Còn nhớ vào thời điểm này năm ngoái, PUBG đang tạo một cơn sốt trên toàn cầu, đạp đổ mọi bảng xếp hạng của Steam. Thời điểm đó, đã có người nghĩ tới viễn cảnh PUBG sẽ biến DOTA 2, CS:GO, OverWatch... trở thành "Daed Game" vì không còn ai muốn chơi chúng nữa. Điều đó hoàn toàn có cơ sở khi PUBG liên tục chiếm lĩnh TOP 1 "game bán chạy nhất" và "số lượng người chơi đông đảo nhất" trong suốt một thời gian dài.
Ở giai đoạn đỉnh cao, có đến 3 triệu người chơi luôn thường trực "nhảy dù" trong game. Những giải đấu, chợ trade đồ, trade hòm... luôn luôn nhộn nhịp. Không ít game thủ đã kiếm bộn nhờ bán khăn quàng, áo jacket... cool ngầu, những item ảo nhưng mang lại khoản tiền thật lên đến vài nghìn USD. Nhưng chỉ sau một năm, thứ đọng lại chỉ là những bản báo cáo ngập tràn sắc đỏ, lượng người chơi tụt thảm hại, rơi tự do xuống mốc chỉ còn 800.000 (giảm xấp xỉ 70%). Vì đâu nên nỗi?
Tử đỉnh cao, hàng triệu người chơi bỗng quay lưng khiến PUBG đang "chết đuối".
Có rất nhiều lý do xuất hiện đồng thời, cả khách quan lẫn chủ quan khiến PUBG lâm vào tình cảnh khốn đốn như hiện nay.
Đầu tiên phải kể đến là PUBG quá tự tin, tự tin đến mức ảo tưởng trong tất cả các quyết định của mình. Vào thời điểm xuất hiện, PUBG đi tiên phong trong thể loại sinh tồn Battle Royale, chính vì thế hãng không chi dù chỉ một đồng cho hoạt động quảng bá, PR game nhưng vẫn được hàng triệu người biết đến và sẵn sàng bỏ 30$ chỉ để trải nghiệm cho biết. Cả làng game sôi sục vì làn gió mới mang tên PlayerUnknown's Battlegound, thành công bất ngờ và quá vang dội có thể đã khiến cha đẻ của PUBG luôn đi trên mây, không thể ngờ những thách thức đầy bão giông đang ở phía trước.
PUBG từng thu hút được những game thủ trình cực cao như Shroud hay Grimmmz.
Thách thức đầu tiên chính là nạn hack/cheat tràn lan. PUBG phát triển quá nóng và quá nhanh chính là mảnh đất màu mỡ cho hacker làm giàu. Bằng việc lợi dụng các lỗi trong game, các hacker đã tạo ra vô vàn phiên bản: từ chạy nhanh, bắn chuẩn đầu, tay cao su, đạn xuyên mọi vật... và đem bán (hoặc cho thuê tool) kiếm lời. Những nhóm hacker một mặt thu về hàng triệu USD, mặt khác còn khiến PUBG bị băm nát, niềm tin của game thủ bị xói mòn do nhà phát hành không thể kiểm soát được vấn nạn này. Dù sau này BlueHole tuyên bố đã khóa 69 triệu tài khoản vi phạm nhưng đối với người chơi mọi chuyện đã quá muộn màng. Chẳng ai có thể gắn bó với game đầy sự ức chế: vừa nhảy dù đã chết, nấp sau đá cũng chết, nằm trong nhà lại càng chết... như thế. Chưa kể con số 69 triệu chỉ càng chứng minh sự non kém trong vấn đề bảo mật game của BlueHole mà thôi, những 69 triệu tên cheater hoành hành và phá nát hàng trăm triệu game đấu.
Ngán ngẩm với đủ mọi loại hack trong game.
Một thách thức tiếp theo mà PUBG xử trí vô cùng vụng về, khi đối phó với những tựa game "ăn theo". Với công nghệ hiện nay, việc sao chép game có khi chỉ vỏn vẹn trong vài tháng là đã có một sản phẩm na ná giống đến 96%. Những game cùng thể loại mọc lên nhiều như nấm nhưng PUBG vẫn tự tin đến mức thái quá. Điều này thể hiện rõ ở việc họ không có một động thái nào dù nhỏ để kéo thêm người chơi về cho mình.
Trong suốt hơn 8 tháng đầu game ra mắt, thông thường một trò chơi muốn thu hút thì phải giảm giá nhưng PUBG thì không. Rất nhiều đợt Steam giảm giá mùa Halloween, Noel, Flash sale... tựa game này vẫn bắt người chơi phải nộp đủ (hồi đó khoảng 660.000 VND) thì mới có key, không thì nghỉ khỏe! Phải mãi đến sau này, khi sang đầu năm 2018 Bluehole mới có đợt giảm đầu tiên.
Và tất nhiên, những tựa game ra sau cho trải nghiệm miễn phí, giảm giá liên tục mà gameplay cũng chẳng khác mấy (thậm chí còn hay hơn, vui hơn)... thì tại sao họ phải gắn bó với PUBG?
Đến khi PUBG sụt giảm thảm hại, giảm giá game cũng chẳng ai thèm mua.
Song vấn đề lớn nhất của PUBG vẫn là nội dung không có sự cải tiến, bug lỗi tràn lan và tối ưu game thì... như các bạn biết rồi, vẫn là siêu tệ. Với mỗi bản cập nhật lớn nhỏ tôi luôn phải ngồi chờ game down đủ 10GB dung lượng. Đến giờ tôi vẫn không khỏi thắc mắc tại sao lại nặng đến thế, vì game down mới hoàn toàn cũng chỉ tầm 10GB mà thôi. Thử tưởng tượng, nếu ra hàng net đúng hôm PUBG cập nhật, bạn đã mất khoảng 1-2h chỉ để ngồi chờ game down, vào chơi một lúc lại bị crash vì một lỗi ngớ ngẩn... thì mất bao nhiêu ngày để quyết định bỏ hẳn PUBG đây.
Và sai lầm tiếp theo, PUBG không thực sự lắng nghe cộng đồng. Bluehole ra event sòn sòn, bán chìa khóa, bán hòm đủ cả... nhưng mặt khác lại khóa tính năng giao dịch của người chơi(!?) Vậy người chơi bỏ tiền ra, bỏ một khoản đầu tư không hề nhỏ để kiếm đồ hiếm, nhưng không thể bán để chí ít thu hồi lại vốn. Được thì Bluehole ăn cả, lỗ thì người chơi chịu... thử hỏi có công bằng?
Shroud giải thích lý do bỏ PUBG vì game quá nhàm chán.
Đến những streamer nổi tiếng - nhân tố chính giúp PUBG gây tiếng vang lớn trong làng game cũng không được hãng chăm lo chu đáo. Trong khi đối thủ chính - Fortnite sẵn sàng lôi kéo, trả tiền để streamer chơi game của mình. Vậy theo bạn ai sẽ thắng? Lần lượt những người nổi tiếng như Grimmmz, Shroud... từ bỏ PUBG để sang các tựa game khác cho thấy một thực tế đáng buồn, họ đã cầm vàng nhưng lại để vàng rơi.
Có lẽ trong tương lai gần, PUBG sẽ "chạm đáy", có thể là ở mốc 400.000 người chơi. Hy vọng rằng họ sẽ giữ được tập game thủ trung thành này, ra được nội dung mới hấp dẫn hơn để cải thiện. Còn nếu cứ làm như hiện nay, tương lai thành DEAD GAME sẽ chẳng còn xa.