Trong trận đấu với Victory Five, SofM cùng đồng đội đã đưa khán giả từ tột cùng thất vọng tới đỉnh cao sung sướng với màn trình diễn “dị biệt” của mình.
Chạm trán nhau trong giai đoạn đang đạt đỉnh phong độ, cả Victory Five (V5) lẫn Weibo Gaming (WBG) đều quyết tâm nối dài mạch chiến thắng của họ tại LPL Mùa Xuân 2022. Với riêng V5, đội tuyển “chiến vô bất thắng” trong quá khứ giờ đã lột xác hoàn toàn với niềm cảm hứng đến từ những siêu sao tân binh như Rookie hay Karsa. Trong khi WBG, sau một khởi đầu chuệch choạc, đã bắt đầu tìm được tiếng nói chung giữa các thành viên, và thể hiện một lối chơi đang dần trở nên nhất quán.
Cuộc đối đầu giữa 2 đội đã sớm được đẩy lên cao trào, khi WBG – Đội chưa từng để thua trong ván 1 tại LPL Mùa Xuân 2022, bất ngờ bị V5 vượt lên dẫn trước sau rất nhiều sai lầm khó hiểu của TheShy. Tuy vậy, trong 2 ván đấu tiếp theo, khi mà tưởng như WBG sẽ hoàn toàn bị ngợp trước lối chơi quá bài bản từ V5, thì hình bóng Á quân CKTG năm xưa lại hiện về.
Với việc lựa chọn Viego và Zed đi rừng trong ván 2, ván 3 dành cho SofM, WBG đã chuyển hẳn sang lối chơi rừng carry và chuyển trọng tâm giai đoạn đầu trận đấu xuống nửa dưới bản đồ. Việc thay đổi cách đánh đã giúp đội tuyển này tận dụng được tối đa phong độ đang lên cao của Huanfeng, trong khi đó, TheShy cũng chuyển sang chơi chống chịu đường trên với 2 vị tướng Gnar và Sion. Một đội hình hoàn mỹ được tạo nên khi SofM tận dụng chất tướng đột biến để càn quét khu rừng, TheShy và Huanfeng thì gần như không cho 2 cánh của V5 một kẽ hở nào để di chuyển, kết quả dẫn đến việc WBG hoàn toàn áp đảo đối thủ ở 2 ván còn lại và nhẹ nhàng lội ngược dòng giành thắng lợi chung cuộc 2-1.
Thực tế, lựa chọn Viego hay Zed đi rừng đã không còn quá xa lạ với khá giả LPL, tuy nhiên, việc SofM tận dụng chất tướng sát thủ này vào việc… farm rừng và kiểm soát vẫn là một giáo án gì đó vô cùng ảo diệu khiến các fan Trung Quốc không tài nào rời mắt. Chẳng những đóng vai trò quyết định trong giao tranh, mà ở ván 2 lẫn ván 3, SofM thực sự đã “out trình” hoàn toàn trước Karsa trong việc kiểm soát bản đồ, nhờ phát triển các vị tướng sát thủ với sức phòng ngự yếu, theo hướng lên trang bị “cù cưa”, dọn rừng nhanh chóng để chủ động hướng tới những điểm nóng giao tranh.
Và một lần nữa, bộ mặt trái ngược đến “bi hài” của SofM cùng các đồng đội WBG trong ván 1 so với ván 2 và ván 3 trận đấu gặp V5 lại trở thành đề tài bàn tán sôi nổi của cộng đồng game thủ xứ Trung:
“- Gã điên này! Hắn đấu với kèo dưới như mơ ngủ, rồi giờ gặp combo Rookie + Karsa thì hóa thần?
– Kẻ hủy diệt nhà cái, ác mộng của dân cá độ, không thể hiểu nổi.
– TheShy chơi tank còn SofM carry gánh team, đây là công thức trong mơ mà các ông nói đấy phỏng? Tôi thì thấy nó còn kinh khủng hơn cả tưởng tượng.
– Rookie và Karsa hiểu quá rõ TheShy, nhưng họ lại chẳng bao giờ hiểu được SofM.
– Có thể các ông không để ý nhưng Huanfeng chưa từng thua đường kể từ đầu giải đến giờ, hóng kèo Viper vs Huanfeng quá.”
Quả thực, nếu theo dõi trận đấu này, và rất nhiều trận đấu khác trong quá khứ của SofM, sẽ rất ít người hâm mộ dám tin rằng Duy Cầu Giấy trong ván 1 và Giáo Sư Duy trong 2 ván sau đó là cùng một người. Anh thể hiện một phong độ mờ nhạt góp phần không nhỏ khiến đội nhà “gãy sớm”, nhưng sau đó lại ngay lập tức vùng lên và phô diễn đẳng cấp của một người đi rừng hàng đầu lịch sử LMHT chuyên nghiệp. Có lẽ cũng chính vì lý do này mà ngay cả khi Suning, LNG trước đây, hay Weibo bây giờ, có thi đấu tệ đến mấy, thì việc theo dõi SofM vẫn chưa bao giờ trở nên nhàm chán, vì khán giả sẽ chẳng biết trước được điều gì có thể xảy ra.