Chỉ mới tuần trước, Mọt đã nói về sự “di cư” của các game thủ nổi tiếng từ Overwatch và CSGO sang Valorant, tựa game bắn súng mới của Riot mặc dù trò chơi chưa hề được phát hành chính thức. Có thể giải thích rằng bởi trò chơi có nhiều sự tương đồng với Overwatch và CSGO, các game thủ chuyên nghiệp của hai tựa game này muốn thử sức mình với một tựa game mới.
Nhưng khi chúng ta nhớ lại rằng bản thân Riot cũng chưa xác định được phương thức vận hành hệ thống eSports của Valorant mà chỉ mới nói rằng “sẽ tập trung vào các giải đấu cộng đồng,” sự nhanh nhảu của các tổ chức, cá nhân là hơi lạ lùng. Mọt tui đã cố gắng tìm hiểu đâu là lý do của hiện tượng này, và xin được chia sẻ cùng game thủ.
“Chiêu độc” nhờ content creator
Sự thành công của LMHT có thể tóm gọn là nhờ một điều: sự yêu thích của những người tạo nội dung (Content Creator), hay nói chính xác hơn là YouTuber vào thời điểm game mới ra mắt. Riot đã khôn ngoan tái sử dụng chiến thuật này với việc phân phát key tham gia closed beta Valorant qua các streamer, một chiêu lợi cả đôi đường: các streamer được người xem và đăng ký còn Valorant tạo ra được cảm giác “hàng nóng” khi game thủ hè nhau thử món lạ. Vào lúc đỉnh điểm của cơn cuồng Valorant có những key được rao bán với giá 150 USD, dù Riot đã cảnh báo rằng những tài khoản được mua bán như thế này có thể bị khóa để “nhường chỗ cho những người đáng được hưởng.”
Một trong những điều Mọt tui học được qua quá trình chơi game của mình là việc game thủ là những kẻ cuồng “hàng hiếm” (dù có thể chúng không quý). Đó có thể là một con dao với ngoại hình lạ mắt trong Lineage 2, một bộ outfit không đụng hàng trong Vindictus, một con tàu ra mắt sớm trong World of Warships,… Chỉ cần chúng đem lại cho game thủ cơ hội để khác người, họ sẵn sàng đổ thời gian, công sức và tiền bạc vào việc săn lùng những vật phẩm đó, và key Valorant cũng không ngoại lệ. Việc phát key ngẫu nhiên qua Twitch đã đánh trúng tâm lý này, tạo ra cơn sốt ban đầu cho Valorant.
Khi một trò chơi có được sự chú ý của cộng đồng, đó là lúc các tổ chức eSports và game thủ chuyên nghiệp thấy được cơ hội kiếm tiền. Bởi eSports đã phát triển đủ lớn để game thủ giỏi có thể trở thành ngôi sao, cơ hội kiếm tiền không còn nằm vẻn vẹn trong quỹ giải thưởng của các giải đấu. Các xạ thủ tài giỏi có thể kiếm tiền từ các hợp đồng độc quyền với Mixer hay Twitch, từ tiền donate của fan hâm mộ, từ việc bán các thương phẩm mang dấu ấn của họ như ly tách chén dĩa, quần áo, lót chuột,…
Bên cạnh đó, việc cơ chế gameplay của Valorant mang rất nhiều nét tương đồng với CSGO và Overwatch cũng giúp việc ra quyết định “nhảy tàu” của các game thủ chuyên nghiệp dễ dàng hơn. Dù game mang nét fantasy với những kỹ năng đầy màu sắc, chúng chỉ là phụ trợ và khả năng ngắm – bắn của game thủ vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc chơi. Điều này cho phép những game thủ chuyển sang Valorant không phải dành ra quá nhiều thời gian làm quen, giữ lại được phần lớn kỹ năng mà họ đã dành ra hàng ngàn giờ để rèn giũa trong những tựa game trước và tiếp tục chinh phục người xem lẫn các giải đấu trong tương lai.
Đánh bại Overwatch nhờ danh tiếng cũ
Mặc dù một nhân vật cấp cao trong mảng eSports của Riot là ông Whalen Rozelle (RiotMagus) nói rằng hiện tại Riot chỉ mới “tập trung vào việc thành lập quan hệ đối tác với người chơi, người tạo nội dung, nhà tổ chức giải đấu, nhà phát triển,” hàng loạt game thủ chuyên nghiệp đã nhảy vào Valorant, trong đó có cả những game thủ hàng đầu từ Overwatch. Đây là những tựa game đã có nền tảng eSports vững chắc: Overwatch League có 20 đội tuyển nhượng quyền thi đấu suốt năm còn CSGO có ba giải Major cùng rất nhiều giải đấu nhỏ. Tại sao những game thủ chuyên nghiệp đó lại bỏ rơi những tựa game cũ, các fan cũ để tìm đến một tựa game mới thậm chí còn chưa được phát hành?
Trong trường hợp của những game thủ Overwatch, Mọt nghĩ rằng có thể họ… không dám tin tưởng vào Blizzard. Không ít game thủ vẫn còn nhớ việc Blizzard “đùng một cái” hủy bỏ giải Heroes of the Storm vào cuối năm 2018 sau một thời gian dài im lặng, che giấu thông tin khỏi các đội tuyển lẫn game thủ chuyên nghiệp. Vào thời điểm đó, rất nhiều game thủ, BLV, quản lý đội tuyển đã bày tỏ sự tức giận của mình, dẫn đến sự quan tâm và lo ngại của những game thủ trong nhiều bộ môn khác.
Bên cạnh đó, tiến độ cập nhật chậm chạp của Overwatch cũng là một điều khiến nó khó giữ chân fan. Mỗi năm, Blizzard chỉ tung ra một hai nhân vật mới, chút ít skin mới và như thế chắc chắn là không đủ – hãy nhìn sang ví dụ về Fortnite và Apex Legends: trong khi Fortnite được cập nhật thường xuyên và liên tục khiến game thủ luôn có điều mới mẻ để khám phá, Apex Legends đủng đỉnh, chậm chạp hơn và vì thế nhanh chóng mất fan. Điều tương tự có thể sẽ xảy ra khi so sánh Overwatch với Valorant: Riot có thể tung ra 5-7 skin mới cho LMHT mỗi vài tuần, chưa kể hàng núi mẫu mắt, biểu cảm, đa sắc… và không có lý do gì họ không giữ tiến độ ra skin này với Valorant.
Và như Mọt đã nói ở phần đầu bài viết, khi một tựa game có cộng đồng người chơi đông đảo, nó sẽ đem lại cơ hội kiếm tiền bạc và danh vọng cho những game thủ giỏi. Theo một vài số liệu gần đây, lượng người xem Overwatch League đã sụt giảm từ đầu năm nay sau khi Blizzard ký hợp đồng độc quyền với YouTube. Theo số liệu từ Blizzard, lượng người xem trung bình trong tuần lễ đầu tiên của Overwatch League 2020 trên YouTube là 63.505, trong khi tuần lễ đầu của Overwatch League 2019 trên Twitch là 97.168. Trong khi đó, độc chiêu phát key qua streamer của Riot giúp Valorant leo lên top 1 game được xem nhiều nhất trên Twitch, và dù thành tích này không tồn tại lâu dài, nó vẫn cho thấy tiềm năng của trò chơi.
Khi một tựa game mới toanh như Valorant hấp dẫn các game thủ Overwatch chuyên nghiệp hơn cả Overwatch, đó là lúc Blizzard cần phải xem lại chiến thuật vận hành của mình nếu không muốn mảng eSports của trò chơi lịm dần rồi tắt ngấm như Heroes of the Storm.
Giằng co với CSGO
Những game thủ CSGO nhảy sang Valorant có vẻ như không phải là những người giỏi nhất trong bộ môn này, mà bao gồm những người ở “khúc dưới” – game thủ nổi tiếng nhất trong số này lại là một người không còn cơ hội thi đấu CSGO chuyên nghiệp vì bán độ trong quá khứ. Đó là bởi vì CSGO là một bộ môn đã bám trụ lâu đời và có một vị trí khá đặc biệt trong lòng game thủ, dù bản thân Valve không có nhiều động tác nhằm đổi mới trò chơi. Bên cạnh đó, những game thủ hàng đầu cũng đang tận hưởng tiền bạc và danh tiếng trong CSGO, đủ để họ hài lòng với tình trạng hiện tại.
Dựa theo những gì một số game thủ CSGO chuyên nghiệp như Tarik, freakazoid, Zellsis… đăng tải gần đây, Mọt tin rằng lý do mà các game thủ tầm trung – thấp của CSGO chuyển nhà là vì họ muốn tìm kiếm một cơ hội mới. Sự cạnh tranh trong cộng đồng eSports CSGO quá khốc liệt, khiến những game thủ này muốn thử vận may bằng cách tìm đến Valorant – một sân chơi mới chưa được khai phá với hi vọng trở thành “sao” tại đây. Nếu bắt được cơ hội và có đủ tài năng, họ có thể kiếm được vị trí trong một đội tuyển eSports với mức lương hậu hĩnh hoặc trở thành một streamer hàng đầu, tận hưởng danh tiếng và tiền bạc từ sự đóng góp của các fan. Dĩ nhiên đây là một canh bạc lớn, nhưng nếu thua cuộc các game thủ này vẫn có thể trở về với CSGO.
Lời kết
Dù vì lý do nào, sức hút của Valorant và sự ra đi của những game thủ Overwatch, CSGO chuyên nghiệp đều cho thấy rằng trong vai trò là một nhà phát triển game và tổ chức giải đấu, Riot vẫn đang có được sự tin tưởng từ phía các game thủ chuyên nghiệp lẫn những người nuôi giấc mơ trở thành người tạo nội dung (content creator) nổi tiếng trong làng game. Nó cũng chỉ ra rằng cả Overwatch lẫn CSGO đều đang có những vấn đề hoặc lớn hoặc nhỏ cần được sự chú ý của Blizzard lẫn Valve. Dù Valorant không phải là kẻ đi đầu trong một thể loại game hoàn toàn mới như LMHT, trò chơi vẫn có tiềm năng trở thành một thế lực mới trong làng eSports, đem lại những gì mà các game thủ chuyên nghiệp cần để hiện thực hóa giấc mơ.