Trong những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và các nền tảng truyền thông đem đến nhiều thay đổi trong hành vi tiêu dùng tạo ra những biến đổi lớn trong lĩnh vực thể thao. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu cũng đã mang đến những tác động nhiều chiều cho thể thao, đặc biệt là nhu cầu và quá trình thúc đẩy phát triển đa dạng các loại hình thể thao gắn với môi trường số.
Dẫu vậy, đại dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng rất lớn tới các tổ chức Esports và các tuyển thủ khi các giải đấu quốc tế bị hoãn lại. Thậm chí, đến thời điểm hiện tại, nhiều giải đấu Esports vẫn chưa thể quay trở lại bình thường.
COVID-19 vẫn ảnh hưởng tới chất lượng của những giải đấu Esports
Apex Legends Global Series Championship là một trong những giải đấu Esports quốc tế lớn nhất trong năm với tổng tiền thưởng lên đến 2 triệu USD. Giải đấu quy tụ 40 đội tuyển xuất sắc nhất thế giới ở bộ môn Apex Legends, nhưng lại đang rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi có tới 30 tuyển thủ vắng mặt vì đang nhiễm COVID-19 cùng những vấn đề về visa.
Ngoài những tuyển thủ bị nhiễm COVID-19 và không thẻ góp mặt, nhiều tuyển thủ đã không thể đến tham dự giải bởi những hạn chế về xuất nhập cảnh. Điều này khiến giải đấu trở nên kém hấp dẫn hơn khi không có sự góp mặt của nhiều cái tên danh tiếng, hay các đội tuyển buộc phải mượn người hoặc sử dụng những tuyển thủ dự bị kém chất lượng.
Theo chia sẻ của đại diện đội Team SoloMid, việc đông đảo các khán giả đến nhà thi đấu mà không có khẩu trang càng làm gia tăng nguy cơ nhiễm COVID-19. Đội đã từ chối giao lưu với người hâm mộ và chụp ảnh cho đến ngày thi đấu cuối cùng.
Cách đây không lâu, MSI 2022 vừa kết thúc với rất nhiều tranh cãi khi đại diện của LPL là Royal Never Give Up không thể xuất hiện tại Busan, Hàn Quốc mà thi đấu online ở gaming house của đội. Riot Games, đơn vị vận hành giải đấu MSI 2022, vừa ra thông báo hủy bỏ kết quả ba trận đấu của đội tuyển Royal Never Give Up (Trung Quốc) tại lượt đi vòng bảng MSI 2022. Nguyên nhân chính dẫn đến việc này là do mức ping của các đội tuyển thi đấu tại Busan và mức ping của Royal Never Give Up thi đấu online không giống nhau thay vì cố định ở mức 35ms như dự kiến ban đầu..
Ngay từ đầu, MSI 2022 đã có thể tổ chức tốt hơn bằng cách loại Royal Never Give Up do đội tuyển này không thể có mặt tại Busan vì Thượng Hải đang bị phong tỏa vì COVID-19. Tuy nhiên, Riot Games lại chọn cách “mua dây buộc mình” khi cho Royal Never Give Up thi đấu online trong khi các đội tuyển còn lại thi đấu trực tiếp tại Busan.
Đã có khá nhiều người hâm mộ lên tiếng cho rằng chứng vô địch của RNG tại MSI 2022 là không thuyết phục bởi họ không bị giám sát chặt chẽ, chưa kể đến mức Ping bị thay đổi lại có lợi cho đại diện của LPL hơn.
Trung Quốc đang là quốc gia bị tác động nặng nề nhất
Chính sách zero COVID-19 của Trung Quốc đánh đổi "cái giá không rẻ" về mọi mặt. Trước bối cảnh đó, các đội tuyển Esports rơi vào hoàn cảnh hết sức bất lợi. Họ buộc phải từ chối tham gia các giải đấu quốc tế, hoặc phải trả cái giá rất đắt để góp mặt ở những sự kiện mang tầm cỡ khu vực hay toàn cầu.
Theo quy định của chính phủ Trung Quốc, một người bị dương tính với Covid-19 muốn bay về nước phải tuân thủ các quy định sau: Hình chụp X Quang, kiểm tra PCR âm tính, cách ly 3 tuần trước khi nạp đơn. Nếu được được đại sứ quán chấp thuận, cách ly tiếp 14 ngày, kiểm tra PCR âm tính lần nữa.
Do đó, các đội của Trung Quốc khi thi đấu quốc tế sẽ phải đánh đổi với việc không được trở về quê nhà trong suốt một thời gian dài. Chính vì vậy mà nhiều tổ chức Esports ở Trung Quốc đã từ chối để đội tuyển của mình tham gia thi đấu các giải đấu lớn bất chấp những khoản tiền thưởng hấp dẫn.
Nếu như Trung Quốc tiếp tục rơi vào tình trạng phong tỏa như hiện tại, các đội tuyển Esports của quốc gia này có thể bõ lỡ nhiều sự kiện trọng đại như CKTG (LMHT) hay The International (Dota 2)...
Thi đấu Online, lựa chọn an toàn mà hiệu quả?
Đối với các sự kiện trong nước hay giữa các nước trong khu vực, các bộ môn Esports đang tận dụng lợi thế vốn có của mình. Những giải đấu Esports hàng đầu thế giới như LPL, LCS, LEC và VCS... đều đi tới quyết định thi đấu với thể thức online trong mùa dịch và đến thời điểm hiện tại, phương thức thi đấu online vẫn tiếp tục được duy trì ở VCS Mùa Hè 2022 và LPL Mùa Hè 2022.
Giải đấu Liên Quân AIC 2022 cũng lựa chọn giải pháp thi đấu online. Các đại diện từ Trung Quốc, Đài Loan và Thái Lan đều thi đấu tại quê nhà, trong khi một số đội tuyển ở châu Âu, châu Mỹ sẽ đến thi đấu ở Việt Nam, tuy nhiên họ sẽ chỉ thi đấu tại studio của Garena Liên Quân Mobile Việt Nam thay vì trên sân khấu lớn.
Với quá trình thúc đẩy phát triển đa dạng các loại hình thể thao gắn với môi trường số, việc thi đấu online trở nên dễ dàng hơn, đồng thời tiết kiệm chi phí cho các đơn vị tổ chức giải. Một số vấn đề về đường truyền, tín hiệu hay đảm bảo công bằng trong thi đấu online cũng đang dần dần được giải quyết.
***
Các nhà phát hành games chắc chắn vẫn sẽ ưu tiên tổ chức các sự kiện offline lớn để quảng bá hình ảnh cũng như mang lại niềm vui cho các khán giả. Dẫu vậy, Esports với những đặc thù riêng của mình vẫn lựa chọn một lối đi riêng so với những môn thể thao khác, nhất là khi dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn.