Theo nguyên tác Tây Du Kí, Ngộ Không sinh ra từ một viên đá là dư chấn để lại sau một đợt rung chuyển gây kinh động Thiên Đình. Sau đó, con khỉ đá này sinh sống tự do ở Hoa Quả Sơn cho đến cái ngày nó biết được sự thật về chuyện sinh tử (một con khỉ già chết trước mặt). Kể từ đó, Ngộ Không đi tâm sư học đạo và bái Bồ Đề Tổ Sư làm thầy với tham vọng muốn luyện thành phép trường sinh bất lão, thoát khỏi sự khống chế của Ngũ hành, vượt ra ngoài Tam giới cũng như ảnh hưởng từ vòng luân hồi, sinh tử.
Trong suốt nhiều năm, Ngộ Không đã được tổ sư truyền cho 72 phép Địa sát, dạy cách cưỡi Cân đẩu vân nhưng chỉ vì khoe mẽ phép biến hình với đám bạn học mà bị thầy đuổi đi. Thậm chí, vị thần tiên này còn răn đe Ngộ Không rằng về sau có xảy ra chuyện gì cũng không được nói y là đệ tử của ông. Vậy đâu là nguyên nhân khiến Bồ Đề Tổ Sư quyết định lạnh lùng tới vậy?
Bồ Đề Tổ Sư đoán biết trước được việc Ngộ Không sẽ gây họa
Bồ Đề Tổ Sư phán đoán trước được việc con khỉ đá sẽ gây rắc rối sau này. Quả nhiên, Ngộ Không với khí phách ngang tàng đã đại náo trên Thiên cung và làm loạn dưới Địa phủ, lấy Định Hải Thần Châm và áo giáp quý ở Long cung, muốn thay cả Ngọc Hoàng cai quản tam giới... có thể nói là đã gây ra những chuyện kinh thiên động địa khiến bản thân bị giam cầm dưới chân núi Ngũ Hành.
Đó chính là số kiếp mà Ngộ Không phải trải qua, không thể cưỡng lại. Dù Bồ Đề Tổ Sư đoán trước nhưng không thể để lộ, đành đẩy Ngộ Không đi theo "lịch trình" mà số mệnh đã định và cũng tránh điều tiếng cho bản thân.
Việc đẩy học trò ra đi cũng là cách để Ngộ Không sớm đắc Đạo
Bồ Đề Tổ Sư đuổi Ngộ Không đi chẳng qua chính là đặt nền móng cho con khỉ đá này. Dù đã được chỉ dạy 72 phép biến hóa, phép "Cân đẩu vân" nhưng con đường tu luyện của Ngộ Không vẫn là rất đặc biệt. Từ việc phải tu luyện trong Đạo gia rồi đến cảnh giới Phật trong Phật môn, hành trình của Ngộ Không phải trải qua bao thử thách mới đạt tới chính quả. Minh chứng rõ nhất là sau khi làm loạn đất trời, con khỉ đá này vẫn bị Hắc Bạch Vô Thường kéo được xuống âm phủ.
Vậy có thật là Thạch Hầu đã tu được thuật trường sinh khi ở Đạo quán hay không? Thực tế cho thấy, Ngộ Không dù bị đưa xuống cõi âm rồi sau đó tự mình "lật kèo", đại náo âm phủ, xóa hết sổ sinh tử của loài khỉ đã chứng minh sự tiến bộ ghê gớm trong tu luyện của Thạch Hầu. Ngộ Không sau đó là đối tượng được chọn để hộ tống Đường Tam Tạng đi Tây Trúc.
Đạo pháp mà con khỉ này học chính là để vận dụng vào hành trình này. Bồ Đề Tổ sư đuổi Ngộ Không chính là tạo cơ hội cho học trò tạo lập công đức to lớn và tiến thêm một bước dài trên hành trình tu luyện.