Warface đã để lại bài học gì tại thị trường game online Việt? - Game Online

Là một game được đánh giá cao nhưng sự hụt hơi của Warface trong cuộc cạnh tranh tại thị trường Việt Nam đã hé lộ nhiều bài học đáng suy ngẫm.

Đúng 6 năm về trước vào tháng 12/2013, làng game online Việt Nam bất ngờ chứng kiến tựa game Warface của Crytek được mua bản quyền để phát hành nội địa. Warface trong thời gian ngắn đã thổi một làn gió mới lạ vào thị trường game bắn súng online tại Việt Nam. Với nền đồ họa đỉnh cao nhờ vào công nghệ CryEngine, nội dung cùng gameplay mới lạ và đặc sắc được nhào nặn từ nhà sản xuất từng làm ra những tên tuổi cực đỉnh của thể loại bắn súng, Warface thậm chí còn từng được cho là đối thủ đáng gờm của Đột Kích.

Warface đã để lại bài học gì tại thị trường Việt?

Thế nhưng giờ đây khi nhìn lại thì Warface gần như không có đất trên bản đồ làng game Việt. Với lượng người chơi ít ỏi còn bám trụ sau bao năm, Warface Việt Nam vẫn sống nhưng gần như không còn đủ sức cạnh ở thị trường này do đã qua “thời gian vàng”. Vậy hôm nay chúng ta sẽ cùng đi tìm nguyên nhân siêu phẩm một thời này không thể thành công tại Việt Nam.

Warface không được quảng bá đủ mạnh

Đối thủ Đột Kích thành công rực rỡ vào thời kì đầu phần nào cũng nhờ được quảng bá rầm rộ, thậm chí phát sóng cả trailer trên truyền hình mà cụ thể là kênh VTC. Cùng với đó là hiệu ứng truyền miệng của người chơi cũng góp phần vào tiếng tăm của game.

Warface đã để lại bài học gì tại thị trường Việt?

Còn Warface thì ra mắt vào thời điểm nhạy cảm hơn khi mà các hoạt động quảng bá game phần nào bị hạn chế. Chính vì nguyên nhân mang tính tình thế đó mà các hoạt động quảng cáo của Warface cũng dừng ở trên mạng và các sự kiện quy mô tầm trung đến nhỏ chứ không thực sự đủ nổi bật. Vậy nên Warface chỉ tạo được hiệu ứng ở thời gian đầu, khá nhiều game thủ hăm hở vào game khám phá cũng như ở lại nhưng sau đó các đối thủ cạnh tranh khác mới hơn đã dần dần che lấp hình ảnh về truyền thông của Warface. Vì vậy dù ra mắt đã lâu nhưng game vẫn còn khá là xa lạ với nhiều người nhất là lớp game thủ tham gia làng game giai đoạn sau này, thậm chí không có gì ngạc nhiên nếu một game thủ trẻ nào đó không biết gì về Warface tại Việt Nam.

Thị trường phần nào có sự cạnh tranh khốc liệt

Sự thật đó là Đột Kích từ khi ra mắt đến nay vẫn luôn thống trị làng game FPS Việt Nam. Đã có không ít kẻ đến người đi để rồi vẫn chỉ mình một mình Đột Kích giữ vững phong độ, Warface cũng chỉ là một trong số những game không may đó. Thời điểm cạnh tranh gay gắt nhất là khi mà Đột Kích được ra mắt cùng lúc với 2 đối thủ khác đến từ VNG và FPT Online, sau một cuộc chạy đua dài hơi thì Đột Kích đã thắng và từ đó nó gần như chả có đối thủ nữa. Điều này tạo ra một khoảng thời gian quý báu để Đột Kích cắm rễ sâu vào thị trường.

Warface đã để lại bài học gì tại thị trường Việt?

Do bản chất của game online Free2Play là người chơi phải đầu tư nhiều tiền bạc và thời gian, với từng đó năm gắn bó với Đột Kích thì thật khó để từ bỏ để sang 1 game khác. Đó là chưa kể khi ấy cũng là lúc các game chơi mạng trên Steam bùng nổ tại Việt Nam. Người chơi có thêm lựa chọn là những tựa game vô cùng chất lượng như CS:GO, Team Fortress 2, Warframe cùng vô vàn game Free2Play khác để khám phá. Nó làm cho thị trường game FPS Việt Nam có sự cạnh tranh khá khốc liệt và không may là Warface không thể bám trụ được lâu trong cuộc đua giành thị phần.

Gameplay mới mẻ lại là con dao hai lưỡi

Các game thủ phương Tây đã quá quen thuộc với phương thức điều khiển các game FPS hiện đại từ thời Call of Duty nên họ dễ dàng tiếp cận các game ngắm bắn đầu ruồi. Bản thân Warface cũng không phải là thiếu khách hàng khi mà game đạt 13 triệu người chơi sau 1 năm trên Xbox One và PS4. Trên Steam cũng kha khá người chơi khi mà thời điểm Mọt viết bài thì đang có khoảng 3000 người in-game cùng lúc, con số không tồi chứng tỏ rằng game không phải là ít khách.

Warface đã để lại bài học gì tại thị trường Việt?

Trong khi đó tại Việt Nam, ảnh hưởng từ thời Counter-Strike 1.1 và 1.6 vẫn còn rất mạnh khi đa phần các game thủ quen với lối điều khiển của các game ăn theo CS hơn. Chính bản thân thị trường game FPS tại Việt Nam cũng toàn là các game được phát triển dựa theo phong cách bắn kiểu CS, điển hình nhất chính là Đột Kích. Vậy nên khi đến với Warface, game thủ Việt phần nào gặp khó khăn khi làm quen với phong cách chơi mới, nhất là khi cơ chế điều khiển có cả động tác trượt bắn. Còn phải kể tới việc Warface có các lớp nhân vật cũng như mang đậm yếu tố chiến thuật, phối hợp đồng đội. Chúng khiến Warface trở nên tách biệt cũng như phần nào kén người chơi hơn các game FPS khác.

Mặt bằng chung của các quán net

Mọi quán net đều không thể thiếu các tựa game online tiêu biểu như Đột Kích hay LMHT. Thế nhưng ngoại trừ các quán lớn với dàn máy đỉnh mới có thể “sưu tập” đủ các kiểu game ra thì các quán quy mô vừa và nhỏ rất ít khi có các game như Warface. Không chỉ bởi Warface kém nổi trội hơn mà còn vì Warface là một game đồ họa đỉnh nên cũng cần 1 phần cứng chuẩn để chạy trơn tru.

Warface đã để lại bài học gì tại thị trường Việt?

Với các quán net không đầu tư mạnh cho cấu hình dàn máy thì sẽ khá là khó khăn để chơi được Warface kể cả ở tùy chỉnh đồ họa thấp nhất. Điều này càng khiến cho Warface ít được biến đến hơn khi mà không có nhiều quán net có tựa game này. Và nó lại xoay vòng khi ít người biết đến game sẽ ít có người yêu cầu chủ quán cài thêm game này vào máy để chơi.

Chật vật khi chống lại sự hao mòn cộng đồng

Trong quá trình vận hành sẽ có một dòng game thủ bỏ đi, bất kỳ game nào cũng gặp phải hiện tượng này ngay cả với Đột Kích. Nguyên nhân thường là do có nhiều lỗi xảy ra khi cập nhật, mất kết nối máy chủ, crash game, giật lag,… và đặc biệt là không đồng tình với chính sách của NPH hay đơn giản cực kỳ là chơi nhiều quá… chán.

Warface đã để lại bài học gì tại thị trường Việt?

Các game tồn tại lâu thường phải có một kế hoạch làm mới nhằm “bơm” thêm người chơi mới vào game để cân bằng lại với số lượng hao hụt này. Đối với các game mới thì “thời gian vàng” lúc mới mở game sẽ quyết định độ lớn của cộng đồng nhưng với những game đã qua thời điểm đó thì chính sách làm mới game mới là nhân tố quyết định tuổi thọ. Nếu các kế hoạch thêm người mới không thuận lợi, cộng đồng sẽ hao hụt nhanh chóng dẫn đến thời khắc “vỡ trận” khi chi phí nạp tiền không còn đủ chi trả cho việc vận hành game nữa còn người chơi bắt đầu nhận ra game quá vắng thì game sẽ bước đến bước cuối cùng. Chính vì vậy, các NPH luôn đầu tư vào chính sách lâu dài để kéo dài thời gian cho game càng lâu càng tốt.

10 game Battle Royale xuất sắc mà không phải là PUBG
Sau đây là 10 sự thay thế mới mẻ cho PUBG, từ những viên ngọc của thể loại game miễn phí đến những ý tưởng mới lạ về khủng long, khí tài, rèn vũ khí…

Warface vẫn còn hy vọng

Warface đã để lại bài học gì tại thị trường Việt?

Warface là một tựa game hay và đáng chơi, thật đáng tiếc rằng game không thể có đất diễn đủ lớn ở một thị trường quá khác biệt với “lời nguyền cho game xịn” như tại Việt Nam. Game để lại một bài học cho cách vận hành cũng như cách xoay sở khi gặp tình huống khó khăn để các game sau này có cơ hội học hỏi nhằm tiếp cận được đến đông đảo game thủ hơn. Dù sao Warface cũng đã để lại nhiều kỉ niệm cho Mọt cũng như những người từng gắn bó với game. Hi vọng Warface Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đứng vững để có thể mang đến nhiều niềm vui hơn cho các game thủ. Và biết đâu đấy, khi cơ hội tới chúng ta lại thấy một Warface hồi sinh rực rỡ như ngày đầu?