Kể từ lúc ngày càng nhiều người có được cho mình những cỗ máy tính đắt tiền, những group Facebook quy tụ những người yêu game mọc lên ngày một nhiều, đáng buồn và ngược đời thay, tôi lại dần mất đi niềm vui với những game bom tấn mới ra mắt. Không phải lý do vì tôi không có máy tính để chiến game với cấu hình đủ khỏe. Vẫn có một thứ gì đó trống rỗng ẩn phía sau vẻ ngoài hào nhoáng của những siêu phẩm game ra mắt vài năm gần đây.
Đã là một người mê máy tính, ai ai cũng muốn sở hữu cho mình một cỗ máy tính chơi game khủng để quẩy game cho thoải mái. Dĩ nhiên rất nhiều người đã được toại nguyện. Giờ đây chỉ cần cầm tiền ra cửa hàng máy tính, bạn sẽ được tư vấn từ A đến Z những cấu hình phù hợp cho nhu cầu chơi game, chơi mượt mà những tựa game bạn thích nhưng cùng lúc vẫn đáp ứng được điều kiện tài chính của bạn.
Bỏ qua chủ đề game crack, mà một thực tế không thể chối bỏ được, đó chính là việc game thủ Việt đang quá bị cuốn hút vào những tựa game với nền tảng đồ họa ấn tượng, nặng nề trên máy tính. Họ coi đó là mục tiêu mình phải chinh phục, chứ không còn coi game là sản phẩm giải trí sau những giờ phút học tập lao động mệt nhọc nữa.
Suy cho cùng, việc cố gắng chinh phục những game nặng, đồ họa đẹp và chụp ảnh khoe lên Facebook những tấm screenshot đẹp như mơ, đối với một số game thủ Việt chính là thứ mô tả bản tính hiếu thắng của họ. Tôi đã từng thấy có những cậu bé khoe khoang máy tính nhà mình, những cỗ máy bố mẹ mua để "phục vụ học tập" chơi được game này game kia, và sau đó là cười khoái trá khi biết chỉ mình mình chơi nổi tựa game đó ở thiết lập đồ họa cao nhất.
Giờ đây, chỉ cần lên bất kỳ group những người thích chơi game nào cũng có thể thấy những người khoe những tấm screenshot mà cũng phải công nhận là ấn tượng chỉ với mục đích kiếm like và những sự "nể phục" từ người chơi game. Thứ họ thực sự cần không phải là chia sẻ cho những game thủ khác mà là những câu comment như "Máy bác khỏe quá", "Thích thế", vân vân và mây mây...
Đôi khi thậm chí họ còn chẳng cần quan tâm cốt truyện của game, thứ mà nhà làm game đã dày công khai thác và sáng tác để phục vụ game thủ. Đối với họ, game đẹp đồng nghĩa với game hay.
Dù cách chơi có hay đến mấy, được cộng đồng và các nhà phê bình khen ngợi hết lời nhưng đó chỉ là tiêu chuẩn của năm 2016 mà thôi. Cái cảm giác lần đầu được tiếp xúc với game, cảm giác làm quen với một thứ gì đó quá đỗi mới mẻ, khác hẳn phim ảnh, truyện tranh hay những trò chơi giữa trưa hè oi bức dưới sân nhà khu tập thể đã trở thành một thứ bị chôn giấu rất kỹ và chẳng thể tìm ra cảm giác nào tương đồng để so sánh được cả.
Ở Việt Nam game thủ gần như có thể được chia thành 3 dạng. Một là những kẻ cuồng những sản phẩm mới. Có máy mới đủ khỏe là phải sở hữu, phải chơi được những tựa game đình đám bậc nhất bây giờ, không cần biết bằng cách nào và game có hợp gu hay không.
Thứ hai là những người cũng thích game hay, game đẹp, nhưng lại không có điều kiện tài chính để nuông chiều thú vui của họ. Và thứ ba là những người như chúng tôi, chơi mọi thứ đem lại niềm vui, vì suy cho cùng, chơi game cũng là một cách giết thời gian tuyệt vời, như lúc bạn ngồi ngoài ban công ngắm phố phường tập nập cạnh ấm trà, hay thưởng thức một bản nhạc hay phát ra từ bộ loa ưng cái bụng.
Mà đã là một thú vui thì cứ gì phải đắt tiền, phải đẹp, phải chất đến từng chi tiết? Bạn vẫn có thể ngâm nga một bài hát hay với tai nghe iPhone cơ mà, có thể hàn huyên tâm sự với bạn bè quanh cốc trà mạn 3 nghìn ở đầu ngõ, chứ đâu phải lúc nào cũng phải ấm trà đắt tiền, hay một góc sang trọng nào đó giữa lòng thủ đô mới có thể tận hưởng được những phút lặng của cuộc sống xô bồ?
Tương tự như vậy là tình yêu game. . Ấy vậy mà nỡ lòng nào quên đi cái quá khứ đẹp đẽ ấy, khi chúng ta có thể thả sức chìm vào thế giới ảo cho đến khi nào... bị bố mẹ bắt quả tang và xách tai về nhà cho một trận. Giờ nghĩ lại vẫn thấy vừa buồn cười vừa sợ.
Mà thứ niềm vui nhỏ nhoi ấy giờ đây lại là thứ chúng tôi cố gắng tìm về...