug, mà bug thì chả ai chọn được nó phải hư chỗ nào và không hư chỗ nào. Tuy vậy cũng cần phải chú ý đến việc bảo mật thông tin cá nhân, tài khoản của mình. Nếu bân nghèo đến nỗi chả có game nào đáng giá trong Steam hay thẻ tín dụng gắn trong Google Play thì khi mất bạn cũng phải vác xác đi đăng ký lại rất phiền toái.
Chính vì vậy, đừng vội chụp mũ một game là lén cài virus nhưng cũng không vì thế mà cho rằng thông tin cá nhân của mình là rẻ tiền hay chẳng đáng giá. Cái gì tồn tại cũng có giá trị riêng và lúc cần đến thì giá của nó cao không tưởng.