10 quyết định ngớ ngẩn của các nhà sản xuất console

Đừng tưởng Nintendo, Sony hay MS luôn luôn đúng khi tung ra các thế hệ console riêng nhé, họ cũng từng vấp phải những sai lầm khá ngớ ngẩn đấy.

Không chỉ ngành công nghiệp phần mềm mà cả phần cứng cũng luôn nhộn nhịp với các sáng kiến, cải tạo đến từ những nhà sản xuất console – phần nhiều trong số đó là những ý kiến mang tính cách mạng, nâng trải nghiệm game của người chơi lên một tầm cao mới, nhưng cũng có không ít quyết định sai lầm ngớ ngẩn khiến game thủ có dịp lại ngồi bàn tán rôm rả. YouTuber Gameranx kì này giới thiệu 10 quyết định ngớ ngẩn đến từ các nhà sản xuất console khiến sản phẩm tạo ra không phát huy hết được công dụng như ý muốn:

1: Loại bỏ jack cắm tai nghe trên GBA SP

quyết định

Tai nghe là công cụ duy nhất khiến các hệ máy GameBoy của Nintendo cho chất lượng âm thanh Stereo khi xuất ra, thế nhưng đến phiên bản SP của GameBoy Advance thì ngõ 3.5mm này lại bị cắt bỏ, buộc người chơi phải dùng đầu cắm chuyển đổi để cắm tai nghe được. Dĩ nhiên thay đổi này khiến bạn không thể vừa xài tai nghe vừa sạc pin được, trừ phi bạn bỏ tiền ra mua đầu chuyển đổi chia nhánh khá rườm ra.

2: Không hỗ trợ đĩa UMD trên PSP Go

z-10console-2 10 quyết định ngớ ngẩn của các nhà sản xuất console 2

Thế hệ tiếp theo của PSP, chiếc PSP Go với thiết kế nắp trượt đã cải thiện rất nhiều nhược điểm của đàn anh, nhưng lại xuất hiện thêm một vấn đề khá ngớ ngẩn là không hỗ trợ đĩa UMD, buộc game thủ phải truy cập Internet để tải và cài đặt game qua cửa hàng trực tuyến. Đây có thể không phải là vấn đề lớn ngày nay nhưng thời điểm chiếc máy này ra mắt (2009) thì tốc độ ADSL còn khá “rùa bò” nên game thủ sẽ phải mệt mỏi chờ đợi để có game mình muốn dù bộ sưu tập đĩa vẫn còn trên kệ.

3: Không hỗ trợ wifi cho Wii Mini

z-10console-3 10 quyết định ngớ ngẩn của các nhà sản xuất console 3

Quyết định này của Nintendo có lẽ chỉ nhằm giúp phiên bản Mini của máy Wii giá rẻ hơn, nhưng hãng lại quên mất rằng chiếc console này thiết kế hướng tới giải trí cộng đồng và rất nhiều game Wii chỉ thật sự hấp dẫn khi chơi cùng bạn bè qua mạng, trong đó có Mario Kart Wii “tặng kèm” khi mua máy, thật trớ trêu.

4: Kết nối chuyên biệt cho Kinect

z-10console-4 10 quyết định ngớ ngẩn của các nhà sản xuất console 4

Sản phẩm hỗ trợ game cảm ứng của Xbox 360 này vốn đã có nhiều nhược điểm từ khi ra mắt, lại còn gặp thêm vấn đề sử dụng kết nối độc quyền của Microsoft thay vì cổng USB thông dụng, khiến game thủ vừa phải tốn tiền mua cổng kết nối vừa không thể dễ dàng sửa chữa, thay thế khi gặp trục trặc. Không ngạc nhiên gì khi Kinect thất bại thảm hại chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt.

5: Nintendo 64 “trung thành” với băng game

z-10console-5 10 quyết định ngớ ngẩn của các nhà sản xuất console 5

Trong khi các đối thủ Sony, Microsoft đã tiến đến dùng đĩa quang ở PlayStation và Xbox thì Nintendo vẫn quyết định “chơi” với băng game để có tốc độ load nhanh và độ bền mà quên mất rằng thị hiếu của game thủ ngày một cao, họ không chỉ muốn game hay mà còn phải “hình đẹp, tiếng trong” nữa. Hậu quả là rất nhiều game N64 phải cắt bỏ bớt nội dung hay giảm chất lượng đồ họa, âm thanh để “nhồi nhét” vừa vào trong băng game, trong khi 2 đối thủ PS và Xbox thì thoải mái sáng tạo bay bổng với dung lượng khủng mà CD ROM hỗ trợ.

6: HD-DVD trên Xbox 360

z-10console-6 10 quyết định ngớ ngẩn của các nhà sản xuất console 6

Microsoft và Sony là đối thủ trên chiến trường console nên dĩ nhiên Xbox và PS cũng sử dụng định dạng DVD khác nhau – không may cho Microsoft là HD-DVD tuy sản xuất rẻ tiền hơn nhưng lại thua to về dung lượng lưu trữ so với Blu-Ray, khiến game thủ phải mất công dùng nhiều đĩa để cài game mà bình thường có thể nhét vừa một đĩa Blu-Ray. Không tích hợp sẵn HD-DVD vào Xbox 360 cũng là nguyên nhân khiến định dạng này kém phổ biến vì game thủ chẳng ai muốn bỏ ra thêm $200 để xem phim HD trên Xbox 360 cả, trong khi PS3 đã có Blu-Ray tích hợp sẵn tiện hơn nhiều.

7: Không gắn đèn nền cho GameBoy Advance

z-10console-8 10 quyết định ngớ ngẩn của các nhà sản xuất console 7

Với hai người anh em GB và GBC, Nintendo đã từng thử nghiệm gắn đèn nền cho màn hình để chơi game trong bóng tối khá thành công và được game thủ đón nhận, ấy vậy mà 3 năm sau gã khổng lồ này lại quyết định bỏ một thứ trang bị rất hữu ích ra khỏi chiếc handheld GBA mới nhất. May thay phiên bản SP và Micro đã khắc phục được điểm này và có gắn đèn trợ sáng đàng hoàng nên game thủ ưa thích GBA vẫn có lựa chọn để chơi game mình yêu thích trong mọi môi trường ánh sáng.

8: Controller hình muỗng của CD-I

z-10console-9 10 quyết định ngớ ngẩn của các nhà sản xuất console 8

Chiếc console được quảng cáo là “tân tiến, hiện đại, tất cả trong một” của Philips khi xuất xưởng lại bán kèm một chiếc controller hình muỗng khá kì quặc với game thủ – nó có vẻ tiện để điều khiển đa phương tiện hơn là chơi game, dù những dòng game chiến thuật hay trỏ-nhấn có thể hoạt động tốt. Sau này khi CD-I thất bại trong việc biến thành dàn giải trí đa năng, Philips mới đưa ra một bộ điều khiển chơi game truyền thống nhưng đã quá trễ.

9: Khe cắm thẻ nhớ bất tiện của Nokia N-Gage

z-10console-10 10 quyết định ngớ ngẩn của các nhà sản xuất console 9

Là điện thoại di động gaming đầu tiên ra mắt, N-Gage được Nokia kì vọng sẽ tạo nên một làn sóng mới cho game thủ với một thiết bị vừa để nghe gọi, nhắn tin, vừa chơi game được – tuy nhiên N-Gage lại vướng phải nhược điểm chết người là “giấu kín” khe cắm thẻ nhớ đằng sau pin, buộc game thủ phải tắt máy, mở nắp sau và lôi pin ra mới có thể thay thẻ game mới vào được. Phiên bản N-Gage QD đã khắc phục nhược điểm này phần nào khi đưa khe cắm thẻ ra mép máy nhưng vẫn phải mở nắp pin mới thay được, khá rườm rà.

10: Virtual Boy

z-10console-11 10 quyết định ngớ ngẩn của các nhà sản xuất console 10

Được xem là quyết định sai lầm lớn nhất của Nintendo, Virtual Boy vấp phải khá nhiều nhược điểm thiết kế cho một chiếc console “di động”: Cồng kềnh, không có giá đeo lên đầu, màn hình đơn sắc đỏ-đen khá nhức mắt và không hỗ trợ nhiều người chơi. Chiếc console này sớm trở thành sản phẩm có doanh thu tệ hại nhất của Nintendo chỉ vì hãng quyết định phải có một sản phẩm mới để giữ chân game thủ trong lúc chờ N64 ra mắt.