Như chúng ta đã biết thì trụ sở chính của Riot Games hiện tại là ở Bắc Mỹ nên rõ ràng hãng game này sẽ ưu tiên chăm sóc cho khu vực "sân nhà" của mình. Bên cạnh các yếu tố trong game thì giải đấu LMHT cao nhất Bắc Mỹ - LCS chính là nơi đầu tiên được Riot áp dụng hệ thống nhượng quyền kinh doanh và giúp các đội tuyển phát triển thương hiệu nhanh chóng.
EG là nhà vô địch mới nhất của giải đấu LCS
Tuy nhiên trong khoảng 2-3 năm trở lại đây thì sức hấp dẫn của giải đấu LCS đã tụt dốc thảm hại khi lượng người xem trung bình qua các mùa giải giảm liên tục từ 20-25%. Thậm chí có những thời điểm giải đấu này còn có ít người xem hơn so với một kênh cá nhân là Tyler1. Vậy điều gì đã khiến LCS từ chỗ là "con cưng" được Riot chăm sóc trở thành giải đấu bị khán giả nhà quay lưng như vậy? Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Các tuyển thủ quá thiếu khát khao chiến thắng
Nguyên nhân của điều này đáng buồn thay lại tới từ những quyết định không hợp lý từ chính Riot Games. Nếu các bạn nhớ thì Riot từng quy định rằng thành phần đội hình chính của các đội tuyển sẽ phải có ít nhất là 3 tuyển thủ "nội địa". Điều này đảm bảo rằng các đội tuyển không thể sử dụng ngoại binh một cách tràn lan và tạo ra hiệu ứng bất lợi cho giải đấu.
Mặc dù vậy Riot lại đang bỏ quy định này tại LCS và khiến cho các đội tuyển có thể sử dụng bao nhiêu ngoại binh cũng được. Điều này xuất phát từ việc thành tích tại khu vực LCS quá tệ và họ muốn cải thiện nó trong thời gian ngắn. Tuy nhiên khi không có đủ ngoại binh chất lượng thì thành tích của các đội tuyển Bắc Mỹ vẫn tệ như vậy mà thôi.
Điển hình là 100T khi họ không có tuyển thủ nào gốc Bắc Mỹ nhưng vẫn thi đấu tại LCS
Trong khi đó các tuyển thủ từ những khu vực khác thường được trả lương rất cao bất chấp họ có thi đấu tệ hay không. Từ đó dẫn tới việc tuyển thủ dần mất đi động lực thi đấu, chơi một cách hời hợt, thiếu quyết tâm và không còn thể hiện khát khao chiến thắng. Rõ ràng với tư cách của một khán giả thì người xem sẽ không chấp nhận điều này và dần dần từ bỏ việc xem LCS mà thôi.
Không có chỗ cho những tài năng trẻ
Như đã nói ở trên thì chính sách xây dựng đội tuyển của khu vực LCS là dùng tiền mua tuyển thủ để bổ sung sức mạnh trong thời gian ngắn. Điều này có thể hiệu quả nhưng nó lại vô tình khiến những tài năng trẻ của Bắc Mỹ không có chỗ để phát triển và vươn tầm thành một ngôi sao được. Về cơ bản thì họ (những tài năng trẻ) chẳng thể nào cạnh tranh nổi với những người chơi đã thành danh ở khu vực khác về mặt hình ảnh, danh tiếng... dù kỹ năng chưa chắc đã thua.
Danny là tuyển thủ trẻ hiếm hoi của khu vực LCS tìm được vị trí chính thức
Khi đọc tới đây, nhiều người có thể phản biện rằng LCS cũng có giải Học Viện để đào tạo, khu vực này đâu có khan hiếm tài năng đâu. Tuy nhiên giải Học Viện giờ đây đã mất đi ý nghĩa ban đầu của nó và trở thành nơi "dưỡng già" của những tuyển thủ không cạnh tranh nổi tại LCS. Ví dụ như việc Gamsu (tuyển thủ người Hàn sinh năm 1995) vẫn còn thi đấu tại giải Học Viện thì chúng ta đủ hiểu nó đã không còn là nơi đào tạo tài năng trẻ nữa rồi.
Thành tích quốc tế tệ hại
Và tất cả những điều trên chỉ có thể dẫn tới một kết quả duy nhất cho giải đấu LCS là thành tích quốc tế của họ quá tệ hại trong những năm gần đây. Thậm chí khu vực Bắc Mỹ còn trở thành một "trò đùa" ở các giải đấu quốc tế khi họ quá yếu và có thể bị các đội tuyển khác đánh bại dễ dàng. Cụ thể thì tại 3 kỳ CKTG 2019, 2020 và 2021, chỉ có đúng 1 đội tuyển Bắc Mỹ có thể vượt qua vòng bảng là Cloud9 mà thôi.
C9 của năm 2021 là đội tuyển LCS đầu tiên sau 3 năm vượt qua vòng bảng CKTG
Đối với khán giả mà nói, việc chứng kiến những đội tuyển mà mình yêu thích thua trận một cách bạc nhược là điều khó mà chấp nhận được. Nhiều người đã chọn việc từ bỏ và không theo dõi LCS nữa khi chẳng còn được chứng kiến sự khao khát chiến thắng. Có lẽ nếu cứ phát triển theo định hướng sai lầm như hiện tại, việc giải đấu LCS tiếp tục xuống dốc vẫn sẽ diễn ra trong những mùa giải tới mà thôi.