Kể từ khi mà DOTA 2 ra mắt cho tới nay, visa luôn được coi là một trong những vấn nạn làm cản trở sự phát triển cũng như tính hấp dẫn của các giải đấu. Vẫn biết rằng Valve luôn tìm mọi cách để hỗ trợ các team với mục đích mang tới một sự kiện chất lượng nhất, nhưng không phải lúc nào mọi chuyện cũng êm đẹp.
Tại kỳ The International đầu tiên, MUFC – đội tuyển DOTA Malaysia nhận được vé mời trực tiếp từ phía Valve đã thất bại trong việc xin thị thực, và buộc phải nhường slot cho Mousesports. Mà ngay cả đội tuyển thay thế Mousesport cũng không thể xin được visa cho Comewithme, và đành tuyển Kuroky làm stand in thay thế.
Câu chuyện về visa tiếp tục kéo dài thêm, nhất là vào năm 2015, khi một loạt game thủ nổi tiếng thời ấy như SoNNeikO, Cty, CemaTheSlayeR và Yoky đã bị từ chối visa nhiều hơn một lần tại các đại sứ quán Mỹ bản địa. Thậm chí tại TI6, hai đội tuyển của Philippines là Exceration cũng như TNC – sau kỳ tích vượt qua vòng loại đã đứng trước nguy cơ không thể tới Seattle cũng vì vấn đề hộ chiếu. Phải tới khi có sự can thiệp của Valve, và nhất là phản ứng mạnh mẽ từ phía thượng nghị sĩ Bam Aquino thì các chàng trai Pinoy mới có dịp sang bển. Mà nhất là hiện nay, khi Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ, và siết chặt hơn các sắc lệnh về nhập cư thì xin visa vào Mỹ có lẽ càng trở nên khó khăn hơn bội phần.
Sẽ là rất khó khăn cho những team thuộc các quốc gia Hồi giáo tới Mỹ
Và đó cũng là vấn đề mà có khá nhiều tài năng DOTA 2 nổi bật, nhưng lại tới từ các quốc gia bị liệt vào danh sách đen của tổng thống Trump khó có cơ hội thi thố tại The International. Đặc biệt là Pakistan – quê hương của hai anh em nhà Sumail. Nếu tầm này mà cậu chàng vẫn đang ở Pakistan thì có lẽ dù tài năng tới mấy, EG cũng khó lòng đưa Sumail vào line up được. Tương tự như vậy là người anh Yawar, khi mà anh chàng này cũng đã có tiền sử bị từ chối visa khi xin vào Đài Loan để tham dự một giải đấu DOTA 2, dẫn tới việc cả team của anh phải bỏ giải năm đó.
Và với việc các kỳ The International đang được chuyển dịch một cách khá hợp lý từ Seattle sang Vancouver, vấn đề visa có lẽ sẽ trở nên dễ thở hơn đối với nhiều game thủ, khi mà ít ra thì chính sách nhập cư của Canada cũng thoáng hơn khá nhiều so với Mỹ. Đó sẽ là thuận lợi cho nhiều game thủ, đồng thời cũng sẽ tạo ra ít khó khăn hơn cho những game thủ kỳ cựu đã nhiều lần xin nhập cảnh vào Mỹ. Nên nhớ rằng, khi đã có visa Mỹ trong quá khứ, việc xin nhập cảnh vào Canada cũng sẽ dễ dàng hơn phần nào đấy.
Thêm một giải pháp nữa, đang được khá nhiều chính phủ thực hiện. Đó chính là việc hợp thức hóa eSports, và biến nó trở thành một trong những bộ môn tranh huy chương chính thức, và gần nhất là tại Thế vận hội châu Á 2022 tại Trung Quốc. Người Nga cũng khá tán thưởng ý kiến này. Đó cũng là cách để nới lỏng vấn đề visa cho các vận động viên esport nữa, như cách mà Olympic đã và đang làm được. Tuy nhiên, có lẽ vẫn còn cả một lộ trình rất dài phía trước đang chờ đợi DOTA 2 nói riêng, và nền công nghiệp esprot trên toàn thế giới nói chung.