Chơi game là để giải trí, thư giãn nhưng cái gì nhiều quá cũng không tốt, nhất là khi trở thành con nghiện trò chơi điện tử để rồi gây ra hậu quả khôn lường. Giống như trường hợp của nữ sinh A, 14 tuổi, từng mê game đến nỗi xài hết tài sản của người mẹ quá cố, được chia sẻ trên chương trình thời sự của đài MBC.
Sự việc xảy ra vào tháng 11/2015, bố A là ông Son nhận được tin báo từ nhà trường và nơi học thêm của con gái rằng tiền học phí chưa được thanh toán suốt 2 tháng nay. Lúc này, ông mới tiến hành kiểm tra tài khoản ngân hàng của con gái thì mới phát hiện điều không ngờ, là hơn 3.000 giao dịch từ 1.000 won đến 100.000 won, tổng số tiền lên đến 73 triệu won (hơn 1,4 tỷ đồng). Đây là hệ quả của việc A bị nghiện game trong thời gian nghỉ hè và rơi vào bẫy của nhà phát triển.
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
15 năm trước sau khi mẹ A qua đời, bà đã để lại con gái sổ tiết kiệm 100 triệu won (gần 2 tỷ đồng) và giao cho ông Son quyền quản lý trực tiếp. Do thường xuyên phải đi công tác xa nhà trong nhiều ngày nên ông Son đã giao lại thẻ tín dụng cho con gái, để đứa trẻ có thể chi trả các khoản chi phí như tiền học, tiền ăn, tiền tiêu vặt… Ông không ngờ A lại bị nghiện game và tiêu số tiền khủng như vậy vào trò chơi vô bổ.
A được bố tin tưởng giao thẻ tín dụng để chi trả các khoản chi phí. (Ảnh minh họa)
Dù vậy, ông Son không trách mắng con gái, ngược lại còn cho rằng chính môi trường gia đình không tốt mới đẩy A vào con đường sai lầm. Sau đó, nữ sinh 14 tuổi được bố đưa đến gặp bác sĩ tâm lý để chấn chỉnh chứng nghiện game.
Không chỉ vậy, ông Son cũng đệ đơn kiện đơn vị phát hành trò chơi khiến con gái bị nghiện. Dù gắn mác là dành cho người từ 12 tuổi trở lên nhưng trò chơi này không khác gì đánh bạc. Họ nhắm đến đối tượng trẻ tuổi rồi thỉnh thoảng lại tổ chức những sự kiện săn vật phẩm hiếm. Người chơi muốn tham gia sự kiện này bắt buộc phải đóng khoản tiền nhất định. Sau khi nhận được tin báo, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra xem liệu trò chơi đó có phải là lừa đảo hay không.
(Nguồn: Sekye Ilbo)