Bản đồ Summoner’s Rift từ lâu được chia thành 3 lane, giữa 3 lane đó sẽ là những khu vực rừng, sông núi đầy rẫy quái vật và những địa hình để có thể di chuyển, chạy trốn hoặc mở combat khi cần thiết. Không như Liên Minh Huyền Thoại với 3 lane được đọc rõ là đường trên, đường giữa và đường dưới. Vì cơ chế xoay bản đồ của Tốc Chiến mà nay 3 lane sẽ được sửa thành đường Baron, đường giữa và đường rồng. Với meta game chuẩn, thì chúng ta thường sẽ có lối chơi như sau.
Đường Baron
Thông thường, đường Baron là con đường do các đấu sĩ hạng nặng di chuyển nhiều nhất. Các vai trò của đấu sĩ khá đa dạng, có thể là gây sát thương, hoặc là một đỡ đòn tùy vào chiến thuật và đội hình của cả team. Đường Baron cũng là đường ít giao tranh nhất và thường ít có sự đột biến trong lối chơi do các tướng đấu sĩ thường là tướng “late game”, tức là sẽ mạnh vào giữa hoặc cuối trận đấu. Thông thường ở phiên bản Liên Minh Huyền Thoại PC, người chơi đường Baron sẽ mang theo phép dịch chuyển để có thể dễ dàng hỗ trợ đồng đội ở đường dưới – đường Rồng – khi xảy ra giao tranh. Tuy nhiên, ở Tốc Chiến, phép dịch chuyển nay được tích hợp vào tính năng nâng cấp của giày, khiến cho các đấu sĩ đường trên có thêm lợi thế ở phép bổ trợ phụ.
Ở nhiều meta khác, đường Baron có thể được chơi như một sát thủ hoặc pháp sư tùy ý. Như Kênh Tin Game đã nói bên trên, tùy vào lối chơi, đội hình lẫn chiến thuật mà người đi đường Baron có thể chọn tướng cho phù hợp. Nếu không, trường hợp thiếu đỡ đòn về cuối trận có thể là một thảm họa. Các vị tướng tiêu biểu cho đường Baron chính là Garen, Darius hoặc Nasus.
Đường giữa
Đường giữa hiện tại là nơi thống trị của các sát thủ hoặc pháp sư gây sát thương mạnh mẽ, có thể “nhất kích tất sát” những tướng gây sát thương chính của team địch. Đây cũng là con đường có sự giao tranh mạnh mẽ nhất xuyên suốt trận đấu. Thông thường, vị trí đi rừng sẽ rất quan tâm đường giữa, bởi vì vị trí dễ tiếp cận, dễ gank ở mọi hướng và cũng là con đường ngắn nhất dẫn từ nhà chính bên này sang bên kia. Thế nên, thọt đường giữa là một tổn thất nặng nề cho cả team nếu không chọn đúng tướng phù hợp.
Vị trí đường giữa như đã nói, dành cho các sát thủ và pháp sư cao tay với khả năng gây sát thương tốt. Đây cũng là nơi khai sinh ra các vị tướng quốc dân như Yasuo hoặc Zed. Bên cạnh đó, bất kỳ pháp sư nào có khả năng đánh xa, bộ chiêu thức có khả năng triển khai cấu rỉa máu đều có thể được sử dụng tại đường này. Đây cũng là nơi bạn nên chú ý cắm mắt thường xuyên, giao tiếp tốt với rừng của phe mình để có thể chơi hiệu quả ở đường này. Ahri, Twisted Fate hoặc Orianna là những vị tướng pháp sư rất mạnh khi đi ở đường giữa. Còn nếu bạn thích chơi sát thủ, có thể nghiên cứu Yasuo, Zed hoặc Fizz cũng là những tay săn mạng cừ khôi đó nhé.
Đường Rồng
Đường Rồng là đường khá thú vị, khi đây là nơi có sự hợp tác, gắn bó chặt chẽ chữa xạ thủ và người hỗ trợ. Xạ thủ thì quá dễ hiểu, đó là vị tướng gây sát thương bằng tay với tầm tấn công xa trong Tốc Chiến lẫn Liên Minh Huyền Thoại. Có thể kể đến một số vị tướng như Ashe, Jinx hoặc Miss Fortune đều là những tay xạ thủ cừ khôi, cực khó chịu. Tuy nhiên, xạ thủ muốn mạnh thì cần phải được nuôi dưỡng tốt về cuối trận mới phát huy được vai trò của mình. Và để nuôi xạ thủ, không ai khác đó chính là các “má mì” hỗ trợ.
Các tướng hỗ trợ có thể là tướng dạng đỡ đòn nhưng có những chiêu thức hỗ trợ như gây choáng hoặc khiêu khích tướng địch có thể kể đến như Braum, Blitzcrank hoặc Malphite. Nhưng cũng có thể là các vị tướng hỗ trợ máu giấy nhưng có khả năng hồi máu, tăng giáp hoặc gây hiệu ứng sát thương lên tướng địch như Lux, Sona, hoặc Soraka. Bên cạnh đó, vị trí đường Rồng cũng rất quan trọng trong việc ăn Rồng là nguồn buff lớn cho cả team. Vì có quá nhiều tướng tập trung ở đường Rồng, thế nên đây cũng sẽ là nơi có giao tranh dữ dội nhất vào đầu game. Tất nhiên là Xạ thủ cũng đừng quên farm lính kiếm tiền nhằm nuôi thân cho mạnh về cuối trận, và hỗ trợ thì không được quên cắm mắt tránh bị rừng đối phương gank, hoặc nhớ nuôi xạ thủ cho tốt đó nhé.
Đường rừng
Tự do và thoải mái, nhưng chính bản thân đường rừng cũng là vị trí áp lực nhất team. Thua cũng do rừng, mà thắng cũng nhờ rừng. Nếu một người đi rừng tốt, họ không chỉ quản lý được rừng của team mình, mà còn quan sát theo dõi các đường khác nhằm có hướng đi phù hợp, hỗ trợ đồng đội đúng lúc. Bên cạnh đó, rừng cũng là người gây sức ép vô hình lên đối phương, khiến kẻ địch luôn nơm nớp lo sợ bị gank bất ngờ, gây tình trạng nhiễu loạn khiến đối phương không thể tập trung farm lính, đẩy đường.
Thông thường, rừng sẽ là những vị tướng có kỹ năng linh hoạt nhằm phù hợp cho việc lội đèo, vượt suối nhanh chóng. Thậm chí rừng cũng cần là tướng có bộ chiêu thức có khả năng làm chậm, hoặc khiến kẻ địch khó di chuyển mỗi khi gank 3 đường. Rừng cũng cần những khả năng dẹp quái rừng nhanh chóng để có thể nhận đủ kinh nghiệm để lên cấp nhanh. Một trong số vị tướng nổi bật nhất cho việc đi rừng có thể kể đến như Lee Sin, Xin Zhao hoặc Anumu.