Từ chỗ một trang web để lưu trữ và xem video trực tuyến, YouTube đã trở thành một nền tảng rộng lớn, độc nhất vô nhỉ và gần như không có đối thủ nào có thể so sánh được. Một trong các bí quyết làm nên thành công của họ chính là những thuật toán đề xuất video phù hợp với sở thích người xem.
Tuy nhiên, theo lời của một trong những nhà phát triển làm nên thuật toán này, bản chất của thuật toán này không thực sự tuyệt vời như vậy. Nó đang trở thành nguồn gốc cho một loạt vấn đề về quản lý nội dung trên nền tảng này, đặc biệt khi kéo theo việc ra đời những đoạn video phản cảm hoặc phát tán và lan truyền tin giả.
Các đề xuất của YouTube là sự lãng phí thời gian
Các đề xuất của YouTube hiện ra trong danh sách “Up Next” ở phía bên phải màn hình và chúng sẽ được tự động chơi khi chúng ta bật tính năng xem tự động. Mọi người thường cho rằng các đề xuất này sẽ phù hợp với những gì người dùng muốn để họ có thể xem nhiều hơn và ở lại lâu hơn trên nền tảng này.
Tuy nhiên, theo Guillaume Chaslot, nhà phát triển từng làm việc với Google về thuật toán đề xuất của YouTube, điều này không hoàn toàn đúng như vậy. Anh cho rằng, động lực nằm sâu bên trong thuật toán này không thực sự vì những gì người xem muốn.
“Việc YouTube sử dụng AI để đề xuất video cho bạn không phải điều gì quá kinh khủng, bởi vì nếu AI được tinh chỉnh tốt, nó có thể giúp bạn có được những gì bạn muốn. Điều này sẽ thật tuyệt vời. Nhưng vấn đề là AI không được xây dựng để giúp bạn có được những gì bạn muốn - nó được xây dựng để làm bạn nghiện YouTube. Các đề xuất được thiết kế để lãng phí thời gian của bạn.”
Nhà phát triển Guillaume Chaslot.
Theo lời giải thích của Chaslot, thước đo cho sự thành công của thuật toán là thời gian xem. Điều này có thể thật tuyệt diệu cho một công ty đang cố gắng bán quảng cáo, nhưng không thực sự phản ánh điều người dùng cần - và nó đã sinh ra một hiệu ứng phụ.
Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị DisinfoLab Conference vào tháng trước, Chaslot nhấn mạnh rằng, các nội dung gây chia rẽ và nhạy cảm thường được đề xuất rộng rãi - những chủ đề liên quan đến thuyết âm mưu, tin giả, … vì chúng mang lại nhiều tương tác. Về cơ bản, chúng là các nội dung cận biên, nghĩa là vẫn nằm trong giới hạn cho phép của YouTube, nhưng ranh giới của chúng với các nội dung bị cấm lại rất mong manh.
Cho dù Google không đồng tình với tuyên bố của Chaslot, thì vào năm ngoái, chính Mark Zuckerberg cũng thừa nhận rằng, những loại nội dung cận biên này sẽ có nhiều tương tác hơn. Trong khi đó, đại diện của YouTube cho biết, nghiên cứu của công ty cho thấy, người dùng thực sự tương tác nhiều hơn với các nội dung chất lượng. Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm của mình, Chaslot tin tưởng hơn vào Zuckerberg trong trường hợp này.
“Chúng tôi nhận ra rằng các đề xuất của YouTube độc hại và nó đi ngược lại cuộc thảo luận công dân.” Chaslot cho biết. “Hiện nay việc tạo ra các nội dung cận biên này được khuyến khích vì chúng có rất nhiều tương tác, nhưng không bị cấm".
Những đề xuất độc hại
Về cơ bản, bạn càng làm ra các nội dung kỳ quặc hơn, mọi người càng muốn xem nó nhiều hơn, và nó sẽ tiếp tục được thuật toán đề xuất nhiều hơn - kết quả là mang lại doanh thu lớn hơn cho nhà sáng tạo và cho cả YouTube nữa.
Cấu trúc cơ bản trong thuật toán đề xuất của YouTube trước đây được tinh chỉnh cho các loại nội dung cốt lõi của nó - như video về mèo, trò chơi điện tử và âm nhạc. Nhưng khi YouTube dần trở thành trung tâm cung cấp thông tin và tiêu thị tin tức của người dùng, Chaslot lo ngại rằng các đề xuất sẽ đưa mọi người đến các thông tin cực đoan - cho dù họ muốn hay không - chỉ bởi vì mối quan tâm của YouTube là giữ chân bạn ở lại càng lâu càng tốt.
Khi báo cáo của Mueller được phát hành, mô tả chi tiết về việc liệu có sự thông đồng nào giữa Nga và cuộc bầu cử của tổng thống Donald Trump hay không, Chaslot nhận thấy rằng đề xuất từ hầu hết các kênh là một đoạn video của trang tin RT - một cơ quan truyền thông được nhà nước Nha hậu thuẫn.
Điều trớ trêu là nếu Chaslot đúng, thuật toán của YouTube đang khuếch đại một video của Nga để giải thích cho việc liệu Nga có liên quan đến chiến dịch đó hay không. Thậm chí ngay cả khi các đoạn video liên quan đến Mueller có lượt đề xuất cao hơn, đoạn video của RT vẫn trở nên nổi bật dù có ít view hơn.
Giải pháp cho bạn là gì?
Đối với Chaslot, các đề xuất từ thuật toán YouTube đã bị hỏng. Vì vậy, để mọi người thấy tác động của nó, anh tạo nên công cụ AlgoTransparency sau khi rời Google.
Về cơ bản, công cụ này sẽ tìm ra những video nào đang được hầu hết các kênh chia sẻ để cho bạn một cái nhìn tổng thể mà bạn không thể có khi sử dụng các đề xuất cá nhân. Điều này cũng có nghĩa nó sẽ cho bạn cái nhìn tổng thể hơn về các đề xuất trên YouTube.
Thuật toán của AlgoTransparency.
Google tất nhiên không đồng tình với phương pháp của AlgoTransparency và nói rằng nó không phản ánh đúng cách làm việc của thuật toán đề xuất trên YouTube - vốn dựa vào các khảo sát, lượt like, dislike và share.
Giải pháp của Chaslot không phải cách duy nhất để bạn có cái nhìn rõ ràng về những khác biệt trong thuật toán đề xuất của YouTube.
“Giải pháp tốt nhất trong ngắn hạn chỉ đơn giản là xóa chức năng đề xuất đi. Tôi thực sự không nghĩ nó hữu ích với tất cả người dùng.” Chaslot giải thích. “Nếu YouTube muốn duy trì các đề xuất, họ có thể gắn một danh sách rút gọn qua email - nơi mọi người được đảm bảo không có gì điên rồ diễn ra ở đó - hoặc chỉ làm chúng gắn với các kênh mà bạn đã subcribe.”
Tham khảo The Next Web