Mùa Tết, tất cả chúng ta đều phải đối mặt với nguy cơ tăng cân. Ăn một bữa ăn quá no có thể khiến bạn tăng tạm thời 2-3 kg. Trong khi đó, kết thúc mỗi mùa Tết bạn có thể tăng vĩnh viễn 0,5 kg không giảm được.
Đó là hậu quả của sự có mặt của vô số các loại thức ăn xung quanh bạn, những bữa tiệc, rượu bia, nước ngọt, đồ ăn vặt… Đôi khi, bạn sẽ phải tham dự 2-3 buổi tiệc liên hoan trong cùng một ngày - thật khó để buông bỏ và tận hưởng mà không cảm thấy rằng mình đang tự phá hoại chế độ ăn uống lành mạnh đã mất công xây dựng cả năm trời.
Vậy làm thế nào để bạn trải qua dịp Tết Nguyên Đán mà không tăng cân? Dưới đây là 5 gợi ý dành cho bạn:
1. Gắp thức ăn theo từng miếng nhỏ
Ngày Tết sẽ bày ra cho bạn những mâm cỗ ngập đồ ăn. Thật tuyệt vời để gắp một miếng thức ăn thật nhiều và cho vào đầy bát, đặc biệt nếu bạn nghĩ đó là một cách lịch sự khi tôn trọng chủ nhà, những người đã mất công sức nấu những món ăn ngon cho bạn.
Nhưng gắp đầy bát cũng là một công thức dẫn bạn đến một kỳ nghỉ tăng cân. Chưa kể đến việc ăn một bữa quá no có thể khiến bạn đầy hơi, khó chịu bụng dạ.
Bởi vậy, bạn có thể tự hạn chế mình bằng cách gắp từng miếng nhỏ hơn, chỉ để thức ăn đầy đến nửa chén. Nghiên cứu cho thấy bạn có thể đánh lừa não bộ bằng cách sử dụng bát đĩa nhỏ hơn, để thức ăn trông đầy hơn trong bát, và bạn sẽ thấy no hơn. Các nhà khoa học gọi đây là hiệu ứng "Delboeuf".
Đó là một mẹo hay để sử dụng ở nhà, khi bạn có thể tự chuẩn bị bữa ăn của mình trong những chiếc bát đĩa nhỏ hơn. Nhưng chắc chắc không có ai muốn lấy bát đĩa nhỏ để đãi khách và làm tiệc.
Cho nên, bằng cách tự đặt ra một giới hạn thấp hơn cho riêng mình, chỉ gắp đến nửa bát và coi đó là đầy, não bộ bạn có thể được thiết lập để bị đánh lừa tương tự hiệu ứng "Delboeuf".
2. Cân bằng các loại thực phẩm giàu calo với các món ăn tốt cho sức khỏe
Dù là Tết, hãy ăn uống điều độ! Chúng ta đều biết phần lớn các loại thức ăn ngày Tết – chẳng hạn như bánh chưng, bánh tét, chân giò, thịt, nem, xôi… chưa kể đến bánh kẹo, nước ngọt – đều chứa rất nhiều calo.
Những món ăn này có khả năng "ngồi" lâu trong dạ dày của bạn, biến thành đường trong máu và chất béo tích trữ. Bởi vậy, càng ngày Tết, bạn càng cần chú ý cân bằng bữa ăn của mình với các loại thực phẩm lành mạnh khác. Dưới đây là một vài gợi ý:
- Hãy ăn nhiều rau: Bạn có thể bắt đầu bữa ăn của mình với salad hoặc rau xanh. Bởi những món ăn này chứa ít calo và sẽ tạm thời lấp chỗ trống trong dạ dày của bạn. Chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất, rau xanh có thể giúp bạn dịch chuyển cán cân dinh dưỡng ngày Tết về phía lành mạnh.
- Đừng ăn bánh kẹo, hãy ăn các loại hạt: Ngày Tết có rất nhiều lựa chọn món ăn nhẹ, những giữa bánh kẹo và các loại hạt như hạnh nhân, quả óc chó, hạt hướng dương, hạt dưa, bạn chắc cũng đã biết bên nào lành mạnh hơn.
Các loại hạt chứa nhiều chất xơ, protein và chất chống oxy hóa, chứng chứa rất nhiều vitamin B6. Một số loại hạt thậm chí có thể trở thành một bữa ăn nhẹ bổ dưỡng cho bạn, trong khi chất xơ giúp tăng cảm giác no - giữ cho bạn khỏi thèm các món ăn kém dinh dưỡng khác như bánh kẹo – được nạp đầy đường sẽ khiến bạn nhanh đói và ăn quá nhiều.
Tuy nhiên, bạn chỉ nên chọn các loại hạt thuần rang hoặc nướng. Tránh các loại hạt được chiên hoặc bọc trong đường, ướp mật ong hoặc muối.
- Ăn nhiều trái cây tươi: Các loại hoa quả chứa rất nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Vitamin C có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, thỏa mãn cơn thèm ngọt và ngăn ngừa táo bón.
3. Ăn chậm, nhai kỹ
Nhai chậm có 2 lợi ích rõ ràng. Thứ nhất, bằng việc khiến mình bận rộn hơn trong việc nhai, bạn sẽ giảm được những lượt gắp thức ăn. Bữa ăn của bạn được kéo giãn và bạn sẽ không ăn quá nhiều.
Thí nghiệm cho thấy khi ăn nhanh, một người có thể tiêu thụ 646 kcal trong 9 phút. Khi ăn chậm, họ có thể chỉ tiêu thụ 579 kcal trong 29 phút.
Nghiên cứu cho thấy việc nhai kỹ có thể làm tăng cảm giác no. Một mặt, nó khiến thức ăn của bạn được tiêu hóa tốt hơn ngay từ trong miệng. Mặt khác, việc nhai thức ăn nhiều lần cũng tạo cảm ứng cho nhu động ruột hoạt động tốt hơn.
Thứ hai, nhai kỹ giúp bạn thưởng thức được trọn vẹn hương thơm, kết cấu và mùi vị của thức ăn. Từ đó, bạn sẽ cảm thấy hài lòng và thỏa mãn với bữa ăn hơn, cũng là một tác động tâm lý hạn chế việc bạn ăn quá nhiều.
4. Hạn chế uống bia rượu và nước ngọt
Các loại đồ uống có cồn như bia và rượu sẽ chỉ làm tăng cảm giác khó chịu cho đường ruột của bạn. Chúng cũng cộng thêm calo vào bữa ăn ngày Tết vốn đã rất lớn. Ngoài ra, nồng độ cồn cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực tới sức khỏe. Về cơ bản, một người lớn không nên uống quá 1 lon bia hoặc 2 chén rượu trong một bữa ăn.
Vấn đề tương tự xảy ra khi bạn uống nước ngọt. Một số loại nước ngọt có thể chứa khoảng 4 - 5 muỗng cà phê đường trong mỗi lon. Đối với một người trưởng thành khỏe mạnh trung bình, khuyến cáo là không nên ăn quá 11 muỗng cà phê đường mỗi ngày. Bạn có thể dễ dàng vượt quá khuyến cáo này bằng cách uống nước ngọt.
Lựa chọn đồ uống tốt nhất cho ngày Tết là nước lọc không chứa calo. Ngoài ra, bạn có thể uống trà để bù nước, lưu ý tránh những loại trà sữa hoặc trà đóng gói thêm đường.
5. Sau khi ăn hãy đứng dậy dọn dẹp và đi bộ chúc Tết
Sau bữa ăn, đừng ngồi yên một chỗ. Bạn có thể giúp mọi người dọn dẹp bởi điều đó cũng tốt cho chính bản thân bạn. Hoạt động dọn dẹp có thể tăng gấp 3 lần lượng calo bạn đốt cháy so với chỉ ngồi im một chỗ. Khoảng 15 phút dọn dẹp cho phép bạn đốt cháy 50 kcal.
Có thể bạn coi 50 kcal là không nhiều. Nhưng hãy tích lũy nhiều hoạt động nhỏ bé ấy lại trong ngày, và bạn sẽ tiêu hóa được lượng lớn thức ăn mà bạn đã nạp vào cơ thể. Đi bộ chúc Tết cũng là một lựa chọn. Đừng ngồi ô tô hoặc xe máy, mỗi 15 phút đi bộ chậm sẽ đốt thêm khoảng 50 kcal nữa.
Ngoài ra, đi bộ chậm còn hỗ trợ hoạt động tiêu hóa. Bạn cũng có thể tạo ra các cơ hội vận động để tiêu hao bớt năng lượng, chẳng hạn như bằng cách leo cầu thang thay vì đi thang máy, hoặc chơi các môn thể thao và các trò chơi thể chất trong các bữa tiệc năm mới.
Tham khảo Mountelizabeth