Nếu chia các lớp game thủ theo độ tuổi thì thường chúng ta sẽ có thế hệ "game thủ già" 7x – 8x – 9x đời đầu và thế hệ "game thủ trẻ" tiệm cận 0x đến nay. Lối chơi, tư duy, cách chọn game, cách đánh giá game của hai thế hệ này là hoàn toàn khác nhau. Bởi vì xuất phát điểm làng game hơn một thập kỷ trước, đương nhiên là khác xa so với bây giờ.
"Bọn trẻ" ngày nay khi nhớ về "tuổi thơ", có lẽ sẽ là LMHT, là F4, là B&S và hàng loạt những tựa game "xịn sò" khác. Chúng thường được chơi ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào, ở nhà, hoặc ở những cyber game đắt đỏ. Còn đối với những 7x, 8x và một bộ phận 9x đời đầu, kỷ niệm tuổi thơ lại phần cực kỳ dữ dội.
Bị bố mẹ “gank” và đòn roi "nát đít"
Trên thực tế hầu hết các bậc cha mẹ đều cảm thấy không hài lòng khi con cái mình ngồi chơi game trên máy tính. Có một quan niệm đã tồn tại từ rất lâu rồi cho rằng chơi game rất dễ gây nghiện, mà đã nghiện cày game rồi thì chắc chắn không còn tâm trí đâu để làm việc khác, điều này cũng đồng nghĩa với việc bỏ bê học hành.
Chính vì lý do đó mà phụ huynh 10 - 15 năm trước thường tìm mọi cách để ngăn cấm con cái mình chơi game, đặc biệt là game online. Bởi họ nghĩ rằng chơi game là vô bổ, lãng phí thời gian và rất dễ ảnh hưởng tới học hành. Đỉnh điểm là những lần bị bắt quả tang ngoài quán net, giờ nghĩ lại vừa buồn cười vừa thương bố mẹ hơn nhiều.
"Kỷ niệm của mình là ngày nào trốn học chơi game và tối ngồi khóc vì bị bố mẹ đánh.
Bố đánh, mẹ ở ngoài kêu đánh thêm nữa đi...
Còn bây giờ chơi game là bị vợ gank. Đời..." - game thủ Hoàng Huy nhớ lại.
"Muốn chơi mà cực khổ, nhưng sợ là thế khổ là vậy nhưng vui cực kỳ, nhưng là một phần không thể thiếu trong tuổi thơ, một trải nghiệm táo bạo" - game thủ Quí Nam chia sẻ.
"Cho em nợ mai trả"
Net ngày xưa chỉ tầm 2 ngàn, 3 ngàn đồng cho 1 giờ chơi. Bây giờ nghe thì ít chứ thời ấy là cả một gia tài. Hồi ấy chưa được cho nhiều tiền quà vặt như bây giờ, phải tích cóp mãi mới được mấy đồng tiền lẻ để cuối tuần đi chơi net thỏa thích. Ấy thế nhưng vẫn có những hôm thiếu tiền mà nhìn chúng nó chơi cuốn quá, thế là lại làm liều thủ thỉ với chủ quán "cho em nợ tí thôi". Được cái là hồi đó đứa nào ở đâu học trường gì là chủ quán quen hết, chỉ cần trả đúng hẹn là được "ghi sổ" liền.
Những nhà “huấn luyện viên” tài năng
Hiện nay quán net nhiều, ai có game thì người đó chơi chứ ngày xưa một người chơi là 3, 4 người xem, kiêm huấn luyện viên chỉ đạo từ xa luôn. Chẳng cần biết tên tuổi hay vai vế, cứ có chung đam mê là lại nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, dạy nhau từng cách đập mồi đồ cho tới bãi train nào ngon, Ngũ Độc thì nên lùa quái thế nào, ải này mẹo vượt ra sao... Nói chung là vui lắm.
Những bữa ăn 5 sao "Sting và mì trứng"
Siêu nhanh, siêu rẻ và đặc biệt là siêu tiện lợi, 1 tay có thể ăn, 1 tay còn lại PK các kiểu mà không lo trễ tiến độ trong game. Tô mì trứng luôn mà sự lựa chọn hàng đầu của các game thủ "máu chiến". Hình ảnh các game thủ vừa ăn mì vừa chơi game đã trở nên quen thuộc trong suốt nhiều năm qua. Lại còn có chai Sting dâu bên cạnh nữa thì phải gọi là quá đã, năng lượng chiến game lúc nào cũng dồi dào.
Cúp điện
Những năm 2007 đến 2010 là khoảng thời gian ác mộng đối với các quán net ở vùng quê vì lịch cắt điện liên tục, có năm còn cắt nguyên mùa hè, từ sáng tới tận nửa đêm. Thời điểm đó quán nào mà có máy phát điện là "xịn" lắm, yên tâm lúc nào cũng đông khách. Thậm chí khách đứng xem thôi cũng nhiều hơn gấp 2, 3 lần bình thường. Mất điện, vừa nóng nực, vừa sốt ruột lại còn như ngồi trên lửa đốt vì game chưa kịp save hay phó bản chưa kịp đi hết, khổ trăm đường.
Bật/Tắt nhầm máy
Đảm bảo là rất nhiều anh em ở đây đã trả qua cảm giác "tim đập chân run" này. Thời ấy các case máy tính để sát nhau rất dễ gây nhầm lẫn, không để ý thò tay vào nhấn một cái rồi thấy máy bên cạnh bỗng nhiên đen sì là toát mồ hôi hột ngay.
Chưa kể đến khi ra thanh toán mà nhỡ nhìn nhầm, báo số sai cho chủ quán và lại tắt nốt máy bên cạnh nữa thì khả năng cao là... ăn đòn.
Hết máy
Là một game thủ thích "trôi dạt" ra những quán net, có thể khẳng định đây là một trong số những cơn ác mộng đáng sợ nhất mỗi lúc bước chân vào một quán game. Ngày xưa khi phòng máy chơi game chưa nhiều máy và rộng rãi như hiện tại thì tiếng trống tan học luôn là "hiệu lệnh" cho cuộc đua giữa những chàng game thủ trẻ tuổi, xem ai ra quán net nhanh hơn.
Không phải lúc nào những game thủ của chúng ta cũng may mắn giành được máy. Khuôn mặt méo mó khi anh chủ quán nói đầy ái ngại: "Hết máy rồi em". Trong khi cậu bạn hay đi cày Võ Lâm cùng mình học lớp bên cạnh thì đang cười tươi hơn hớn vì kịp ngồi vào máy cuối cùng của cả quán.
Copy "icon game" từ desktop vào USB
Có con game ở quán net mà bạn ưng lắm, muốn cop về nhà để âm thầm "phá đảo", thế là bạn nhanh trí mượn USB của mẹ và hăm hở mang sang quán net copy. Khốn nỗi kiến thức tin học cấp 2 mới chỉ dạy copy paste đơn giản, thế là hăm hở copy nguyên cái... shortcut của file exe chạy game để rồi yên tâm phi về nhà, một dòng chữ thân thương hiện ra: "Data not found". Lúc này vẫn còn tưởng là máy lỗi cơ...
Copy nguyên chỗ này về mà không chơi được...