Cựu binh sĩ John Peck khi đang xuất quân tại Afghanistan năm 2010 đã không may dẫm phải mìn và mất đi một tay lẫn 2 chân. Sau đó, anh không may bị nhiễm độc của loại nấm rừng, khiến cánh tay kia bị teo lại.
Thế nhưng, với sức mạnh của công nghệ, Peck đang xây hẳn một tòa lâu đài Hogwarts của phim Harry Potter trong game Minecraft dành cho vợ anh. Với những người lành lặn khác, điều này cũng khó mà thực hiện.
John Peck (trái) và Ken Jones (phải) tại trung tâm y tế quân đội. Ảnh: CNET.
Mọi chuyện bắt đầu tại trung tâm y tế quân đội Walter Reed ở Bethesda, Maryland, nơi Peck gặp Ken Jones, một nhà thầu quốc phòng. Tại đó, Peck đã tiết lộ những sở thích của mình cho Jones nghe trong cuộc nói chuyện giữa hai người, bao gồm cả việc chơi PlayStation 3.
Chính điều đó đã thôi thúc Jones, một người thường tạo ra những thiết bị chơi game chuyên biệt dành cho các đối tượng khuyết tật trong thời gian rảnh, muốn giúp đỡ Peck hết sức.
"Hồi còn trong quân ngũ, tôi thường phải đi làm vào 5h30 và hầu như chưa bao giờ về nhà trước 4h sáng hôm sau. Vì thế, điều đầu tiên mà tôi muốn được làm khi có thời gian rảnh đó chính là được chơi game", John Peck chia sẻ với Ken Jones.
Với bộ điều khiển dành riêng cho Peck, Jones đã để nó đặt trên bộ giá đỡ riêng biệt, bao gồm mái chèo, núm xoay và những nút bấm riêng biệt để anh có thể chạm vào bằng cùi chỏ, khuỷu tay hoặc thậm chí là chân.
Chưa dừng lại ở đó, Jones còn thiết kế thêm một loại công tắc đặc biệt mà Peck chỉ cần cắn hoặc thổi để điều khiển.
Tuy nhìn có vẻ khó hiểu nhưng đây lại là tất cả Peck có lúc bấy giờ. Ảnh: CNET.
Mọi thứ cứ thể mà cải thiện dần cho đến năm 2016, khi mà John Peck được gắn 2 cánh tay giả mới, nhưng chúng thực chất lại không có nhiều chức năng cho lắm. Điều đó khiến Ken Jones phải thiết kế lại toàn bộ mọi thứ.
Sau cùng, mặc dù như Peck nói rằng anh vẫn không thể đọ lại một đứa nhóc 12 tuổi trong các tựa game bắn súng, nhưng ít nhất là đã chơi được Minecraft.
Ken Jones đã phải thiết kế lại toàn bộ vị trí nút bấm sao cho phù hợp với đôi tay nhân tạo. Ảnh: CNET.
Theo ước tính, hiện nay đang có khoảng 33 triệu game thủ trên toàn thế giới bị khuyết tật. Với mục đích đưa những đối tượng đó được hòa nhập với cộng đồng game thủ, các nhà phát triển thiết bị giải trí đã gặp vô vàn khó khăn, thách thức trong việc tạo ra chúng.
May mắn thay, ngoài các nhà phát triển lớn, ta còn có những tổ chức công nghệ, đơn vị tình nguyện nhỏ cũng đang ra sức phát triển những bộ trang bị dành riêng cho thương binh, hoặc thậm chí là trẻ em bị mắc bệnh hiểm nghèo.
Với việc xuất hiện những bộ điều khiển đặc biệt như vậy, nhiều game thủ khuyết tật đã có cơ hội vượt qua rào cản thể xác, kéo họ lại gần hơn với nền công nghiệp game, thứ mà trước đây rất ít hoặc thậm chí là không ai dám mơ tưởng tới.