VCT Stage 2 Master Copenhagen và VCT Champions Istanbul sẽ là 2 sự kiện lớn cuối cùng trong năm 2022 trước khi rất nhiều thay đổi sẽ diễn ra trong hệ thống giải đấu Valorant trên toàn thế giới vào năm sau.
Riot Games đã công bố kế hoạch sẽ nhượng quyền thương mại giải đấu ở cả 3 khu vực lớn bao gồm Châu Mỹ, Châu Âu (bao gồm cả khu vực EU và khu vực CIS) và Châu Á – Thái Bình Dương. Điều này sẽ giúp Riot Games có thêm điều kiện để tập trung phát triển tựa game cũng như nuôi dưỡng giải đấu, cộng đồng thể thao điện tử Valorant. Tuy nhiên, việc nhượng quyền cũng đặt ra không ít lo lắng về sự hấp dẫn các giải đấu.
Nhìn một chút sang cái tên khác đồng sản xuất bởi Riot Games là Liên Minh Huyền Thoại. Chắc chắn người hâm mộ tựa game MOBA này từ những ngày đầu sẽ nhớ về độ khốc liệt và thú vị của giải đấu khoảng thời gian trước năm 2018, khi những khu vực chưa nhượng quyền thương mại. Liên tục là những cái tên mới xuất hiện nhờ hình thức lên hạng - xuống hạng, đôi khi không để lại dấu ấn gì, nhưng đôi khi cũng đem lại rất nhiều sự thú vị trong những mùa giải sau đó. Thậm chí, từ 2012 cho đến tận 2017, trong danh sách những đội đại diện cho EU tham dự Chung kết thế giới Liên Minh Huyền Thoại, trừ Fnatic là đội tuyển thường xuyên tham dự, những cái tên khác đến từ Châu Âu hoàn toàn không giống nhau theo từng năm.
Quay lại với Valorant, ở VCT Master Copenhagen sắp tới sẽ có tới 4 đội tuyển mới lần đầu xuất hiện, nhiều hơn con số chỉ là 2 của giải Vô địch thế giới Liên Minh Huyền Thoại 2021. Không thể phủ nhận việc những đội tuyển hàng đầu thế giới thi đấu với chất lượng chuyên môn cao là phần tất yếu đem đến sức hấp dẫn cho mọi giải đấu thể thao điện tử, nhưng việc xuất hiện nhiều cái tên mới với những bản sắc cá nhân cũng là điều vô cùng thú vị và luôn được người hâm mộ hoan nghênh.
Tại VCT Master Copenhagen sắp tới, ngoài những cái tên đã trở thành trụ cột của mỗi khu vực như Fanatic của EMEA, DRX của Hàn Quốc, Paper Rex của APAC, OpTic Gaming của NA thì những cái tên mới lạ như Leviatán, Guild Esports hay NORTHEPTION chắc chắn sẽ đem lại những làn gió mới lạ cho giải đấu.
Tuy nhiên, kể từ năm sau, với hình thức nhượng quyền thương mại ở hầu hết những khu vực lớn trên thế giới của Riot Games, sẽ rất khó để xuất hiện nhiều hơn những cái tên mới đem đến sự bất ngờ.
Sẽ rất khó để chúng ta có thể chứng kiến những cái tên nhỏ hoặc không có nhà tài trợ có thể xuất hiện ở các giải đấu quốc tế trong tương lai. Ví dụ như gần đây nhất, Luminosity, một đội tuyển thuộc khu vực NA đã chính thức thông báo sẽ dừng hoạt động ở bộ môn Valorant trong tương lai khi không thể đạt thỏa thuận ký kết hợp đồng nhượng quyền với Riot.
Việc gộp khu vực và nhượng quyền không chỉ ảnh hưởng đến rất nhiều đội tuyển, đặc biệt là những đội thuộc khu vực chưa nhận được sự đầu tư nhiều như Việt Nam mà còn khiến người hâm mộ quan ngại về động lực thi đấu của những đội thuộc nhóm dưới khi mô hình nhượng quyền bắt đầu được thực hiện. Hãy nhìn vào những cái tên như Misfit ở LEC hay Immortals ở LCS. Những đội tuyển này có thành tích rất tệ trong thời gian dài nhưng lại không tỏ ra có ý định cải thiện khi không hề lo lắng về chuyện bị rớt hạng.
Tuy nhiên, sau nhiều năm quan sát việc nhương quyền thương mại giải đấu của Liên Minh Huyền Thoại, có vẻ Riot Games cũng đã rút ra được nhiều bài học và có những thay đổi nhất định trong việc áp dụng điều này với Valorant. Đầu tiên, Riot hoàn toàn miễn phí cho đối tác ký kết hợp đồng nhượng quyền. Điều này có thể tạo điều kiện cho những đội có nguồn lực tài chính kém hoặc những đội không có nhà tài trợ lâu dài được phép tiếp tục thi đấu.
Kế tiếp là việc gia hạn nhượng quyền cho các đội tuyển của Riot được cho rằng sẽ phải ký kết lại mỗi 4 năm 1 lần và sau khi mỗi bản hợp đồng kết thúc, Riot vẫn có quyền được xem xét về tư cách của đội tuyển đó có nên được ký kết tiếp hay không, cũng như gửi lời mời đến những cái tên khác. Dù đây là động thái có phần khích lệ những đội nhóm dưới hơn khi tạo áp lực cho họ buộc phải cải thiện nếu muốn tiếp tục được gia hạn nhưng nhìn chung, việc nhượng quyền thương mại vẫn khiến những đội ở nửa dưới của mỗi khu vực mất đi tinh thần cạnh tranh.
MỤC LỤC [Hiện]
Việt Nam chắc là khu vực chịu ảnh hưởng rất lớn bởi quyết định nhượng quyền của Riot Games. Trong số 8 đội tham dự VCT Vietnam Challengers Stage 2 thì có đến 6 đội không có nhà tài trợ ổn định. Dù Riot Games không yêu cầu trả phí nhưng vẫn yêu cầu các đội phải báo cáo tài chính cũng như chiến lược hoạt động, hỗ trợ cho đội tuyển Valorant của mình. Đồng thời, Riot cũng sẽ nhắm đến những đội tuyển có tên tuổi, có lượng người hâm mộ đông đảo. Năm 2023 có thể sẽ là một năm sóng gió với Valorant Việt Nam và có thể người hâm mộ sẽ phải chia tay với rất nhiều cái tên nữa.
Hy vọng chúng ta vẫn có thể tiếp tục theo dõi những cái tên thú vị như Nghiện Thêm Lần Nữa, Unbeaten hay Team Ronin tiếp tục thi đấu trong năm 2023
Đồng thời, theo kế hoạch, Riot Games sẽ tổ chức giải đấu ở 3 khu vực lớn là NA, EMEA và Châu Á, tất cả đều diễn ra trên mạng LAN. Như vậy, giống như việc khu vực Bắc Mỹ và Nam Mỹ gộp làm một, khả năng rất cao khu vực APAC (trong đó có Việt Nam) cũng sẽ gộp chung với khu vực Hàn Quốc và Nhật Bản, thậm chí có thể là cả Trung Quốc. Địa điểm thi đấu mạng LAN của khu vực Châu Á được dự kiến sẽ là Seoul, Hàn Quốc. Như vậy, các đội tuyển thuộc các quốc gia khác trong khu vực sẽ buộc phải di chuyển đi xa hơn rất nhiều khi tham dự giải đấu.
Còn không lâu nữa trước khi mùa giải 2022 kết thúc và chắc chắn 2023 sẽ là một năm chứng kiến nhiều sự thay đổi của esports Valorant. Tuy vẫn còn những lo ngại nhưng người hâm mộ vẫn có quyền tin tưởng vào quyết định của Riot Games khi cha đẻ của Valorant đã có nhiều năm nghiên cứu kỹ hệ thống nhượng quyền thương mại của mình ở bộ môn Liên Minh Huyền Thoại.
Với tư cách là những người hâm mộ, cộng đồng esports Valorant trên toàn thế giới vẫn còn 2 giải đấu nữa là VCT Stage 2 Master Copenhagen và VCT Champions 2023 Istabul để chứng kiến những sự ngẫu nhiên, những cái tên nhỏ bé tạo nên sự bất ngờ trước khi giải đấu đi vào khuôn khổ và ổn định kể từ năm sau.