Một trận Chung kết "không có LCK"
Dĩ nhiên là chẳng ai ghét bỏ các đội tuyển Hàn Quốc cả, nhưng người ta cũng đã phàn nàn quá nhiều về việc người Hàn biến những giải đấu CKTG thành "LCK mùa thu" (ngoại trừ mùa 1, người Hàn Quốc luôn góp mặt trong trận Chung kết của CKTG tính tới năm 2017).
Việc một đội tuyển (SKT) hoặc một khu vực (LCK) thống trị giải đấu quá lâu phần nào khiến cộng đồng chán ngán, và người ta đã lo ngại rằng LMHT sớm theo chân StarCraft - Trở thành sân chơi riêng của Hàn Quốc.
Thế nhưng CKTG 2018 đã hoàn toàn thay đổi điều đó, với việc Fnatic và Invictus Gaming là 2 cái tên lọt vào Chung kết. Không có một đội tuyển LCK nào cả. Điều khiến cộng đồng LMHT thế giới hả hê và vui sướng, dĩ nhiên không phải vì KT, Gen.G hay Afreeca bị loại, họ chỉ hạnh phúc vì các khu vực khác cuối cùng cũng đã lật đổ được thế độc tôn của người Hàn, và các giải đấu LMHT từ nay về sau cũng vì thế, hứa hẹn sẽ trở nên kịch tính hơn bao giờ hết.
Meta game thay đổi qua từng trận đấu
Đây đích thị là điều được diễn giải cho nguyên nhân thất bại của các đội tuyển Hàn Quốc - Họ không kịp bắt nhịp với sự thay đổi lối chơi một cách nhanh chóng và đa dạng như các khu vực khác (ngoại trừ KT).
Thống kê từ trước khi giai đoạn Bán kết diễn ra cũng đã cho thấy rằng dù chỉ mới đi được 2/3 chặng đường, CKTG 2018 đã sở hữu số lượng Tướng được sử dụng nhiều nhất trong lịch sử giải đấu này.
Một điều thú vị là cứ mỗi một trận đấu, các tuyển thủ lại phát kiến ra những quân bài mới (hoặc có thể là họ giấu bài từ trước) để khắc chế đối phương, điển hình như Poppy - Một vị tướng thất sủng từ lâu được mang lên Đường trên để khắc chế "hot pick" Aatrox, hay tiêu biểu nhất chính là Viktor Đường trên.
Khác với những kỳ CKTG trước đây, khi mà cả giải đấu chỉ xoay quanh một meta và một vài vị tướng, CKTG 2018 mang lại cho người chơi những cảm xúc hoàn toàn khác biệt với sự xuất hiện của những vị tướng "lạ hoắc", đồng thời cũng khiến cho người ta phải nổi da gà với những cú "counter-pick" chí mạng từ các đội tuyển.
Viktor Đường trên của Bwipo hủy diệt Cloud 9
Sự trỗi dậy của các đội tuyển "kèo dưới" - Những người truyền cảm hứng
Vitality và Phong Vũ Buffalo đều là những đội tuyển đã phải dừng bước tại vòng bảng, nhưng ấn tượng mà họ mang lại cho khán giả của CKTG 2018 là cực kỳ sâu đậm.
Đặc biệt là Vitality, lời nhắn gửi của HLV YamatoCannon: "Đừng cố gắng học theo lối đánh của Trung Quốc hay Hàn Quốc. Hãy cứ tự tin là chính bản thân mình. Các bạn phải tự tin, lúc nào cũng suy nghĩ trong đầu rằng mình có thể đánh bại bất kỳ ai. Đó chính là tâm lý mà bạn cần có để chinh phục những thử thách khó khăn nhất. Vì vậy, các đội tuyển châu Âu, tôi xin các bạn hãy tự tin và chơi theo lối chơi của chính mình!" chính là kim chỉ nam cho các đội tuyển yếu đến với thành công rực rỡ trong giải đấu này.
YamatoCannon
Họ không còn rập khuôn và tự ép mình theo đuổi lối chơi được cho là khoa học của người Hàn Quốc, mà ngay cả Fnatic, Cloud 9 hay G2 cũng đều tự tạo nên những lối chơi của riêng mình. Sự sáng tạo đó đã góp phần lớn để họ đánh bại hàng loạt đại diện hùng mạnh của nền LMHT châu Á.
Một năm đầy ngọt ngào của LMHT phương Tây
Đã 7 mùa giải, LMHT châu Âu và Bắc Mĩ mới được trải qua những khoảnh khắc tuyệt vời đến vậy tại một kỳ CKTG: 1 đội tuyển châu Âu lọt vào Chung kết, và 1 đội tuyển Bắc Mĩ lọt vào đến Bán kết, lần gần nhất mà họ thực hiện được thành tích này đã là từ CKTG...2011.
Theo thống kê, trận Bán kết giữa Fnatic và Cloud 9 đã thu hút tổng cộng 1,5 triệu khán giả theo dõi, một con số kỷ lục với nền thể thao điện từ phương Tây, và dĩ nhiên, Fnatic với tư cách là một đại diện của châu Âu tranh chức vô địch thế giới, họ thậm chí sẽ còn nhận được sự cổ vũ của rất nhiều khu vực khác trên thế giới (đương nhiên IG cũng sẽ không hề kém cạnh).
Được mệnh danh là "những người kiến tạo meta", LMHT châu Âu luôn nhận được sự yêu mến của rất nhiều fan hâm mộ LMHT thế giới nhờ lối đánh đa dạng và sáng tạo của các đội tuyển. Chính vì vậy, việc một đội tuyển châu Âu có thể lọt vào tới trận đấu Chung kết, chính là một sự khích lệ cực kỳ lớn với rất nhiều game thủ LMHT trên khắp thế giới.