Covid-19 “bắn phá” làng eSports – giải to khóc òa, giải lẻ lên sóng - eSports

Trong khi hàng loạt giải esports tầm quốc tế xếp hàng nối tiếp bị Covid-19 “bắn rụng” thì các giải lẻ giao lưu đánh online lại nở rộ nhờ cách ly.

Trong bối cảnh đại dịch Covid 19 không ngừng lan rộng làm tê liệt mọi hoạt động kinh tế, giải trí trên toàn cầu, khu vực esports cũng khó tránh khỏi hại nặng. Các sự kiện esports quốc tế quan trọng được mong đợi nhất trong năm lần lượt bị hủy bỏ gây ra nhiều thất vọng trong cả giới tuyển thủ chuyên nghiệp lẫn cộng đồng game thủ vốn là xu thế chung không thể tránh khỏi.

Covid-19

Giải vô địch thế giới Dota 2 chính thức bị dời lại khá xa

Thời gian qua, thế giới thể thao chứng kiến những sự kiện lớn như Ngoại hạng Anh, Champions League, Thế vận hội… phải tạm thời đóng cửa tránh dịch. Đến lượt nhiều sự kiện esports cũng bắt đầu công bố hủy bỏ vì lý do bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Bắt đầu từ giải Liên Quân Mobile (AWC 2020) cho đến LMHT (MSI 2020), thậm chí giải thi đấu có giá trị tiền thưởng lớn nhất thế giới The International 2020 của Dota 2 cũng vừa mới được Valve quyết định rời sang năm sau.

Tuy nhiên nếu so với nhiều lĩnh vực khác, Esports đã trải qua tình trạng thất nghiệp thấp nhất trong đại dịch toàn cầu, phần lớn các giải đấu vẫn có thể tiếp diễn bằng cách chuyển qua hình thức thi đấu online thay vì phải đóng cửa hoàn toàn.

Cơ hội chuyển mình ngay trong tâm dịch Covid

Đường phố vắng tanh là lúc mọi người dành nhiều thời gian tập trung vào chiếc màn hình, nhu cầu về chương trình giải trí tăng đột biến. Khi mà các kênh thể thao truyền thống đã không còn, esports bỗng nổi lên, sống động, mới mẻ và đầy cuốn hút.

Covid-19

Những buổi livestream esports trực tuyến thu hút hàng triệu người xem

Dựa trên nền tảng công nghệ, lại không bắt buộc các tuyển thủ phải tập trung vào một chỗ để đối mặt trực tiếp với nhau như thể thao truyền thống, esports cho thấy rõ ưu thế của mình trong tâm dịch với hình thức thi đấu online.

Nhiều giải esports vốn có hình thức thi đấu tập trung, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ livestream, đã nhanh chóng chuyển qua hình thức thi đấu trực tuyến. Các giải đấu đã thành công với hình thức mới có thể kể đến như, Call of Duty League (CDL), Overwatch League, IEM Katowice 2020, ESL Pro League hay các giải thuộc Liên Minh Huyền Thoại, LCS, LCK, VCS…

Chưa kể tới một số giải esports mới, được khởi xướng ngay trong tâm dịch và được chính các vận động viên thể thao danh tiếng hưởng ứng, tạo nên một làn sóng esports cực kỳ mạnh mẽ.

Covid-19

Các vận động viên thể thao chuyên nghiệp rủ nhau tham gia esports

Ví dụ trong bóng đá, nhiều CLB và cầu thủ trong thời gian nghỉ đã chuyển sang thi đấu trực tuyến ở các game như FIFA 20 và PES 2020. Rất nhiều cầu thủ nổi tiếng thế giới như hậu vệ Trent Alexander-Arnold của Liverpool hay tiền đạo Marcus Rashford của M.U đã biến bóng đá game thành một bộ môn thay thế hấp dẫn cho những màn so tài thực sự trên thảm cỏ xanh.

Nhiều giải đấu đã ra đời trong mùa dịch như All at Home Gaming Cup, dành cho các game thủ trên toàn thế giới, giải đấu FIFA 20 này do PSG tổ chức mang đến cho người hâm mộ bóng đá cơ hội thi đấu với các danh thủ như Juan Bernat, Julian Draxler, Layvin Kurzawa…

Mọt tui
Khi Mọt "choáng" với cách Riot đặt tên rank Valorant
Mọt không bàn về thể thức thi đấu hay cách tính điểm trong hệ thống rank Valorant vì còn quá sớm để bàn về chúng, mà chỉ muốn nói về cách Riot đặt tên.
300x250

Hay như trong giải đua xe NASCAR. Khi các cuộc đua trực tiếp bị hủy bỏ trong năm nay, NASCAR và Fox Sports đã công bố giải đấu eNASCAR iRaces Pro Invitational Series đầu tiên. Đây là một cuộc đua mô phỏng có sự góp mặt của các ngôi sao đua xe như Dale Earnhardt Jr., Bobby Labonte, Kyle Busch và Denny Hamlin.

Lần đầu tiên người hâm mộ NASCAR và các tay đua được tiếp xúc với sự kỳ diệu của esports chuyên nghiệp. Cuộc đua eNASCAR trong 2 ngày thi đấu đã trở thành chương trình Esports truyền hình được đánh giá cao nhất từ trước cho đến nay, thu hút hơn 2 triệu người xem.

Covid-19

Giải công thức 1 của các VĐV chuyên nghiệp sẽ được diễn ra trong game!!

Torque Esports cũng đang điều hành Cuộc đua All-Stars Esports Battle, một sự kiện trực tuyến phục vụ cho giải đua xe Công thức 1, IndyCar, Công thức E, NASCAR và các đối tượng khán giả khác sau khi phiên bản ngoài đời của các sự kiện này đều bị huỷ do dịch Corona. Sự kiện online này đã thu hút nhiều đối tác quảng cáo mới, bao gồm tập đoàn tài trợ đầu tiên, Jones Soda.

Nhóm phân tích của Torque Esports là Stream Hatchet cho biết lượng người xem esports trực tuyến đã tăng hơn 17% từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, với 1.75 tỷ phút nội dung được xem trên toàn thế giới chỉ trong tháng ba vừa qua.

Không khó để thấy rằng ngay trong tâm dịch, esports đang nằm trong vị thế rất tốt để phục vụ lượng khán giả bị mắc kẹt tại nhà. Không chỉ thu hút nhiều người xem hơn, điều đó còn đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều nhà đầu tư lớn bắt đầu chú ý tới thị trường mới nổi này.

Và những thách thức cần đối mặt

Mặc dù Esports đang đứng trước một cơ hội vươn lên mạnh mẽ tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề lớn cần giải quyết trong tương lai.

Đầu tiên là nền tảng tài chính, những ông lớn trong làng esports như LMHT, Overwatch hay CSGO có thể chỉ mất vài tuần để chuyển đổi một giải đấu tập trung lên nền tảng trực tuyến. Nhưng những tổ chức tầm trung sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về máy chủ, đường truyền, đầu tư quảng cáo hay cơ cấu tổ chức.

Covid-19

Chaos EC thông báo giải thế đội hình Dota 2 sau khi giải đấu Dota thông báo huỷ

Các đội tuyển sống chủ yếu nhờ nhà tài trợ và tiền thưởng từ giải đấu cũng sẽ có nguy cơ giải thể ngay sau khi giải đấu bị tạm ngưng.

Vấn đề tiếp theo là về công nghệ, dù các giải đấu trực tuyến đã được hỗ trợ tối đa từ phần mềm như ghi hình, ghi âm, tạo độ trễ khi livestream nhưng cũng không thể quản lý rốt ráo việc tuyển thủ gian lận như khi thi đấu tập trung. Không phải tổ chức nào cũng đủ cơ sở để tự phát triển một chương trình chống hack độc quyền. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc các giải đấu esports lớn nhất có quy mô toàn cầu phải tạm hoãn. Thời điểm mà cả tuyển thủ lẫn ban tổ chức đều không thể di chuyển thuận lợi để đảm bảo công tác quản lý khi đang thực hiện lệnh cách ly chống dịch covid.

Cuối cùng, esports đang là tiêu điểm thể thao trên thế giới, nhưng khi cơn bão dịch đi qua và thể thao truyền thống trở lại. Chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh của thị trường, người ta có thể thấy esports thụt lùi lại đôi chút. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để esports trở nên phổ biến và củng cố vững chắc vị trí của mình khi đứng chung với các môn thể thao chuyên nghiệp khác.